Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Rong Sụn Được Mùa, Được Giá

Rong Sụn Được Mùa, Được Giá
Ngày đăng: 13/05/2014

Nhờ thời tiết thuận lợi, năm nay, vụ rong sụn ở Cam Lâm (Khánh Hòa) được mùa, được giá, nông dân rất phấn khởi.

Cam Hải Đông những ngày này đang vào vụ thu hoạch rong sụn. Đây là địa phương có thế mạnh về trồng rong sụn của huyện. Năm nay, gia đình anh Hồ Ngọc Sơn (thôn Thủy Triều) trồng 1,5ha rong sụn. Năm ngoái, do thời tiết thất thường nên rong sụn nhà anh bị hỏng nhiều, không lãi. Năm nay, tình hình khá hơn nhiều.

“Nhà tôi thu hoạch 7 - 8 tấn tươi, tăng gấp đôi so với năm ngoái. Giá bán cũng cao hơn năm ngoái 2.000 đồng/kg, đạt 6.000 đến 7.000 đồng/kg rong sụn tươi, rong khô 27.000 đồng/kg, cao hơn 7.000 đồng/kg” - anh Sơn phấn khởi nói. Tính ra, với tỷ lệ 8 - 9kg rong tươi phơi được 1kg rong khô, với giá bán này, gia đình anh Sơn lãi khoảng hơn 15 triệu đồng.

Ông Nguyễn Chính, khuyến nông viên xã Cam Hải Đông cho biết: “Toàn xã có 12 hộ trồng rong sụn với diện tích khoảng 14ha. Năm nay, nhờ thời tiết thuận lợi, rong sụn không bị hư, nông dân trong xã đang rất phấn khởi vì được mùa, được giá. Trừ chi phí, nếu trồng hơn 1ha cho lãi từ 15 đến 20 triệu đồng”.

Cũng như nông dân Cam Hải Đông, người trồng rong sụn ở các xã khác rất phấn khởi. Bà Nguyễn Thị Hai (thị trấn Cam Đức) cho biết: “Nhà tôi trồng 1,5ha rong sụn, năng suất đạt khoảng 7 tấn tươi. Cùng diện tích này, năm trước chỉ thu được 4 tấn tươi. Trừ chi phí, năm nay tôi lãi hơn 15 triệu đồng”.

Theo ông Diệp Thế Thanh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Hải Tây, toàn xã có 3 - 4 hộ trồng rong sụn với diện tích khoảng 1,5ha. Năm nay, hầu như nhà nào trồng rong sụn cũng có lãi. Nguyên nhân là do thời tiết thuận lợi, nguồn nước không bị ô nhiễm...

Theo người dân những địa phương trên, rong sụn được trồng từ tháng 12 âm lịch. 1 tháng sau khi trồng, rong bắt đầu phát triển và có thể thu hoạch từ cuối tháng 3 âm lịch trở đi. Trong điều kiện thuận lợi, rong sụn có thể đạt 6 - 8 tấn/ha. Rong sụn dễ trồng, chi phí đầu tư thấp, thích hợp với các hộ ít vốn.

Để trồng 1ha rong sụn, chỉ cần đầu tư ban đầu khoảng 14 triệu đồng (gồm tiền giống, cọc dây, công chăm sóc...). Từ những vụ sau, nếu người nuôi biết tự nhân giống (ngắt ngọn rong sụn đang phát triển tốt, cột lại từng chùm thả xuống nước nuôi và đưa vào trồng ở vụ sau) thì lãi sẽ tăng gấp 2 - 3 lần. Chính vì chi phí đầu tư thấp, lợi nhuận khá nên cuộc sống của nhiều gia đình trồng rong sụn cũng bớt khó khăn hơn trước.

Có thể trồng rong sụn bằng nhiều hình thức khác nhau như: Trồng đáy, trồng bằng giàn bè, trồng bằng hình thức dây đơn căng trên đáy... Trong đó, phương pháp trồng bằng dây đơn căng trên đáy được áp dụng rộng rãi và được đánh giá có nhiều ưu điểm. Ở các khu vực nước sâu, có thể trồng theo phương pháp giàn bè có phao nổi; xung quanh bao lưới để giảm sóng, tránh cá tạp ăn. Rong giống được buộc vào các dây căng, tùy điều kiện và cách trồng mà quyết định vật liệu làm khung...

Tuy có những lợi ích thiết thực, nhưng việc người dân kiếm thu nhập bằng nghề trồng rong sụn cũng ẩn chứa bấp bênh bởi rong sụn phát triển phụ thuộc khá nhiều vào môi trường tự nhiên, đầu ra chưa ổn định... Người dân mưu sinh bằng nghề trồng rong sụn vẫn mong cơ quan chức năng có giải pháp giúp họ nâng cao sản lượng và ổn định đầu ra.

Ông Nguyễn Ta - Phó phòng phụ trách Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cam Lâm: Ở Cam Lâm, rong sụn trồng tập trung ở xã Cam Hải Đông, khu vực đầm Thủy Triều. Hiện nay, người dân trồng rong sụn chủ yếu mang tính tự phát. Huyện không khuyến khích các địa phương mở rộng diện tích rong sụn.


Có thể bạn quan tâm

Thuế VAT Thức Ăn Chăn Nuôi Về 0% Lợi Đã Thấy Nhưng Chưa Hết Lo Thuế VAT Thức Ăn Chăn Nuôi Về 0% Lợi Đã Thấy Nhưng Chưa Hết Lo

Trước thông tin Thủ tướng đã đồng ý việc đưa mặt hàng thức ăn chăn nuôi (TACN) công nghiệp đang chịu thuế giá trị gia trăng (VAT) từ 5% xuống đối tượng không chịu thuế, người chăn nuôi nhiều nơi rất vui vì chắc chắn giá TACN sẽ giảm. Tuy nhiên, sau đó họ cũng phải đối mặt với không ít nỗi lo...

26/09/2014
Việt Nam Đưa Cây Trồng Biến Đổi Gen Vào Canh Tác Việt Nam Đưa Cây Trồng Biến Đổi Gen Vào Canh Tác

Đó là nội dung chủ đạo được đặt ra tại Hội thảo khoa học với chủ đề “Vai trò và tác động của truyền thông trong tiến trình ứng dụng cây trồng biến đổi gen tại Việt Nam” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Học viện Báo chí Tuyên truyền tổ chức sáng nay (26/9) tại Hà Nội.

26/09/2014
Hội Thảo Đầu Bờ Khảo Nghiệm Giống Lúa Hương Việt 3 Hội Thảo Đầu Bờ Khảo Nghiệm Giống Lúa Hương Việt 3

Phòng NN & PTNT huyện Điện Biên vừa phối hợp với UBND xã Thanh Hưng, Công ty TNHH Giống nông nghiệp Trường Hương Điện Biên và Viện Giống cây trồng Việt Nam tổ chức hội thảo đầu bờ sản xuất giống lúa Hương Việt 3 tại xã Thanh Hưng.

26/09/2014
Triển Vọng Mô Hình Sản Xuất Giống Gà Ri Lai Lương Phượng Triển Vọng Mô Hình Sản Xuất Giống Gà Ri Lai Lương Phượng

Nhằm nâng cao năng lực sản xuất giống gia cầm tại chỗ, đáp ứng nhu cầu các hộ chăn nuôi ở địa phương, tháng 5/2014, từ nguồn vốn của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai mô hình sản xuất gà giống thuộc dự án “Xây dựng mô hình sản xuất giống gia cầm cho các tỉnh miền núi biên giới phía Bắc”.

26/09/2014
Giữ Rừng Ở Mường Pồn Giữ Rừng Ở Mường Pồn

Chuyển biến tích cực đó là nhờ chú trọng công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, đặc biệt là việc triển khai chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng theo Nghị định 99 năm 2010 của Chính phủ. Người dân Mường Pồn đều ý thức được việc giữ rừng để hưởng lợi từ rừng.

26/09/2014