Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Bỏ Tôm, Nuôi Cá Chẽm

Bỏ Tôm, Nuôi Cá Chẽm
Ngày đăng: 17/10/2014

Những năm gần đây, do nuôi tôm thua lỗ nên người dân ven đầm Thủy Triều ở xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) đã chuyển sang nuôi cá chẽm. Tuy nuôi cá đang mang lại hiệu quả cao nhưng không ít người dân vẫn tỏ ra lo lắng.

Chuyển hướng

Cách nay chừng 2 - 3 năm, vùng đìa nuôi trồng thủy sản ở thôn Tân Phú, xã Cam Thành Bắc luôn vắng vẻ, đìu hiu do bị bỏ hoang. Nhưng hiện nay, nơi đây đang tất bật chuẩn bị thu hoạch cá chẽm.

Gặp chúng tôi khi đang cho cá ăn, ông Lê Văn Minh chia sẻ, cũng như những gia đình khác, trước đây gia đình ông thả nuôi tôm thẻ chân trắng trên 4 đìa nuôi với diện tích hơn 1,5ha. Nhưng do tôm thường xuyên bị dịch bệnh, thiệt hại nhiều vụ lên đến cả trăm triệu đồng. Vì vậy, cách đây 2 năm, ông quyết định chuyển đổi toàn bộ diện tích nuôi tôm sang nuôi cá chẽm.

Cá chẽm dễ nuôi, phát triển ổn định, lại được giá nên mỗi năm gia đình ông thu được hàng trăm triệu đồng. “Hiện gia đình tôi có 1 ao cá (0,5ha) sắp thu hoạch, dự kiến sẽ thu được khoảng 10 tấn cá; trừ chi phí đầu tư nuôi trong 8 tháng khoảng 500 triệu đồng; với giá cá 85.000 đồng/kg như hiện nay, ao cá này cho lợi nhuận khoảng 350 triệu đồng. Ngoài ao cá sắp xuất bán này, tôi còn 2 ao cá đã nuôi được hơn 6 tháng” - ông Minh nói.

Cách đìa nuôi của gia đình ông Minh không xa là đìa nuôi của gia đình bà Phạm Thị Xuân Đào, diện tích các ao nuôi hơn 1ha. Bà Đào cho hay: “Nếu so sánh thì nuôi tôm thẻ chân trắng đầu tư thấp, chỉ khoảng 80 - 100 triệu đồng/ha, thời gian nuôi ngắn, nếu không bị dịch bệnh thì con tôm mang lại lợi nhuận rất cao.

Nuôi cá chẽm đầu tư tuy lớn, gấp 10 lần nuôi tôm; thời gian nuôi kéo dài 8 tháng đến 1 năm nhưng do cá ít bị dịch bệnh nên người nuôi yên tâm hơn. Vì vậy, nhiều người dân trong vùng đã bỏ tôm chuyển sang nuôi cá chẽm”.

Vụ nuôi tôm thẻ chân trắng năm 2012, gia đình bà Nguyễn Thị Lan (thôn Suối Cam) đã thua lỗ gần 100 triệu đồng. Trước tình hình đó, bà Lan quyết định bỏ hoang đìa nuôi. Đến đầu năm 2014, thấy nhiều hộ trong xã đầu tư nuôi cá chẽm hiệu quả nên bà cũng đầu tư nuôi cá.

Bà Lan vui mừng chia sẻ: “Nuôi cá được cái yên tâm chứ không phải lúc nào cũng thấp thỏm lo âu như nuôi tôm. Gia đình tôi đầu tư nuôi 8.000 cá giống trên diện tích ao 0,5ha; đến nay cá sắp xuất bán, tỷ lệ hao hụt chỉ 20%, với giá cá như hiện nay thì ao nuôi này sẽ cho lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng”.

Hiệu quả nhưng vẫn lo

Trò chuyện với chúng tôi, nhiều hộ nuôi cá chẽm tại xã Cam Thành Bắc cho biết, với giá cá hiện nay, trung bình 1ha nuôi cá chẽm có thể cho nông dân lợi nhuận từ 400 - 500 triệu đồng. Tuy nhiên, điều khiến họ lo lắng là giá cá cao sẽ không duy trì được lâu, khi cá chẽm được thu hoạch rộ, giá sẽ bị ép xuống thấp.

“Thực tế trong 5 - 6 năm trở lại đây, giá cá chẽm lên xuống rất thất thường, điều này phụ thuộc vào sản lượng cá; có thời điểm giá chỉ còn 45.000 đồng/kg, nên nhiều hộ nuôi từ hòa đến lỗ một phần tiền đầu tư. Việc đầu tư nuôi cá chẽm cần vốn lớn, nhiều gia đình dù muốn đầu tư cũng không đủ vốn để nuôi… Đây là những khó khăn chính trong việc nuôi cá chẽm hiện nay” - ông Minh chia sẻ.

Theo ông Hồ Thọ - Phó Chủ tịch UBND xã Cam Thành Bắc, toàn xã có 80ha nuôi trồng thủy sản. Do nuôi tôm thua lỗ từ những năm trước nên hiện vẫn còn 15ha ao đìa chưa được người dân thả nuôi. Hiện nay, trong các đối tượng nuôi thì cá chẽm đang mang lại hiệu quả cao nhất, bởi loại cá này ít dịch bệnh và giá bán cao.

Trước tình trạng người dân ồ ạt chuyển đổi sang nuôi cá chẽm, UBND xã liên tục khuyến cáo người dân không nên nuôi quá nhiều, tránh trường hợp sản lượng lớn, việc tiêu thụ chậm sẽ bị thương lái ép giá dẫn đến lãi ít, thậm chí có thể thua lỗ. “Trong kế hoạch nuôi trồng thủy sản của xã, cao điểm diện tích cá chẽm chỉ chiếm 50%, phần diện tích còn lại dành để nuôi: tôm, ốc hương, cá mú…” - ông Thọ nói.

Qua trao đổi với những hộ nuôi trồng thủy sản tại xã Cam Thành Bắc, nhiều ý kiến cho rằng, nghề nuôi trồng thủy sản hiện nay đang gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, nông dân rất mong doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm trực tiếp cho bà con với giá cả ổn định.

Bên cạnh đó, đề nghị ngân hàng tạo điều kiện cho người dân tiếp cận vốn vay để đầu tư sản xuất. Ngoài ra, ngành chức năng cần quan tâm hỗ trợ nông dân trong việc kiểm định chất lượng con giống, môi trường nuôi... để có khuyến cáo kịp thời cho người dân, tránh xảy ra dịch bệnh.

Ông Hồ Thọ - Phó Chủ tịch UBND xã Cam Thành Bắc cho biết: Thời gian qua, diện tích nuôi cá chẽm trên địa bàn xã không ngừng tăng. Toàn xã có 80ha nuôi trồng thủy sản nhưng hiện có hơn 50ha ao đìa nuôi cá; sản lượng cá thu hoạch đến nay đã hơn 112 tấn, đến cuối năm lượng cá thu hoạch dự kiến vượt 250 tấn.


Có thể bạn quan tâm

Lạ mắt gà tre ngực khủng nhỏ nhất thế giới tại Việt Nam Lạ mắt gà tre ngực khủng nhỏ nhất thế giới tại Việt Nam

Gà tre Serama có vẻ đẹp vương giả, chỉ cao bằng gang tay, trọng lượng chỉ từ 300 đến 500 gram. Gà trưởng thành giá rẻ nhất cũng trên dưới 10 triệu đồng/con, với con mã đẹp còn lên tới cả trăm triệu đồng.

21/10/2015
Tôm chết chưa rõ nguyên nhân Tôm chết chưa rõ nguyên nhân

Sáng ngày 19/10, ao tôm của gia đình ông Nguyễn Thế Phú, xóm 13 xã Diễn Trung (Diễn Châu - Nghệ An) đã bị chết hàng loạt. Hiện các cơ quan chức năng đang tiến hành xét nghiệm, điều tra để tìm hiểu nguyên nhân.

21/10/2015
Quy hoạch chi tiết nuôi, chế biến cá tra đến năm 2020 định hướng đến năm 2025 Quy hoạch chi tiết nuôi, chế biến cá tra đến năm 2020 định hướng đến năm 2025

UBND tỉnh Đồng Tháp vừa có Quyết định số 1046/QĐ-UBND.HC về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết nuôi, chế biến cá tra trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 (QĐ 1046).

21/10/2015
Nhạy bén làm kinh tế gia đình Nhạy bén làm kinh tế gia đình

Cần cù, chịu khó học hỏi kinh nghiệm, nhất là nhạy bén lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp đã giúp gia đình ông Trần Văn Hon, ở ấp Thạnh Lộc 2, xã Trung An, huyện Cờ Đỏ, TP.Cần Thơ luôn có thu nhập ổn định hàng trăm triệu đồng/năm.

21/10/2015
Tàu dịch vụ, động lực cho nghề cá phát triển Tàu dịch vụ, động lực cho nghề cá phát triển

Theo Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản (KT&BVNLTS) tỉnh Ninh Thuận, tính trong hơn 9 tháng qua, toàn tỉnh khai thác hải sản đạt sản lượng 66.730,6 tấn, đạt 92,68% kế hoạch năm và tăng 99,75% so với cùng kỳ năm trước.

21/10/2015