Rộng Đường Xuất Khẩu Cá Cảnh

Xuất khẩu cá cảnh đang mang lại lợi nhuận khá cao cho nhiều hộ nông dân tại TP.HCM và một số tỉnh ĐBSCL như Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp... khi giá cá ổn định, liên tục có nhiều đơn hàng mới. Xuất khẩu tăng
Thông tin từ Sở NNPTNT TP.HCM, trong 9 tháng đầu năm 2013, thành phố đã xuất khẩu (XK) hơn 7 triệu con cá cảnh, tăng 3,5% so cùng kỳ. Tổng đàn cá cảnh của thành phố hiện có hơn 63 triệu con, tăng 14,5% so cùng kỳ năm trước. Trước đó, lượng cá cảnh XK trong 6 tháng đầu năm tăng đột biến với mức hơn 32% so với cùng kỳ năm 2012.
Ông Tống Hữu Châu – chủ Doanh nghiệp cá cảnh Châu Tống (quận 12, TP.HCM) cho biết, lượng cá XK tăng do trong thời gian gần đây công tác xúc tiến thương mại của các doanh nghiệp đã có hiệu quả hơn trước. Nhiều bạn hàng từ các nước như Mỹ, Úc, Canada… đã liên hệ đặt hàng để XK thử, sau đó quay lại tiếp tục hợp tác. Mỹ và Canada đang là 2 thị trường lớn với nhiều khách hàng mới của cá cảnh Việt Nam. “Giá cá cảnh Việt Nam hiện không quá cao, cạnh tranh tốt nên phía đối tác thường chấp nhận luôn mức giá nhà XK đưa ra, tạo nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam” - ông Châu nói.
Ông Hồ Nhuận Đăng Sơn – Tổng Thư ký Hội Sinh vật cảnh tỉnh Long An, đồng thời là nông dân nuôi cá cảnh tại TP.Tân An cho biết, từ đầu năm đến nay, các đơn hàng nhập cá cảnh liên tục tăng, giá cá ổn định nên lợi nhuận cho người nuôi cũng rất khá. “Riêng năm 2012, lợi nhuận từ việc nuôi 100 hồ cá dĩa và 2ha cá cảnh đạt gần 500 triệu đồng” - ông Sơn nói. Chi cục Quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản TP.HCM cũng cho biết, thị trường tiêu thụ lớn nhất cá cảnh Việt Nam là các nước EU, lên đến 73%, còn lại là châu Á và Mỹ.
Nâng cao chất lượng cá
Dù hoạt động XK cá cảnh đang rất tốt nhưng theo một số doanh nghiệp trong nước, cá cảnh Việt Nam cũng đang gặp một số rào cản kỹ thuật tại các nước nhập khẩu. Các hộ nuôi cá do đó phải nâng cao kỹ thuật nuôi để đảm bảo chất lượng cá, an toàn với các dịch bệnh… Ông Tống Hữu Châu cho biết, cá chép cũng là một loại cá cảnh được nhiều hộ nông dân nuôi ở TP.HCM và các tỉnh lân cận, tuy nhiên, hoạt động XK từ đầu năm đến nay không được thuận lợi. Hiện tại có 4 doanh nghiệp được cấp phép XK cá chép sang Mỹ, tuy nhiên, nhiều rào cản kỹ thuật tại nước nhập khẩu đã khiến việc XK bị gián đoạn.
Sở NNPTNT TP.HCM cũng cho biết, giá trị xuất khẩu cá cảnh năm 2012 đạt 400 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với năm 2008.
Trước tình hình đó, Sở NNPTNT TP.HCM đã kết hợp với Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM xây dựng dự thảo quy phạm thực hành quản lý tốt trong sản xuất cá cảnh (GMP). Dự án được thực hiện từ tháng 10.2011 và dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 10.2013. Hội Sinh vật cảnh Long An cũng đang hướng các hộ nuôi tới việc áp dụng GMP trong việc nuôi cá cảnh, trong tháng 10 tới sẽ thử nghiệm trên một số trại của các hội viên trong tỉnh. Quy trình GMP cũng đang được ông Tống Hữu Châu nhân rộng trên toàn trại cá Châu Tống nhằm nâng cao chất lượng cá, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và XK thời gian tới.
Có thể bạn quan tâm

Đài Truyền hình ABC của Australia vừa phát phóng sự về hoạt động nuôi trồng thủy sản trong nước và nhu cầu rất lớn đối với loại mặt hàng này, trong đó đánh giá tích cực về thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam.

Trong những năm gần đây, để cải tạo các diện tích cà phê già cỗi, người trồng cà phê trên địa bàn huyện Đắk Mil đã thực hiện “trẻ hóa” vườn cây bằng cách áp dụng kỹ thuật ghép chồi.

Chúng tôi lo ngại những quy định mới trong Luật Nông nghiệp 2014 của Hoa Kỳ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến ngành nuôi trồng, chế biến thủy sản của Việt Nam cũng như người tiêu dùng Hoa Kỳ

Dịch cúm gia cầm đang bùng phát mạnh và có chiều hướng lây lan nhanh. Thế nhưng, rất nhiều người vẫn tỏ ra rất lơ là, thậm chí tìm cách tuồn gia cầm bệnh ra khỏi vùng dịch bán để tránh bị tiêu hủy.

Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt tại Việt Nam (gọi tắt là VietGAP) được xem là giải pháp đảm bảo hài hòa lợi ích bền vững giữa kinh tế (người sản xuất, người tiêu dùng) và môi trường. Thế nhưng, tại Quảng Ngãi, vấn đề này dường như đang bị bỏ ngỏ…