Rau Màu Châu Phú Xuất Khẩu

Cùng với việc canh tác cây lúa, huyện Châu Phú (An Giang) có khá nhiều vùng chuyên canh rau màu, chủ yếu tập trung ở các xã: Khánh Hòa, Mỹ Đức, Bình Thủy. Khi thị trường nội địa không thể tiêu thụ hết sản phẩm của nông dân thì việc đưa rau màu Châu Phú “xuất khẩu” sang Campuchia đang là hướng đi cho hiệu quả khả quan.
Anh Nguyễn Bá Tình, nông dân xã Mỹ Đức, cho biết: “Lúc trước, trồng rẫy thu nhập bấp bênh lắm. Có khi trồng mấy công rau, gặp ngay lúc “dội chợ” thì phải chịu lỗ vốn. Bây giờ tình hình có đỡ hơn, rau trồng nhiều nhưng nhờ chở sang Campuchia bán, thành ra dân làm rẫy đỡ lo”. Anh Tình nhớ lại cái thời dân trồng rẫy suốt ngày gánh nước, tưới phân, trông mong cho mau tới ngày thu hoạch thì lại phải ngậm ngùi vì rau màu trồng ra không thể bán được hoặc phải bán với mức giá rẻ mạt.
Hiện nay, dù vẫn còn phải vừa trồng vừa “nghe ngóng” giá thị trường nhưng người trồng rau màu không phải chạy tìm đầu ra như trước. Anh Tình chia sẻ: “Bây giờ, anh em làm rẫy có kỹ thuật lắm, năng suất cao gấp rưỡi, gấp hai hồi trước, nếu không bán lên Campuchia thì dân mình làm sao tiêu thụ hết”. Vài năm gần đây, nhiều nông dân trong xã Khánh Hòa, Mỹ Đức đang chuyên canh cải thìa và cải rổ vì hai loại rau này được thị trường Campuchia ưa chuộng. Nếu ngay lúc trúng giá thì người trồng cải thìa và cải rổ có thể lời trên 10 triệu đồng/công.
Nói là “xuất khẩu” cho oai chứ thực tế là bán sang nước bạn để tiêu thụ nhỏ lẻ theo các chợ, nhưng như vậy cũng đã làm cho anh em trồng rẫy “mở cờ” trong bụng, vì sau bao nhiêu cực nhọc họ không phải lo lắng đầu ra. “Ngày trước trồng rau chỉ tiêu thụ ở các chợ tại Châu Đốc, mặt hàng nào hút nhiều thì mang ra Sài Gòn. Bây giờ bạn hàng bán lên Campuchia mỗi ngày, thành ra ít khi anh em làm rẫy bị lỗ vốn” - anh Tình cho biết. Hiện anh Tình đang xuống giống 2 công cải rổ, thời điểm chúng tôi ghé thăm thì giá khoảng 5.000-6.000 đồng/kg, đây là mức giá có thể mang lại cho anh lợi nhuận cao.
Rau màu Châu Phú phần nhiều tập kết tại chợ Châu Long (TP. Châu Đốc) hoặc chợ Tịnh Biên, từ đây được phân phối ra các vùng lân cận và sang Campuchia. “Cứ mỗi ngày tôi gom hàng rẫy của bà con lên đây, bình quân khoảng 7-8 tấn/ngày, rồi đưa lên Long Bình hoặc vô Tịnh Biên tiêu thụ. Rau cải lên tới đó bán tại chỗ một phần, đa số còn lại là bán sang Campuchia” - chị út Vân, bạn hàng tại chợ Châu Long, cho biết. Ngoài chị Vân, còn có rất nhiều thương lái cũng mua rau màu tại Châu Phú và các huyện khác mang lên tiêu thụ tại các chợ biên giới.
Cải rổ, cải thìa, cải ngọt, cải xanh và các hàng rau cho trái như khổ qua, dưa leo, bí đao… đều lần lượt “xuất cảnh” sang nước bạn qua cửa khẩu Khánh Bình hoặc Tịnh Biên. Mỗi ngày, rau màu thu hoạch tại rẫy của nông dân vào buổi sáng được “đội quân thu gom” (mỗi bạn hàng rau thuê khoảng 3-4 người chạy xe gắn máy tới rẫy của nông dân chở rau) tập kết lên vựa.
Do đặc thù của rau màu là nhanh khô héo nên công việc diễn ra khá tất bật, những bạn hàng phải tranh thủ gom đủ số lượng trước 2 giờ chiều để mang tới chợ Tịnh Biên hoặc Long Bình tiêu thụ. “Bên Campuchia nhóm chợ vào ban đêm, tôi phải chuyển rau cho mấy chị bên đó sớm để họ tranh thủ bán. Thường thì 7-8 giờ đêm là vừa, trễ quá thì không bán được. Tôi cũng có bán rau- củ- quả Đà Lạt nhưng số lượng không nhiều bằng rau vườn mình ở đây, vì dân bên đó hình như không mấy chuộng các mặt hàng xứ lạnh” - chị Vân giải thích.
Nhu cầu từ thị trường Campuchia vẫn luôn ở mức cao, đó là điều kiện thuận lợi để rau màu Châu Phú và các nơi khác trong tỉnh An Giang có được đầu ra ổn định. Đó cũng là cơ hội để những người nông dân chuyên canh rau màu có được thu nhập đều đặn, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, ngành chức năng và chính quyền địa phương cần có quy hoạch, giải pháp căn cơ để rau màu Châu Phú cũng như các địa phương khác có thị trường tiêu thụ ổn định, nhất là việc tiêu thụ ở thị trường Campuchia theo hướng “Danh chính, ngôn thuận” để nông dân yên tâm sản xuất…
Có thể bạn quan tâm

Trung tâm Giống nấm (Sở Nông nghiệp và PTNT) đang xây dựng hai cơ sở sản xuất nấm tại xã Quang Châu và Minh Đức, huyện Việt Yên (Bắc Giang). Tổng kinh phí đầu tư 2 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh.

Ngày 16.4, ông Lê Hoài Lam, Phó trưởng phòng Nông nghiệp huyện Phù Mỹ (Bình Định), cho biết: Vụ Đông Xuân năm 2013 – 2014, diện tích trồng ớt trên địa bàn huyện Phù Mỹ tăng cao so nhiều năm trước, lên đến 947,3 ha, năng suất đạt 20 tấn/ha. Hiện nay, đang vào thời điểm thu hoạch rộ nhưng giá ớt lại rớt mạnh.

Khoảng 1 tháng trở lại đây, nông dân rất phấn khởi khi giá tiêu liên tục tăng mạnh. Cụ thể, giá tiêu thu mua tại địa bàn các huyện Chư Sê, Chư Pưh dao (Gia Lai) động trong khoảng 135 ngàn đồng đến 136 ngàn đồng/kg, tăng khoảng 15 ngàn đồng/kg so với đầu vụ.

Việc tái canh cho một diện tích lớn (khoảng 200.000 ha) cà phê già cỗi đang gặp khó khăn do nguồn vốn dành cho việc này đang có mức lãi suất cao, lên đến 10,5%/năm.

Những năm trước đây, mặc dù nông dân trồng khoai lang ở huyện Châu Thành (Đồng Tháp) bao phen lao đao với khoai lang tím Nhật. Tuy nhiên, đến hẹn lại lên, khi giá khoai “sốt” mạnh, bà con nông dân tiếp tục trồng khoai lang tím trở lại, dù lòng vẫn canh cánh nỗi lo.