Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Rau An Toàn Ra Chợ

Rau An Toàn Ra Chợ
Ngày đăng: 10/05/2014

Thời gian qua, có không ít dự án rau an toàn (RAT) được người nông dân theo đuổi, thế nhưng không bao lâu thì nhiều mô hình RAT phải “phá sản”.

Với quyết tâm đưa RAT đến với người tiêu dùng và cũng xác định vai trò phát triển kinh tế của RAT đối với đời sống và thu nhập của người dân vùng màu, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) đã phối hợp cùng Phòng Kinh tế và Hạ tầng, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện... cho ra mắt mô hình bán RAT tại các chợ. Sau gần 3 tháng triển khai mô hình, bước đầu mang lại hiệu quả.

Phòng NN&PTNT huyện Lấp Vò chọn 3 hộ nông dân tại xã Mỹ An Hưng B thực hiện 2 mô hình trồng RAT với diện tích gần 7.000m2 làm thí điểm. Các hộ dân trồng rau theo hướng an toàn sinh học, có ghi sổ nhật ký bón phân, phun thuốc trừ sâu theo quy trình kỹ thuật do cán bộ chuyên môn hướng dẫn. Ngoài ra, Phòng cũng hỗ trợ mỗi mô hình gần 22 triệu đồng để làm nhà lưới và hệ thống tưới phun, dây cột rau...

Ông Tô Phước Lập - Tổ trưởng Tổ Hợp tác RAT xã Mỹ An Hưng B cho biết: “Bước đầu trồng cũng “hơi ngán” vì nông dân còn quen với cách canh tác cũ, việc ghi chép nhật ký, tuân thủ quy trình kỹ thuật chưa quen nên tương đối khó khăn, nhưng nhờ cán bộ nông nghiệp theo sát hướng dẫn, đến nay, sau hơn 3 tháng trồng đã dần dần quen được cách làm mới”.

Hiện tại, Tổ Hợp tác đang trồng trên 6 loại rau dưa các loại. Trong đó, nhiều nhất là rau muống và mồng tơi với diện tích trên 3.000m2, còn lại là dưa leo, đậu bắp, rau dền...

Để đảm bảo cung cấp cho thị trường, các diện tích cũng như từng loại rau sẽ được xuống giống rải ra, không tập trung nhằm tạo sự liên tục, tránh ùn ứ. Bên cạnh đó, để kiểm tra chất lượng sản phẩm, sau khi thu hoạch, RAT còn được kiểm tra dư lượng nông dược tại chỗ trước khi sơ chế và đem ra các chợ tiêu thụ.

Tại các chợ, Hội LHPN huyện sẽ làm công tác tuyên truyền, vận động chị em tiểu thương tham gia kinh doanh RAT bên cạnh rau thông thường. Mỗi hộ kinh doanh được hỗ trợ 1 tủ kính đựng RAT.

Chị Nguyễn Kim Nghĩa, chủ một cửa hàng tạp hóa chợ Mỹ An Hưng B cho biết: “RAT có giá cao hơn rau thường từ vài ngàn đồng, ban đầu bán cũng ít nhưng nhờ giới thiệu nên dần dần có nhiều khách hàng ghé qua quầy RAT.

Trung bình mỗi ngày tôi bán được vài chục kí RAT, tuy so với rau thường không là bao nhưng tôi cũng tích cực giới thiệu đến người tiêu dùng”.

Được biết, RAT hiện tại được bày bán tại 6 chợ trên địa bàn huyện Lấp Vò thuộc các xã: Tân Mỹ, Tân Khánh Trung, Mỹ An Hưng B, Vĩnh Thạnh, Bình Thành và thị trấn Lấp Vò với sản lượng tiêu thụ mỗi ngày gần 1 tấn rau.

Ông Trần Văn To - Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Lấp Vò nhận định, mô hình đưa RAT ra chợ mang lại hiệu quả bước đầu, giúp thay đổi nhận thức của người dân trong canh tác rau tại vùng màu, cung cấp RAT đến người tiêu dùng. Trong thời gian tới, Phòng NN&PTNT cùng các phòng liên quan sẽ họp rút kinh nghiệm để nhân rộng ra các chợ khác trên địa bàn, cũng như mở rộng diện tích canh tác RAT.

Còn theo ông Tô Phước Lập - Tổ trưởng Tổ Hợp tác RAT xã Mỹ An Hưng B bán RAT ra chợ là điều rất phấn khởi với ông và nhiều hộ sản xuất. Thế nhưng, ông cũng lo lắng khi xây dựng được hình ảnh RAT trong mắt người tiêu dùng thì sẽ dễ bị “nhái” từ các loại rau thông thường khác, dẫn tới mất uy tín.

Bởi, mẫu mã RAT hiện nay tương đối bắt mắt nhưng vẫn còn thô sơ và dễ dàng “nhái”, do đó ông kiến nghị huyện sớm có chính sách “bảo hộ” cho sản phẩm RAT để đây thật sự là một bước chuyển quan trọng, nhằm nâng cao giá trị của rau màu trên địa bàn huyện.


Có thể bạn quan tâm

Tôm Chân Trắng Tiềm Năng Và Thách Thức Tôm Chân Trắng Tiềm Năng Và Thách Thức

Qua hơn 1 năm chuyển đổi mô hình nuôi tôm sú sang tôm thẻ chân trắng theo chỉ đạo của UBND tỉnh Trà Vinh, mùa tôm năm 2013 ở Cầu Ngang, Duyên Hải, Trà Cú,… diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng phát triển mạnh. Con tôm thẻ chân trắng đã “soán ngôi” con tôm sú về năng suất, sản lượng tăng 10 lần so năm 2012.

05/12/2013
Anh Cao Hoài Ân Nuôi Cá Thác Lác Cườm Có Hiệu Quả Anh Cao Hoài Ân Nuôi Cá Thác Lác Cườm Có Hiệu Quả

Anh Cao Hoài Ân (SN 1984) ở ấp An Hòa, xã An Nhơn (huyện Châu Thành - Đồng Tháp) đã mạnh dạn chọn nuôi con cá thác lác cườm bằng thức ăn công nghiệp. Bước đầu, đạt hiệu quả kinh tế cao và giảm ô nhiễm môi trường.

06/12/2013
Đối Thoại Tháo Gỡ Khó Khăn Về Vốn Cho Người Nuôi Ngao Đối Thoại Tháo Gỡ Khó Khăn Về Vốn Cho Người Nuôi Ngao

Chiều 4-12, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Thái Bình phối hợp với UBND hai huyện Tiền Hải, Thái Thụy tổ chức hội nghị đối thoại, tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp, hộ nuôi thủy sản.

07/12/2013
Đã Khống Chế Triệt Để Gia Cầm Nhập Lậu Đã Khống Chế Triệt Để Gia Cầm Nhập Lậu

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương tổ chức chiều 2/12 tại Hà Nội, ông Đỗ Thanh Lam, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết kết quả một số biện pháp ngăn chặn hoa quả độc hại và gia cầm thải loại nhập lậu vào Việt Nam.

07/12/2013
Phát Triển Chăn Nuôi Gian Nan Bài Toán Giống Tại Chỗ Phát Triển Chăn Nuôi Gian Nan Bài Toán Giống Tại Chỗ

Ngành chăn nuôi được coi là mũi nhọn, tạo giá trị lớn trong nội ngành nông nghiệp. Trong những năm qua, Lạng Sơn đã có nhiều nỗ lực để thúc đẩy phát triển chăn nuôi, tuy nhiên việc chưa chủ động được nguồn giống cung cấp trong nội tỉnh đã tạo ra trở lực kìm hãm hướng phát triển này.

07/12/2013