Quảng Ninh (Quảng Bình) chú trọng phát triển đánh bắt và nuôi trồng thủy sản

Theo báo cáo của UBND huyện Quảng Ninh, từ đầu năm đến nay, các ngành, địa phương trong huyện tiếp tục thực hiện tốt các chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển thủy sản; ưu tiên cho bà con ngư dân vay vốn để đầu tư phát triển nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản và chế biến thuỷ hải sản.
Trong đó, chú trọng gắn đánh bắt với chế biến hải sản nhằm giải quyết lao động phụ nghề cá, tăng thu nhập cho ngư dân; đồng thời, tăng cường các chương trình khuyến ngư để chuyển giao khoa học kỹ thuật, nâng cao sản lượng, chất lượng nuôi trồng thủy sản, nhất là các loại có giá trị hàng hoá cao.
Do vậy, bà con ngư dân các địa phương trong huyện đã chú trọng đầu tư đóng mới tàu và mua sắm ngư lưới cụ đánh bắt xa bờ; đồng thời thành lập các tổ, đội hợp tác khai thác trên biển vừa hợp tác đánh bắt vừa hỗ trợ nhau khi gặp hoạn nạn, khó khăn. Hiện nay, toàn huyện có 385 tàu khai thác thủy sản, tăng 11 chiếc so với năm 2014. Trong 6 tháng đầu năm 2015, tổng sản lượng khai thác đạt 979,1 tấn, tăng 10,77% so cùng kỳ. Trong đó có phần lớn hải sản có giá trị xuất khẩu cao.
Cùng với đó, toàn huyện có 1.069,55 ha nuôi trồng thủy sản; trong đó, nuôi nước lợ 120,26 ha, nước ngọt 949,29 ha (có 550 ha nuôi cá trên ruộng lúa). Mô hình nuôi cá lồng trên sông Long Đại, sông Kiến Giang và sông Nhật Lệ cũng được phát triển với 106 lồng cá, tăng 71 lồng so cùng kỳ. Các hộ nuôi tôm trên cát ở Hải Ninh mạnh dạn đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật cao vào nuôi trồng thuỷ sản. Sản lượng nuôi trồng thủy sản thu hoạch trong 6 tháng đạt 683 tấn, tăng 38,75% so cùng kỳ; trong đó, nuôi nước lợ 407 tấn, tăng 46,99%; nuôi nước ngọt 276 tấn, tăng 28,14% .
Ông Nguyễn Ngọc Thụ, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh cho biết thêm, thời gian gần đây ở tại một số nguồn nước sông, hồ chứa trên địa bàn huyện đang xảy ra tình trạng người dân khai thác thủy sản bằng các phương pháp có tính hủy diệt như dùng xung điện, chất độc có chiều hướng gia tăng làm hủy diệt nguồn lợi thủy sản, phá hủy sinh cảnh, gây ô nhiễm môi trường sống... Bên cạnh đó, do thời tiết và môi trường nước thay đổi thất thường dễ phát sinh dịch bệnh cho thủy sản ở các diện tích nuôi trồng...
Vì vậy hiện nay, UBND huyện đang tập trung chỉ đạo các ngành, địa phương tích cực triển khai công tác phòng chống dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản; phấn đấu thu hoạch tất cả diện tích nuôi trồng thủy sản trước mùa mưa bão sắp đến.
Bên cạnh đó, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể; UBND xã, thị trấn tiếp tục tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 05-CT/UBND của UBND huyện về việc ngăn chặn sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản và tăng cường công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, ngăn chặn có hiệu quả, tiến tới chấm dứt tình trạng sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc... để khai thác thủy sản.
Có thể bạn quan tâm

Vừa qua, tại TP. Cần Thơ, Hội Nghề cá Việt Nam phối hợp với Tổ chức Quỹ bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế Việt Nam (WWF-VN) đã tổ chức hội thảo "Nâng cao nhận thức về sản xuất cá tra bền vững tại ĐBSCL".

Không đòi hỏi diện tích rộng hay kỹ thuật cao, không gây ô nhiễm môi trường, lại có thể tận dụng được diện tích chuồng trại nuôi heo cũ, mô hình nuôi lươn không bùn đang là một hướng đi mới của nhiều hộ dân ở TP.Biên Hòa.

Hiện nay ở Cà Mau, tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi công nghiệp đang có chiều hướng tăng. Đây là vấn đề đòi hỏi ngành chuyên môn và người nuôi tôm cần chú ý và thận trọng hơn trong việc thả tôm nuôi; nhất là trong điều kiện diện tích tôm nuôi công nghiệp đang ngày càng nhiều hơn.

Vài năm trở lại đây, mô hình nuôi động vật hoang dã trên địa bàn Tây Ninh phát triển khá mạnh, trong đó cá sấu đang được nhiều bà con chọn nuôi vì đây là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Trong khi thủy sản xuất khẩu phải đáp ứng các rào cản khắt khe về an toàn vệ sinh thì thủy sản tiêu thụ trong nước lại gần như không bị ràng buộc rào cản nào.