Quảng Nam Trồng Dưa Hấu VietGAP

Đề tài “Xây dựng mô hình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) trên cây dưa hấu tại Quảng Nam” do Trung tâm KN-KN Quảng Nam thực hiện sau 3 vụ trồng/2 năm tại thôn Thành Mỹ, xã Tam Phước (Phú Ninh) đã “ăn đứt” dưa hấu trồng truyền thống.
Ông Võ Văn Nghi, PGĐ Trung tâm KN-KN Quảng Nam cho hay: Ở Quảng Nam cây dưa hấu được đưa vào trồng từ rất lâu, tập trung chủ yếu vùng bãi bồi ven sông Thu Bồn. Trong những năm gần đây, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, dưa hấu là một trong những cây trồng có diện tích ngày càng được mở rộng. Trồng dưa đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp 4 - 5 lần so với người trồng lúa.
Cũng vì thế, dưa hấu được nhanh chóng nhân rộng tại các địa phương. “Tuy nhiên dưa hấu chưa phải là cây “ăn chắc”, bởi giá cả luôn bấp bênh khiến cho SX không có lãi, thậm chí bị thua lỗ”, ông Nghi chia sẻ.
Hiện diện tích gieo trồng dưa hấu của Quảng Nam khoảng 2.500 ha. Trong đó, tập trung 2 vùng chính: Vùng dưa bãi ở các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn... khoảng trên 1.000 ha. Còn vùng dưa ruộng ở các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình, Phú Ninh, Núi Thành... gần 1.500 ha.
Tại huyện Phú Ninh, dưa hấu đã đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ công nhận thương hiệu “Dưa Kỳ Lý”. Tuy nhiên để thương hiệu trên đảm bảo và phát triển thì rất cần phải có vùng dưa ổn định và áp dụng đầy đủ quy trình thực hành nông nghiệp tốt VietGAP.
Từ thực tế đó, Trung tâm KN-KN Quảng Nam đã xây dựng, bố trí mô hình thí nghiệm SX dưa hấu Hắc Mỹ Nhân, TN 386 với quy mô trên 11.000 m2 ở thôn Thành Mỹ, xã Tam Phước.
Chi phí giảm, năng suất cao
Qua 3 vụ SX dưa hấu theo hướng an toàn, áp dụng phương pháp quản lý dịch hại tổng hợp, sử dụng giống tốt, sử dụng phân ủ vi sinh vật, áp dụng biện pháp phủ bạt nilon tạo nhiều ánh sáng giúp cây quang hợp thuận lợi, hạn chế cỏ dại, tạo môi trường thông thoáng đã hạn chế sâu bệnh gây hại.
Trồng dưa VietGAP năng suất bình quân đạt từ 30 - 33 tấn/ha, cao hơn diện tích đối chứng của nông dân 4 - 5 tấn/ha. “1 sào ruộng dưa có thể đạt tối đa đến 1,5 tấn thì người dân có thể thu về 6 triệu đồng. So với cách trồng theo truyền thống trước đây, trồng dưa theo tiêu chuẩn VietGAP giảm bớt chi phí về phân bón, công chăm sóc nhiều lần. Nếu tính ra thì chênh lệch về chi phí bỏ ra phải là 500.000 đồng/sào”, ông Phạm Văn Nhân, một người trồng thí điểm hạch toán.
Ông Nguyễn Văn Ngọc chia sẻ: “Gia đình tôi trồng thử nghiệm 4 sào dưa. Vụ vừa rồi lãi khoảng 4,5 triệu đồng/sào, trong khi chỉ mất 2 tháng. Trồng dưa VietGAP đã góp phần giảm thiểu chi phí đầu và như lượng phân bón ít, hạn chế sử dụng thuốc BVTV…
Vậy mà dưa vẫn sinh trưởng phát triển tốt, cho năng suất cao hơn, sản phẩm đảm bảo an toàn so với SX truyền thống. Đặc biệt sức cạnh tranh cao hơn nữa. Không những thế, trồng dưa VietGAP giảm thiểu ô nhiễm môi trường”.
Ông Võ Văn Nghi cho biết thêm: Trước những hiệu quả mang lại, Trung tâm KN-KN Quảng Nam nhân rộng mô hình này rộng rãi trên địa bàn tỉnh. Hiện đã có một số công ty đặt vấn đề thu mua sản phẩm của bà con. Tuy nhiên, nhiều nơi SX vẫn theo phương pháp truyền thống khó thay đổi. Do vậy để giúp nông dân SX theo hướng an toàn và hiệu quả hơn thì cần tập huấn IPM, cho họ tham gia đề tài...
“Trung KN-KN Quảng Nam sẽ xây dựng mô hình trình diễn trên diện rộng, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền để nông dân có điều kiện tiếp cận với các biện pháp kỹ thuật mới. Đồng thời nhận thức rõ hơn về SX dưa hấu an toàn nói riêng là các loại cây trồng khác nói chung”, ông Nghi nói.
Theo Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 2 đóng tại TP Đà Nẵng thì sản phẩm dưa hấu theo hướng VietGAP đạt yêu cầu an toàn. Qua phân tích các chỉ tiêu (gồm 11 chỉ tiêu của một số vi sinh vật và hoá chất gây hại trong sản phẩm rau, quả …) thì tất cả các mẫu dưa hấu trong mô hình thí điểm đạt yêu cầu an toàn, các chỉ tiêu đều dưới mức giới hạn tối đa cho phép hoặc không phát hiện, riêng mẫu đối chứng có chỉ tiêu hàm lượng Nitrat vượt quá ngưỡng cho phép ( > 60 mg/kg).
Có thể bạn quan tâm

Ngày 4-7, ông Nguyễn Văn Thành, nông dân nuôi cá điêu hồng ở phường Tân Long, TP. Mỹ Tho (Tiền Giang) cho biết, giá cá điêu hồng đã tăng lên 42.500 đồng/kg, cao hơn cùng kỳ năm ngoái 18.000 đồng/kg; cá điêu hồng giống cũng có giá từ 30.000 - 41.000 đồng/kg (tùy kích cỡ).

Nằm trong dự án phát triển nông thôn trong giai đoạn hiện nay, xã Hùng Lô được UBND thành phố Việt Trì (Phú Thọ) đầu tư dự án nuôi thí điểm gà ri lai thả đồi, vườn. 35 hộ trải đều ở 10 khu dân cư trong xã được lựa chọn mô hình nuôi gà thí điểm, đó là những hộ có diện tích đồi, vườn phù hợp, có nhân công lao động, nhiệt huyết chăn nuôi, kinh tế ổn định. Với tổng đàn 7000 con gà 1 ngày tuổi, bình quân 200 con/hộ, các hộ chăn nuôi được hỗ trợ 100% con giống, 30% thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y trong thời gian 4 tháng khi gà đảm bảo thời gian xuất bán.

Phải thuyết phục nhiều lần, chị Thắm (một tiểu thương chuyên kinh doanh trái cây ở chợ đầu mối Bình Điền, TP HCM) mới cho tôi tháp tùng nhóm người làm công của chị xuống Cái Bè (tỉnh Tiền Giang) và Cái Mơn (tỉnh Bến Tre) để thu mua sầu riêng, chuối, mít chở lên TP HCM bán.

Huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) có diện tích nuôi nghêu khoảng 2000 ha, tập trung ở các cồn Vạn Liễu, cồn Ông Mão, ấp Cây Bàng, Cầu Muống và Tân Phú thuộc xã Tân Thành, hàng năm ngư dân thu hoạch từ 20.000 - 30.000 tấn nghêu thương phẩm đem lại lợi nhuận rất lớn cho ngư dân vùng biển, riêng Ban Quản lý cồn bãi trực thuộc UBND huyện, quản lý, nuôi và khai thác 350 ha thuộc khu vực cồn Ông Mão, hàng năm từ nguồn thu hoạch nghêu, thu về cho ngân sách huyện chiếm gần 50%.

Phòng Kinh tế hạ tầng và Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Đồng Xuân (Phú Yên) vừa phối hợp tổ chức tổng kết mô hình chăn nuôi heo rừng lai tại xã Xuân Quang 3 và thị trấn La Hai.