Quảng Công (Thừa Thiên Huế) Được Mùa Tôm Cao Triều

Qua thống kê, 100% hộ nuôi tôm nước lợ trên vùng cao triều đều có lãi...
Năm 2014, khu nuôi tôm cao triều Quảng Công (Quảng Điền - Thừa Thiên Huế) có 34 hộ tham gia nuôi ở 40 hồ với diện tích 17,3 ha. Đến nay, tổng sản lượng thu hoạch đạt 150 tấn tôm, tăng 60 tấn so với năm trước. Điều đáng mừng, 100% hộ nuôi đều có lãi, cao nhất 150 triệu đồng, thấp cũng được 40 triệu đồng.
Anh Võ Văn Chương, Chi hội trưởng chi hội nuôi tôm cao triều xã Quảng Công vui mừng: “Gia đình tôi nuôi 6 vạn tôm post trong 2 hồ có diện tích 1.400 m2. Sau hơn 4 tháng thu hoạch 7 tạ tôm thịt, lãi hơn 50 triệu đồng”.
“Để có nguồn giống đảm bảo chất lượng, các hộ nuôi tôm cao triều Quảng Công vào các tỉnh phía Nam mua giống rồi đưa ra Huế kiểm dịch PCR. Sau khi kiểm dịch giống có kết quả tốt mới đưa vào thả nuôi. Nhờ cẩn thận trong việc chọn mua giống nên nguồn tôm giống thả nuôi hầu hết đều chất lượng và các hộ nuôi đều có lãi” - ngư dân Nguyễn Tè cho biết.
Bên cạnh các khâu chọn lựa giống, thức ăn, quy trình cải tạo ao hồ, kiểm tra nguồn nước, thả nuôi đúng khung lịch thời vụ, thì chính quyền cũng đẩy mạnh quy trình theo dõi, giám sát việc thả giống phải qua kiểm dịch. Nhờ đó, vụ nuôi năm 2014 này, bà con nuôi tôm cao triều xã Quảng Công trúng đậm, sau khi trừ chi phí mỗi hộ lãi bình quân 60 triệu đồng. Cá biệt có hộ ông Nguyễn Thành, Phan Hoàng lãi trên 150 triệu đồng.
Theo ông Lê Nguyên Sĩ, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Công: “Năm 2014, địa phương phối hợp với ngành chức năng tăng cường thanh kiểm tra về thức ăn, thuốc thú y thủy sản nhằm hạn chế hàng giả làm ảnh hưởng đến người nuôi. Ngoài ra, xử lý nghiêm những hộ nuôi thả giống không qua kiểm dịch, khuyến khích bà con nâng cao tính cộng đồng để kiểm soát chặt chẽ quy trình thả nuôi và chăm sóc.
Để nghề nuôi tôm cao triều phát triển bền vững, thời gian tới UBND xã sẽ tiếp tục vận động bà con phát huy hơn nữa tính cộng đồng, cùng giúp nhau trong việc cải tạo ao hồ, chọn mua giống và hỗ trợ nhau trong quá trình nuôi cũng như quản lý dịch bệnh. Hy vọng, những động thái này sẽ mang lại kết quả tốt trong những vụ nuôi tiếp theo, ông Sĩ cho biết them.
Có thể bạn quan tâm

Theo kết quả điều tra vừa công bố của Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), có đến 91% số nông dân vùng ĐBSCL sản xuất lúa thu đông có lãi, chỉ 1% bị thua lỗ và 8% hòa vốn.

Thực hiện “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, trong 2 năm qua, tỉnh Bình Dương có nhiều mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao, cho doanh thu 3 tỷ đồng/ha/năm.

Ngoài các loại rau tươi theo mùa, một số hoa quả như mãng cầu, vải, xoài, chôm chôm... cũng đang có nhu cầu cao tại thị trường này.

Nhiều nông dân không dám ăn rau họ trồng để bán mà phải trồng riêng để ăn. Bởi vì rau họ ăn thì không phun thuốc, còn rau đem bán thì có phun thuốc.

Do ảnh hưởng của cơn bão số 2, trong mấy ngày qua, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, như: Trảng Bom, Thống Nhất, Long Khánh… xảy ra mưa lớn kèm lốc xoáy gây thiệt hại về nhà cửa, nhiều diện tích cây trồng, rau màu bị gãy đổ, ngập úng… Mưa dông kèm lốc xoáy cũng thường xuyên xảy ra từ đầu mùa mưa và dự báo sẽ còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới càng khiến người dân lo lắng.