Quả Vải Trung Quốc Xâm Nhập Ngược Vào Việt Nam

Trong khi vải thiều tươi của Việt Nam năm nay xuất khẩu qua biên giới nhỏ giọt, thì loại quả này từ Trung Quốc đang xuất ngược sang ta, gây ra nhiều lo ngại.
Theo báo cáo của ngành chức năng cửa khẩu Tân Thanh (huyện Văn Lãng, Lạng Sơn), lượng xuất khẩu quả vải thiều tươi từ các tỉnh Hưng Yên, Bắc Giang, Lạng Sơn qua biên giới năm nay sụt giảm 3/4 so với năm ngoái. Cụ thể, mỗi ngày chỉ có 20 xe ô tô (tương đương 300 tấn vải) làm thủ tục thông quan, thay vì 80 xe với hàng nghìn tấn quả như mọi năm.
Trong khi đó, vải từ Trung Quốc đã xuất hiện trên thị trường Lạng Sơn, được bán nhiều ở các cặp chợ biên giới như: Tân Thanh, Đồng Đăng (huyện Cao Lộc), mỗi ngày gần chục tấn. Vải Trung Quốc quả to, đều, có vị “ngọt như đường hoá học”, thu hút sự chú ý và tiêu thụ của người dân địa phương và du khách.
Trạm trưởng Biên phòng cửa khẩu Tân Thanh, Thượng uý Đặng Nam Cao xác nhận, từ một tháng nay, cư dân biên giới sang chợ Pò Chài (Trung Quốc) mang về mỗi người vài kg, sau đó bán lại cho người địa phương và du khách. Tại cổng chính chợ Tân Thanh, từng xe tải đỗ ven đường, bày bán vải thiều “made in China”, người mua khá đông.
Bà Hoàng Thị T, chủ hàng cho biết: “So với quả vải ta, vải Tàu có vị ngọt đậm sắc, nhiều người cảm thấy không hợp khẩu vị. Tuy nhiên, do mẫu mã đẹp, nên họ vẫn muốn mua về làm quà cho người thân hay bày bàn thờ ngày rằm, đầu tháng”.
Ông Nguyễn Tường, một du khách từ Hà Nội cho biết: “Mặc dù vải Trung Quốc có giá 7 Nhân dân tệ/kg (tương đương 25 nghìn đồng), cao gấp đôi giá vải ta, nhưng vì thấy lạ, đẹp nên lôi cuốn được người mua”.
Theo các ngành chức năng ở cửa khẩu Tân Thanh, đây là năm đầu tiên ở cửa khẩu Tân Thanh, Cốc Nam (huyện Văn Lãng) xuất hiện loại vải Trung Quốc xâm nhập thị trường nội địa nước ta.
Khi ăn thử vải Trung Quốc, nhiều người e ngại vì sự ngọt bất thường và màu trắng đục, mọng cùi. Họ nghi ngờ có sự tác động của chất bảo quản, hoặc những tác nhân nào đó có thể gây nguy hại cho sức khoẻ con người.
Do đây là năm đầu tiên vải Trung Quốc xâm nhập vào thị trường và với số lượng nhỏ lẻ, nên các cơ quan chức năng ở Lạng Sơn khó ứng phó kịp thời hiện tượng này. Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Chi cục trưởng chi cục QLTT tỉnh Lạng Sơn cho rằng, việc tạo điều kiện cho xuất khẩu hàng nông sản, hoa quả đúng pháp luật là trách nhiệm của các lực lượng làm nhiệm vụ tại cửa khẩu. Qua khảo sát, tháng trước có một lô hàng vải thiều nhập từ bên kia biên giới, nhưng nay ít đi, có ngày không có.
Vải thiều và xoài là những mặt hàng chủ lực, truyền thống của ta xuất sang Trung Quốc. Tuy nhiên, một vài năm nay, theo ghi nhận của PV Tiền Phong, các loại quả này lại có xu hướng nhập khẩu ngược trở lại Việt Nam.
Theo nhận định của cơ quan chuyên môn và một số nhà nghiên cứu nông học, thì thương gia Trung Quốc đã trực tiếp sang Lạng Sơn, Bắc Giang tìm hiểu, tiếp cận nơi trồng và thị trường; sau một thời gian ngắn, họ đã trồng thành công xoài, vải ở nước họ với nhiều ưu điểm nổi trội, cạnh tranh với hoa quả tươi của ta.
Có thể bạn quan tâm

Tại huyện Chương Mỹ (Hà Nội), nhiều lò giết mổ thủ công nhỏ lẻ không đảm bảo quy định vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn hoạt động. Cả trăm tấn thịt lợn mỗi ngày được chọc tiết, cạo lông trên nền bệt nhếch nhác, bẩn thỉu...

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh vừa chủ trì hội nghị công tác bảo vệ thực vật các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên và chỉ đạo phòng chống bệnh hại hồ tiêu.

Gạo Việt Nam đang ở vị trí thực sự bị đe dọa, gạo giá rẻ cạnh tranh vất vả so với Ấn Độ, gạo chất lượng cao đang thua rõ ràng so với Campuchia, Thái Lan.

So với hai năm trước, tình hình xuất khẩu thủy sản đang ngày một giảm.

Mặc dù tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp năm 2015 được dự báo là sẽ thấp nhất trong vòng 5 năm qua, song theo đánh giá của đại diện Bộ NN&PTNT thì đây là điều bình thường, khó tránh khỏi, nhất là trong bối cảnh khó khăn chung.