Phương Thức Gieo Cấy Lúa Theo Hàng Đạt Hiệu Quả

Sau hai năm thực hiện mô hình cấy và gieo thẳng lúa theo phương thức hàng rộng, hàng hẹp, nhiều nông dân Thái Bình đã thừa nhận hiệu quả của phương thức này, đó là: giảm 30% lúa giống, tăng năng suất 10%, giảm sâu bệnh và không còn dấu hiệu của bệnh vàng lùn, lùn sọc đen.
Với mục đích ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nhằm tăng năng suất, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giúp cây lúa có sức chống chịu tốt, từ vụ xuân năm 2010, Trung tâm Khảo nghiệm khuyến nông, khuyến ngư Thái Bình đã triển khai thí điểm phương thức gieo cấy lúa hàng rộng, hàng hẹp tại 8 huyện và thành phố trong tỉnh. Theo cách làm này, lúa được cấy, gieo thẳng cứ hai hàng hẹp lại có một hàng rộng. Hàng hẹp cách nhau 14cm, hàng rộng cách hàng hẹp 28cm.
Ban đầu, khi mới áp dụng mô hình, nhiều nông dân hoài nghi vì lúa gieo cấy quá thưa, bà con sợ không đảm bảo mật độ và năng suất. Trước tình hình đó, các hợp tác xã, các trạm khuyến nông đã mở nhiều lớp hướng dẫn, phổ biến kiến thức cho bà con.
Để áp dụng phương thức này, hạt giống được xử lý triệt để các mầm bệnh, nền ruộng làm tơi xốp bằng phân bón vi sinh Azotobacterin với lượng 7 kg/sào (1 sào Bắc Bộ = 360m2), bón lót bằng phân NPK 20 - 25 kg/sào. Sau khi gieo cấy 8 - 10 ngày thì bón thúc 10 - 12kg NPK kết hợp với làm cỏ và sục bùn. Mật độ gieo thẳng 35 - 36 khóm/m2, giảm 3 - 5 khóm/m2. Đối với cấy tay thì 1 - 2 dảnh/khóm (lúa thuần), 2 - 3 dảnh (lúa lai), do đó đã giảm được 30% lượng giống so với phương pháp truyền thống. Điều đặc biệt ở mô hình này là chỉ phun thuốc bảo vệ thực vật một lần duy nhất và tuyệt đối không bón phân đơn. Tuỳ từng nền ruộng cao hay thấp mà các hợp tác xã chọn phương pháp gieo cấy cho phù hợp.
Sau hai năm thử nghiệm, mô hình đã gặt hái được nhiều thành công ở nhiều địa phương như xã Hoà Bình (Kiến Xương), xã Nguyên Xá (Vũ Thư), xã Vũ Lạc (TP.Thái Bình)...
Ông Phạm Văn Việt, Chủ nhiệm HTX Hoà Bình cho biết: "Chúng tôi bắt đầu thử nghiệm phương thức gieo cấy lúa hàng rộng, hàng hẹp từ vụ xuân năm 2010 với diện tích ban đầu 3ha. Sau một thời gian đưa vào thực tế thấy năng suất lúa tăng, giảm sâu bệnh, giảm chi phí nên vụ mùa năm nay chúng tôi quyết định nâng diện tích lên 12ha và tiến tới gieo cấy trên toàn bộ diện tích đất lúa của HTX".
Rõ ràng phương thức cấy hàng rộng, hàng hẹp tại Thái Bình đã giúp lúa giảm thiểu rõ rệt bệnh khô vằn và rầy nâu, giảm nguy cơ bị nhiễm bệnh lùn sọc đen..., lúa đủ ánh sáng sinh trưởng tốt, cho năng suất cao. Đây chính là hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp tại Thái Bình, cần được nhân rộng
Có thể bạn quan tâm

Rau không trồng trên đất, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học, được tưới bằng hệ thống bơm nước mạch ngầm đạt tiêu chuẩn. Đó là mô hình trồng rau ăn lá theo phương pháp thủy canh hồi lưu của gia đình anh Hoàng Phú Hội ở thôn Bình Điền, xã Bình Sơn (Bù Gia Mập - Bình Phước). Tuy sản phẩm được đánh giá cao nhưng vẫn còn không ít băn khoăn của người trong nghề - đây có phải là hướng đi mới cho việc trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn Vietgap?

Khác với những loại gà phổ thông, trên thị trường cao cấp ở phía Bắc hiện nay có hai giống gà thịt rất đắt là gà Hồ (Bắc Ninh) và Đông Tảo (Hưng Yên). Gà Hồ khả năng sinh sản kém, tốc tăng trưởng chậm (nuôi 1 - 1,5 năm khi nặng tới 4 - 5 kg giết mổ mới đạt tiêu chuẩn), giá bán mỗi kg 300.000 - 400.000đ mà cũng phải đặt trước cả tháng.

Đơn vị chủ trì thuộc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ (thuộc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre) vừa tổ chức hội thảo sơ kết đề tài “Nghiên cứu nhân giống và nuôi trồng thí nghiệm nấm cao cấp kim châm, ngọc châm trên cơ chất bã mía và bã mía phối trộn”.

Trung tuần tháng 4-2013, chúng tôi có mặt tại vùng bãi bồi ven biển huyện Nga Sơn, anh Trần Văn Đạo, xóm 5, xã Nga Liên (chủ đồng ngao 30 ha) và nhiều nông dân nuôi ngao trong vùng, cho biết: hiện nay đang vào mùa thu hoạch ngao thương phẩm, thời điểm này các năm trước giá ngao đạt từ 23 đến 25.000 đồng/1 kg, nay giảm xuống còn 11.000 đồng/1kg (tại bãi).

Trong năm 2013, huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) phát triển mô hình trồng cây thanh long tập trung chủ yếu ở 2 xã: Minh Thanh, Thái Học, với 39 hộ tham gia, trên diện tích 7,68 ha.