Phước An (Bình Định) thu nhập cao từ nghề nuôi bò vỗ béo

Theo ông Phan Khắc Sửu, Chủ tịch UBND xã Phước An, nông dân trên địa bàn xã bắt đầu chăn nuôi bò vỗ béo hơn 10 năm trước. Từ một vài hộ nuôi nhỏ lẻ ban đầu, đến nay, nghề này đã phát triển rộng khắp tại tất cả các thôn như: Đại Hội, Quy Hội, An Sơn 1, An Sơn 2... Hiện tổng đàn bò toàn xã ổn định trên 3.800 con, trong đó bò lai chiếm trên 62% tổng đàn. Bên cạnh việc tận dụng nguồn rơm rạ sau thu hoạch, nhiều hộ đã trồng thêm cỏ để nuôi bò, mỗi lứa nuôi 2 - 3 con. Sau 3 - 4 tháng nuôi vỗ béo, mỗi con bò cho lãi 10 - 15 triệu đồng, tạo thu nhập đáng kể cho bà con nông dân tại địa phương.
Ông Hà Thúc Chương, ở thôn An Sơn 1, có thâm niên hơn 10 năm nuôi bò vỗ béo, cho biết: “Trước đây, tôi nuôi bò theo hình thức thả rông trên núi, thời gian nuôi kéo dài mà hiệu quả kinh tế không cao. Từ năm 2005 đến nay, tôi đã chuyển sang nuôi bò vỗ béo, vừa rút ngắn thời gian chăn nuôi, thu nhập lại cao hơn nhiều. Mỗi lứa tôi nuôi 3 con. Để bò nhanh lớn, tôi chọn mua những con bò đực lai 10 - 12 tháng, tiến hành nuôi vỗ béo trong 6 - 8 tháng là xuất chuồng. Mỗi năm tôi nuôi gối đầu 2 lứa, với mức thu lãi 50 - 60 triệu đồng. Nhờ chăn nuôi bò vỗ béo mà gia đình tôi có nguồn thu nhập ổn định”.
Theo kinh nghiệm của ông Chương, để nuôi bò vỗ béo đạt kết quả cao, việc chọn con giống và cách chăm sóc là yếu tố quyết định. Khi chọn bò giống phải chọn bò lai, lưng bò rộng, bộ xương to, ức sâu, mông, bản lưng lớn, phàm ăn, răng phát triển từ 70% trở lên (tức là có 2 - 3 đôi răng). Trong quá trình nuôi, phải xổ giun sán; ngoài thức ăn thô xanh, còn cho bò ăn bổ sung thức ăn tinh như cám gạo, bột bắp; thường xuyên tắm rửa vệ sinh sạch sẽ để bò mau lớn.
Ông Huỳnh Văn Quý, cũng ở thôn An Sơn 1, cho biết thêm: “Nguồn thức ăn để vỗ béo bò tại địa phương khá phong phú và dễ tìm. Ngoài rơm, rạ dồi dào sẵn có, chỉ cần trồng thêm cỏ voi kết hợp pha trộn một số loại thức ăn hỗn hợp. Mỗi mùa thu hoạch lúa, tôi tận dụng nguồn rơm, rạ để dự trữ làm thức ăn cho bò; kết hợp với thức ăn hỗn hợp như bột mì, cám, bột bắp làm thức ăn tinh, nên chi phí giảm đáng kể. Mỗi năm gia đình tôi thu lãi 60 - 70 triệu đồng từ việc nuôi bò vỗ béo”.
Ông Phan Khắc Sửu khẳng định, tuy nghề nuôi vỗ béo bò là nghề phụ nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân Phước An. Bò là vật nuôi ít bị rủi ro, dễ nuôi, dễ chăm sóc, chi phí thức ăn thấp, chủ yếu lấy công làm lời nên được nông dân chọn nuôi. Hơn nữa, nhiều năm gần đây, giá bò ổn định ở mức cao, đây là yếu tố quyết định làm cho nhiều hộ phát triển chăn nuôi bò vỗ béo. Trong thời gian đến, UBND xã sẽ thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nuôi vỗ béo bò; đồng thời xây dựng các điểm trình diễn, hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi để người chăn nuôi nhân rộng mô hình kinh tế có hiệu quả này.
Có thể bạn quan tâm

Ngày trước, người nuôi tôm trong tỉnh Hà Tĩnh phải “khăn gói” vượt hàng trăm cây số đi mua con giống về thả. Giờ chỉ cần đặt hàng, đúng hẹn là các doanh nghiệp (DN) sản xuất có uy tín sẵn sàng chở con giống đến tận ao nuôi... Sự kết nối của DN với người dân không chỉ giải bài toán thiếu hụt về nguồn giống tại chỗ mà còn là hướng phát triển bền vững cho nghề nuôi tôm.

Trước thông tin giá gà thương phẩm hiện giảm xuống chỉ còn 18.000 đồng/kg, trao đổi với PV Báo SGGP chiều 22-5, ông Nguyễn Đức Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cho biết, sự thật là giá gà đang rẻ như… rau nhưng chỉ đúng với loại gà công nghiệp trắng, còn các loại khác chỉ giảm nhẹ.

Thông tin từ Bộ phận khuyến nông Casuco, vụ mía 2012 - 2013 vừa qua có 179 hộ đăng ký chấm điểm để trở thành thành viên Câu lạc bộ (CLB) trồng mía đạt năng suất 200 tấn/ha/năm do Casuco thành lập, tăng 55 hộ so với cùng kỳ. Đến thời điểm này, nhân viên khuyến nông của công ty đã chấm điểm tất cả các rẫy mía do hộ dân đăng ký.

Bất chấp những khuyến cáo, cảnh báo của ngành chức năng, không ít nhà vườn ở các địa phương vùng ven huyện Châu Thành (Hậu Giang) và một số xã của thị xã Ngã Bảy đổ xô cải tạo vườn tạp, thậm chí đốn bưởi Năm Roi, chuyển đất trồng lúa để trồng cam sành. Trong khi, cây bưởi Năm Roi, lúa đang được khuyến khích duy trì và phục hồi diện tích nhưng ngày càng bị thu hẹp dần.

Chăn nuôi là thế mạnh của huyện Bảo Thắng (Lào Cai) nhiều năm qua, mặc dù vậy, người sản xuất ở huyện Bảo Thắng hiện đang phải sản xuất "cầm chừng" bởi những khó khăn do khách quan.