Phú Yên Thí Điểm Sản Xuất Cá Ngừ Theo Chuỗi

Tỉnh Phú Yên đang xúc tiến việc vận động xây dựng mô hình liên kết trong sản xuất cá ngừ theo các khâu khai thác-bảo quản-thu mua-chế biến-xuất khẩu.
Theo Cổng TTĐT tỉnh Phú Yên, hiện nay, toàn tỉnh có 6.146 tàu cá, trong đó 1.044 tàu cá công suất từ 90CV trở lên; có 103 tổ tàu thuyền an toàn với 919 tàu cá tham gia; 5 nghiệp đoàn nghề cá.
Tuy nhiên, có nhiều yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động khai thác thủy sản trên biển hiện nay, nhất là tổn thất sau thu hoạch khá cao, từ 20-30% giá trị sản phẩm; các mô hình liên kết trong sản xuất hiện có của tỉnh do ngư dân tự nguyện hình thành nên tính liên kết thiếu bền vững.
Bên cạnh đó, chưa liên kết được các dịch vụ hậu cần như: Liên kết khai thác và luân phiên vận chuyển sản phẩm về bờ và vận chuyển nhiên liệu, thực phẩm ra biển cung cấp cho các tàu khác để kéo dài thời gian chuyến biển, giảm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm; chưa hình thành được mô hình liên kết ngang, liên kết dọc theo chuỗi giá trị…
Vì vậy, để chuẩn bị thực hiện đề án thí điểm mô hình sản xuất cá ngừ theo chuỗi giá trị (được thụ hưởng chính sách theo Nghị định 67 của Chính phủ) tại 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, tỉnh Phú Yên đang vận động xây dựng mô hình sản xuất cá ngừ theo chuỗi, gồm các khâu khai thác-bảo quản-thu mua-chế biến-xuất khẩu do Công ty cổ phần Bá Hải liên kết với các chủ tàu khai thác cá ngừ của tỉnh triển khai thực hiện.
Thông tin từ Báo Phú Yên cho hay Công ty cổ phần Bá Hải hiện có năng lực chế biến và xuất khẩu khoảng 10.000 tấn cá ngừ/năm; có thể chế biến, cấp đông 40 tấn sản phẩm cá ngừ/ngày (tương đương 80 tấn nguyên liệu cá ngừ/ngày). Công ty có kế hoạch tổ chức liên kết với ngư dân thành lập từ 4-6 tổ, đội khai thác cá ngừ.
Từ nay đến năm 2015, Công ty sẽ mua 3 tàu vỏ thép loại lớn (dài 36m) để thu mua sản phẩm và làm dịch vụ hậu cần trực tiếp trên biển, phục vụ các tàu cá, với chu kỳ khoảng 5-8 ngày/chuyến, đồng thời cam kết bao tiêu toàn bộ cá ngừ cho các chủ tàu đã ký hợp đồng với công ty.
Công ty Bá Hải được Bộ KHCN chọn phối hợp với Tập đoàn ABI (Nhật Bản) chuyển giao công nghệ đông lạnh sản phẩm theo công nghệ CAS và thiết bị cấp đông có công suất 500kg/giờ.
UBND tỉnh Phú Yên đã giao Sở NNPTNT tham mưu trong việc xây dựng kế hoạch triển khai Nghị định 67 và đề án tổ chức sản xuất cá ngừ theo chuỗi giá trị để thực hiện, trong đó lưu ý, với mô hình tổ chức sản xuất cá ngừ theo chuỗi giá trị được chọn làm thí điểm, khi Nghị định 67 có hiệu lực có thể giải ngân vốn được ngay.
Có thể bạn quan tâm

Sau hơn 2 năm thực hiện Đề án xây dựng nông thôn mới, ý thức của các ngành, các cấp và nhân dân huyện Trần Văn Thời từng bước được nâng lên. Đến nay, có 11/11 xã phê duyệt xong đồ án quy hoạch, có 3 xã đạt trên 5 tiêu chí, 2 xã đạt 4 tiêu chí, số còn lại đều đạt 3 tiêu chí.

Sáng ngày 23/6, Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại (Mitraco) Hà Tĩnh đã tổ chức khánh thành Trung tâm lợn giống chất lượng cao Phú Lộc - Can Lộc. Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn đến dự.

Từ đơn vị xã khó khăn sau chia tách, Tạ An Khương Đông, huyện Đầm Dơi ngày nay đã và đang hoàn thành nhiều tiêu chí kinh tế, xã hội quan trọng, đời sống nhân dân dần ổn định.

Niềm vui ánh lên trên khuôn mặt mọi người khi từng đoàn ghe no cá cặp bến sau chuyến đi biển dài ngày. Những chuyến đi biển cuối năm mang về vị ngọt của biển khơi, đem lại sắc xuân ấm nồng, hạnh phúc của những làng cá. Cửa biển Cái Đôi Vàm mới hơn, vui hơn và cũng nhộn nhịp hơn với cuộc sống đầy đủ hơn nhờ biển.

Chủ đề đang được nông dân quan tâm hiện nay là việc Chính phủ ban hành mức hỗ trợ kinh phí cho nông dân chuyên canh lúa. Những người làm chủ ruộng được ví như “hai lúa” ngày xưa nay đã có tư duy và tầm nhìn mới, biết áp dụng khoa học - kỹ thuật và giống lúa chất lượng cao vào sản xuất.