Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Phú Thọ Hướng Phát Triển Bền Vững Cho Ngành Thủy Sản

Phú Thọ Hướng Phát Triển Bền Vững Cho Ngành Thủy Sản
Ngày đăng: 25/02/2015

Giáp Tết Nguyên đán, ông chú ở quê gọi điện bảo tôi: Gần Tết, chú tát ao, về quê chú gửi cho ít cá ăn Tết. Vừa mới định từ chối thì ông bảo: Bây giờ Tết thịt nhiều, có nồi canh cá chua để đổi món cho dễ ăn thì quá tuyệt. Tết này, chú lãi to nhờ cá đấy!

Nhiều loại cá đặc sản, có giá trị kinh tế cao, chất lượng thịt ngon đang được nuôi thâm canh sẽ giúp cho người tiêu dùng có thêm nhiều lựa chọn từ mặt hàng thủy sản. Thu hoạch cá diêu hồng ở xã Sai Nga, huyện Cẩm Khê (Phú Thọ).

Quả thật, khoảng chục năm trở lại đây, những phiên chợ sát ngày Tết bên cạnh những quầy bán gà, thịt lợn thì mặt hàng thủy sản cũng được khá nhiều người ưu tiên lựa chọn để đổi món trong những bữa ăn ngày Tết. Những hàng cá ngon, mỗi con to từ 3 đến 6kg với các loại trắm đen, trắm cỏ, trôi… luôn đắt khách.

Vì vậy, nhiều hộ nuôi cá, nhất là những nhà có diện tích ao khoảng vài sào đã chuyển chuyên nuôi các loại cá, để bán vào dịp gần Tết, bán được giá cao hơn ngày thường.

Cá trắm đen là một trong những loại có giá trị kinh tế cao, giá bình quân hiện vào khoảng 80.000-100.000 đồng/kg ngày thường, tết 120.000 - 180.000 đồng/kg. Theo tính toán, cá giống khi thả có trọng lượng khoảng 0,6kg, có giá khoảng 60.000 đồng/con. Sau 1-2 năm nuôi đạt trọng lượng từ 4 - 4,5kg/con.

Với tỷ lệ sống của cá giống đạt khoảng 70% trở lên, nếu nuôi thâm canh tốt mỗi ha có thể cho thu đến 10 tấn; trừ các chi phí như giống, thức ăn công nghiệp, thức ăn bổ sung, thuốc chữa bệnh, công lao động… vẫn có lãi trên vài trăm triệu đồng/ha. Ông Nguyễn Xuân Hùng, xã Sơn Dương, huyện Lâm Thao cho biết: Tổng diện tích thả cá trắm đen của nhà là 0,4ha, thả 2.000 con cá giống. Tỷ lệ sống đạt khoảng 70%.

Sau hơn một năm nuôi, thu được hơn 5 tấn cá thương phẩm. Tổng thu đạt gần 400 triệu đồng, trừ chi phí lãi gần 152 triệu đồng. Nhìn chung, nuôi cá trắm đen cho thu nhập cao hơn nhiều lần so với các loại cá khác nhưng cũng cần vốn đầu tư ban đầu tương đối lớn. Nếu ém để đến Tết mới thu bán thì chắc chắn sẽ được giá cao hơn.

Chị Nguyễn Việt Hà, một người nội trợ ở phường Gia Cẩm, thành phố Việt Trì cho hay: Ngày Tết, hầu như cả nhà đều thích món canh cá nấu chua nên phiên chợ cuối cùng trong năm bao giờ tôi cũng phải mua sẵn 1, 2 con cá.

Tuy nhiên, nếu ngày thường giá cá trắm đen vào khoảng 80.000 – 100.000 đồng/kg thì ngày Tết phải 130.000- 150.000 đồng/kg; cá trắm cỏ, cá trôi (loại từ 2,5kg/con trở lên) từ khoảng 50.000 đồng/kg cũng lên đến 70.000 – 75.000 đồng/kg khiến người tiêu dùng như chúng tôi nhiều khi cũng phải đắn đo mỗi khi muốn mua sắm.

Theo đánh giá của Chi cục Thủy sản, năm 2014, tổng diện tích nuôi đạt xấp xỉ 10.000ha, trong đó có hơn 1.400ha nuôi thâm canh; sản lượng thủy sản toàn tỉnh ước đạt trên 27.300 tấn (sản lượng nuôi đạt khoảng 25.200 tấn). Xu thế nuôi cá lồng với các loại cá có giá trị kinh tế cao như trắm cỏ, trắm đen, diêu hồng, lăng chấm… ngày càng được nhân rộng.

Hiện cả tỉnh có trên 600 lồng cá chủ yếu nuôi trắm đen, lăng, quả với năng suất bình quân khoảng 5 tấn/lồng/năm. Nhu cầu về thủy sản ngày càng tăng cao cả trong và ngoài tỉnh là lợi thế để ngành thủy sản Phú Thọ có thể khai thác hết tiềm năng lợi thế nuôi cung cấp sản phẩm cho thị trường.

Diện tích thâm canh được mở rộng năng suất và sản lượng đều tăng đã góp phần giúp giá cá thương phẩm ở mức ổn định, không quá cao tạo điều kiện để người dân có thể tiếp cận với một số loại cá ngon mà trước kia họ chưa dám nghĩ đến.

Tuy nhiên, để cả người nuôi và người tiêu dùng cùng được lợi thì người nuôi thủy sản hiện nay cần phải chuyển sang hướng sản xuất an toàn, theo các tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là việc sử dụng thuốc và thời gian thu hoạch hợp lý. Chi cục Thủy sản đang có kế hoạch phối hợp với các địa phương phát triển mạnh về thủy sản để xây dựng chuỗi cửa hàng giới thiệu thủy sản an toàn tại một số địa phương trong và ngoài tỉnh.

Tại các chuỗi cửa hàng đó, người mua có thể dễ dàng truy xuất nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm mình mua từ chủ nuôi, địa chỉ, thời gian thả, loại thức ăn, thời gian sử dụng thuốc, thời gian cách ly, thu hoạch… tạo được sự tín nhiệm và yên tâm. Bên cạnh đó, người nuôi cũng cần và nên thành lập các tổ chức như HTX, hiệp hội để có thể xây dựng kế hoạch và điều tiết thời gian thu hoạch cho các hộ, trao đổi kinh nghiệm chăm sóc, phòng chống dịch bệnh; chống lại sự ép giá của tư thương…

Mục tiêu mang cá ngon đến với bữa cơm của mọi nhà, không chỉ ngày Tết mà cả trong cuộc sống thường ngày đã và đang được người nuôi thủy sản dần hiện thực hóa dù vẫn còn khá nhiều khó khăn phía trước. Song, những manh nha thời gian qua là tiền đề cơ bản để tiếp tục khai thác lợi thế và tiềm năng to lớn, biến những ước mơ làm giàu trở thành hiện thực.


Có thể bạn quan tâm

Thu Hoạch Tôm Công Nghiệp Thu Hoạch Tôm Công Nghiệp

Đến thời điểm này, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) có trên 280 ha ao đầm nuôi tôm công nghiệp, với hơn 570 hộ thực hiện. Hiện nay, nhiều hộ dân đang bắt tay vào thu hoạch, năng suất bình quân 5 tấn/ha. Hiện giá tôm sú và tôm thẻ ở mức cao, hầu hết bà con đều có lợi nhuận khá.

19/10/2013
Hướng Đi Nào Cho Người Nuôi Tôm Hùm Lồng? Hướng Đi Nào Cho Người Nuôi Tôm Hùm Lồng?

Mặc dù đã di dời lồng bè về khu quy hoạch C1, nhưng hầu hết người nuôi tôm hùm vẫn không thể bám trụ, ổn định sản xuất được. Tìm hướng đi phù hợp để nghề nuôi tôm hùm lồng phát triển bền vững là vấn đề nan giải hiện nay.

19/10/2013
Vì Sao Nguyên Liệu Cá Tra Thiếu Nhưng Giá Mua Ít Tăng? Vì Sao Nguyên Liệu Cá Tra Thiếu Nhưng Giá Mua Ít Tăng?

9 tháng của năm 2013, các doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu ở An Giang xuất khẩu 128 ngàn tấn, kim ngạch đạt 311 triệu USD, tăng 23,1% về lượng và 6,5% về giá trị so cùng kỳ. Dù xuất khẩu tăng, nguyên liệu thiếu nhưng giá mua cá tra của các nhà máy vẫn tăng không đáng kể.

20/10/2013
Ba Lần Xuống Giống 3 Lần Mất Ba Lần Xuống Giống 3 Lần Mất

Bão số 8 chưa khắc phục xong hậu quả, bão số 10 lại ập đến, bao mất mát, nước mắt, nghẹn đắng. Cả nước đang hướng về miền Trung ruột thịt sẻ chia từng ngày lương, gói mỳ thì bão số 11 tiếp tục hoành hành cướp đi sản nghiệp của hàng ngàn gia đình miền Trung. Bão lũ liên miên, miền Trung chìm trong biển nước…

20/10/2013
An Giang: Mùa Cá Đồng An Giang: Mùa Cá Đồng

Đối với các vùng nông thôn, người có đất nhiều thì sống nhờ ruộng rẫy và chăn nuôi thêm, còn gia đình ít đất hoặc không đất chỉ mong mùa nước lên. Tháng chín âm lịch, khi con nước ngập đồng thì mọi người tranh thủ khai thác thủy sản cho bữa ăn cả nhà, vừa bán đi để tạo nguồn thu nhập. Đây cũng là thời điểm cá đồng sinh sôi, kéo dài đến Tết âm lịch.

20/10/2013