Phòng Chống Dịch Bệnh Gia Súc, Gia Cầm Ngay Từ Cơ Sở

Tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn Hà Nội đã cơ bản ổn định. Tuy nhiên, việc chủ động các phương án phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm ngay từ cơ sở vẫn là nhiệm vụ quan trọng được các địa phương lưu tâm.
Hà Nội là địa phương có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn nhất cả nước với đàn trâu bò có 154.890 con; đàn lợn: 1.380.000 con; đàn gia cầm: 20.836.000 con.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh xảy ra tại các tỉnh, thành lân cận, UBND TP đã chỉ đạo cụ thể các sở, ban, ngành, đơn vị chuyên trách công tác thú y tại các quận, huyện, thị xã. Nhờ đó, trong 4 tháng đầu năm, tỷ lệ gia súc, gia cầm ốm, chết trên địa bàn TP được giữ ở mức thấp; không để xảy ra các dịch bệnh nguy hiểm như dịch tai xanh, bệnh dại ở chó, mèo...
Sở NN&PTNT Hà Nội đã chỉ đạo Chi cục Thú y, UBND các cấp triển khai tiêm phòng đại trà đợt 1. Kết quả tiêm phòng các loại vaccine đều đạt từ 72,5 - 124,9% kế hoạch 6 tháng. Công tác vệ sinh tiêu độc được các địa phương thực hiện đúng thời gian, kỹ thuật…
Ngoài những mặt đã làm được, công tác phòng, chống dịch trên đàn gia súc, gia cầm của TP vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Trên địa bàn TP đã xuất hiện một số ổ dịch nghi cúm gia cầm (xảy ra tại 7 hộ chăn nuôi thuộc 5 xã của huyện Sóc Sơn, Thanh Trì và Thạch Thất), dịch lở mồm long móng (xảy ra tại nhiều hộ thuộc 8 xã của huyện Phúc Thọ, Ba Vì và thị xã Sơn Tây).
Để thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch trên đàn gia súc, gia cầm trong quý II và cả năm 2014, các địa phương đã chủ động đề ra nhiều giải pháp. Tại Thanh Trì, cán bộ chuyên trách thú y của xã thường xuyên theo dõi tình hình dịch bệnh để kịp thời tổ chức khoanh vùng, cách ly khi có dịch. Tại Sóc Sơn đã triển khai tiêm 21.100 liều vaccine phòng dại trên tổng đàn chó, mèo (khoảng 29.000 con), hiện đang tiếp tục rà soát để tiêm bổ sung.
Ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội yêu cầu các địa phương tăng cường phòng, chống dịch bệnh ngay tại cơ sở. Đồng thời, kiến nghị, UBND TP có văn bản sớm chỉ đạo chính quyền các cấp chủ động trích quỹ phòng chống dịch để mua vaccine dại tiêm phòng cho đàn chó, bởi lượng vaccine được TP cấp mới chỉ đảm bảo 50% tổng đàn chó được thống kê hồi tháng 5/2013. Bên cạnh đó, UBND TP cần có kế hoạch hỗ trợ kịp thời những hộ chăn nuôi về vật tư, vaccine, hóa chất cần thiết khi xảy ra dịch bệnh.
Có thể bạn quan tâm

UBND tỉnh Trà Vinh vừa phê duyệt quyết định hỗ trợ đầu tư cho nông dân trồng lúa trên địa bàn tỉnh đến năm 2015, nhằm giúp nông dân tăng thu nhập và đạt mục tiêu xây dựng 60.000 ha vùng lúa chất lượng cao. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã triển khai chương trình hỗ trợ hơn 12 tỉ đồng cho nông dân trong tỉnh trồng lúa chất lượng cao và sản xuất lúa giống nguyên chủng, giống xác nhận trong vụ hè thu 2013 theo quyết định này.

Sáng 22-5, ông Bùi Thế Sinh – Chủ tịch UBND xã Đa Lộc (Hậu Lộc – Thanh Hóa) cho biết, còn hàng nghìn tấn ngao (nghêu) đã đến vụ thu hoạch đang bị ứ đọng, không có thương lái thu mua.

Trong khuôn khổ dự án “Chuyển giao kỹ thuật sản xuất giống và phát triển mô hình nuôi lươn đồng bằng phương pháp sinh sản bán nhân tạo giai đoạn 2011 – 2013” thực hiện năm 2013, Chi cục Thủy sản Vĩnh Long đã tổ chức 2 lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất giống lươn đồng phương pháp sinh sản bán nhân tạo và kỹ thuật nuôi lươn thương phẩm tại xã Mỹ Lộc (Tam Bình - Vĩnh Long) với 40 hộ nông dân trong vùng triển khai dự án tham gia.

Trà Vinh là tỉnh có diện tích nuôi trồng thủy sản khá lớn ở ĐBSCL. Từ thế mạnh này, đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, 02 năm gần đây, tình hình tôm nuôi bị thiệt hại nghiêm trọng ngay từ đầu vụ khiến cho một số hộ nuôi tôm phải “lâm nợ”. Mặc dù hiện nay lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo sát sao và có chính sách hỗ trợ cho người nuôi tôm bị thiệt hại, nhưng với tình hình thời tiết không thuận lợi, giá nhiên liệu tăng, người nuôi tôm thiếu vốn, việc đầu tư vụ nuôi mới càng khó khăn hơn.

Ông Đặng Văn Mạnh, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, vụ hè thu 2013, chi cục phối hợp với Phòng NN-PTNT huyện Tuy An, HTX Nông nghiệp An Ninh Tây tiến hành gieo sạ khảo nghiệm 20 giống lúa chịu mặn trên diện tích 1.000m2 tại xã An Ninh Tây (Tuy An). Bộ giống do Trường đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh và Trường đại học Nông lâm Huế tuyển chọn từ Viện lúa Quốc tế (RIRI) chuyển giao.