Phòng Chống Dịch Bệnh Gia Súc, Gia Cầm Ngay Từ Cơ Sở

Tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn Hà Nội đã cơ bản ổn định. Tuy nhiên, việc chủ động các phương án phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm ngay từ cơ sở vẫn là nhiệm vụ quan trọng được các địa phương lưu tâm.
Hà Nội là địa phương có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn nhất cả nước với đàn trâu bò có 154.890 con; đàn lợn: 1.380.000 con; đàn gia cầm: 20.836.000 con.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh xảy ra tại các tỉnh, thành lân cận, UBND TP đã chỉ đạo cụ thể các sở, ban, ngành, đơn vị chuyên trách công tác thú y tại các quận, huyện, thị xã. Nhờ đó, trong 4 tháng đầu năm, tỷ lệ gia súc, gia cầm ốm, chết trên địa bàn TP được giữ ở mức thấp; không để xảy ra các dịch bệnh nguy hiểm như dịch tai xanh, bệnh dại ở chó, mèo...
Sở NN&PTNT Hà Nội đã chỉ đạo Chi cục Thú y, UBND các cấp triển khai tiêm phòng đại trà đợt 1. Kết quả tiêm phòng các loại vaccine đều đạt từ 72,5 - 124,9% kế hoạch 6 tháng. Công tác vệ sinh tiêu độc được các địa phương thực hiện đúng thời gian, kỹ thuật…
Ngoài những mặt đã làm được, công tác phòng, chống dịch trên đàn gia súc, gia cầm của TP vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Trên địa bàn TP đã xuất hiện một số ổ dịch nghi cúm gia cầm (xảy ra tại 7 hộ chăn nuôi thuộc 5 xã của huyện Sóc Sơn, Thanh Trì và Thạch Thất), dịch lở mồm long móng (xảy ra tại nhiều hộ thuộc 8 xã của huyện Phúc Thọ, Ba Vì và thị xã Sơn Tây).
Để thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch trên đàn gia súc, gia cầm trong quý II và cả năm 2014, các địa phương đã chủ động đề ra nhiều giải pháp. Tại Thanh Trì, cán bộ chuyên trách thú y của xã thường xuyên theo dõi tình hình dịch bệnh để kịp thời tổ chức khoanh vùng, cách ly khi có dịch. Tại Sóc Sơn đã triển khai tiêm 21.100 liều vaccine phòng dại trên tổng đàn chó, mèo (khoảng 29.000 con), hiện đang tiếp tục rà soát để tiêm bổ sung.
Ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội yêu cầu các địa phương tăng cường phòng, chống dịch bệnh ngay tại cơ sở. Đồng thời, kiến nghị, UBND TP có văn bản sớm chỉ đạo chính quyền các cấp chủ động trích quỹ phòng chống dịch để mua vaccine dại tiêm phòng cho đàn chó, bởi lượng vaccine được TP cấp mới chỉ đảm bảo 50% tổng đàn chó được thống kê hồi tháng 5/2013. Bên cạnh đó, UBND TP cần có kế hoạch hỗ trợ kịp thời những hộ chăn nuôi về vật tư, vaccine, hóa chất cần thiết khi xảy ra dịch bệnh.
Có thể bạn quan tâm

Anh Trương Văn Vòm - cán bộ xã là một trong những người có đàn dê khá lớn tại địa phương, khẳng định sau con bò thì con dê đã tham gia xóa nghèo hữu hiệu nhất. Đầu năm 2013, Dự án IFAD cũng quyết định chọn con dê để hỗ trợ cho hộ nghèo của xã làm kinh tế.

Một năm trôi qua ở Đồng Tháp, nghề chăn nuôi heo phải đối mặt với nhiều khó khăn. Tuy nhiên, bài toán về giá cả hiện nay đang khiến họ thêm nặng gánh, giá bán thấp hơn giá thành. Trong khi đó, việc vay vốn ngân hàng cũng không phải dễ dàng...

Ông Nguyễn Anh Dũng, một trong những thương lái mua cá điêu hồng có quy mô tương đối lớn ở phường 2, TP. Mỹ Tho (Tiền Giang) cho biết, giá cá điêu hồng mua tại bè hiện dao động từ 38.000 - 39.000 đồng/kg, thậm chí loại cá cỡ lớn (từ 1 kg/con trở lên) ở mức 40.000 - 41.000 đồng/kg.

Ông Huỳnh văn Hổ, nông dân ấp Mỹ Long, xã Mỹ An huyện Chợ Mới (An Giang), những năm gần đây khá lên nhờ áp dụng mô hình trồng bắp, nuôi bò và sử dụng phân bò làm khí đốt biogas. Đây là mô hình đang được ngành nông nghiệp huyện Chợ Mới khuyến cáo nông dân áp dụng rộng rãi nhằm tăng thu nhập kinh tế hộ gia đình, mặt khác vừa cải thiện môi trường, tiết kiệm chi phí nhiên liệu nấu ăn, sinh hoạt hằng ngày.

“Chuyển giao kỹ thuật nuôi thâm canh bò giai đoạn bú sữa và sau cai sữa” là mô hình nằm trong phạm vi hợp phần Dự án cạnh tranh nông nghiệp Gia Lai. Sau 6 tháng triển khai tại xã Kông Yang (huyện Kông Chro - Gia Lai), dự án đã kết thúc và cho thấy những kết quả khá tích cực.