Phó Thủ tướng thúc phê duyệt quy hoạch phát triển cây mắc ca

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa có văn bản chỉ đạo các bộ, ngành liên quan về việc sớm phê duyệt quy hoạch phát triển cây mắc ca. Theo đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phát triển cây mắc ca; khẩn trương phê duyệt quy hoạch phát triển cây mắc ca.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan tăng cường các biện pháp quản lý về chất lượng giống; hướng dẫn người sản xuất hợp tác, liên kết với doanh nghiệp đầu tư, tổ chức sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ, bảo đảm phát triển cây mắc ca theo hướng nhanh, bền vững.
Hồi giữa tháng 4/2015, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có công văn 2930 về việc phát triển cây mắc ca tại Việt Nam. Theo đó, Bộ ủng hộ đề xuất của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) thành lập Hiệp hội mắc ca Việt Nam và Tây Nguyên. Bộ cũng chỉ định Tổng Cục Lâm nghiệp là đơn vị quản lý cây mắc ca làm đầu mối để làm việc và phối hợp với ngân hàng trong các vấn đề về phát triển cây mắc ca.
Trước đó, cuối tháng 3/2015, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc cũng đã đồng ý về nguyên tắc xây dựng đề tài khoa học "Phát triển cây mắc ca ở vùng Tây Bắc" đạt hiệu quả. Phó Thủ tướng giao Chủ nhiệm "Chương trình khoa học, công nghệ phát triển bền vững vùng Tây Bắc" phối hợp với các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ lựa chọn đề tài cho phù hợp, tránh trùng lắp, chồng chéo.
Cây mắc ca có xuất xứ từ Úc. Với những giá trị dinh dưỡng vượt trội, hạt mắc ca được xếp vị trí hàng đầu trong các loại hạt và được mệnh danh là “hoàng hậu của các loại hạt”. Vỏ của quả mắc ca được dùng làm chất đốt, phân bón, chất bồi. Nhân hạt mắc ca dùng trong chế biến bơ, làm bánh kẹo, kem… Dầu chiết xuất từ nhân hạt mắc ca được dùng trong nhiều ngành công nghiệp, làm thức ăn chăn nuôi và dầu ăn.
Sau hơn 10 năm đưa vào trồng tại Việt Nam, diện tích mới đạt trên 2000 ha và có khoảng 10 giống mắc ca được đánh giá phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu vùng Tây Nguyên, Tây Bắc.
Có thể bạn quan tâm

Người nuôi cua ở Cà Mau đang “đứng ngồi không yên” khi giá cua liên tục xuống thấp. Hiện giá cua đã giảm khoảng 30 - 40% so với vài tháng trước. Nguyên nhân được xác định là do thị trường Trung Quốc không nhập khẩu cua, thương lái Trung Quốc đồng loạt ngừng “ăn hàng”.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) vừa cho biết, xuất khẩu thủy sản năm 2015 sang Trung Quốc dự báo đạt khoảng 580 triệu USD, giảm khoảng 3% so năm ngoái.

Ngày 10-9, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (Vasep) cho biết Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố kết quả cuối cùng rà soát hành chính lần thứ 9 (POR9) thuế chống bán phá giá tôm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam giai đoạn từ 1-2-2013 đến 31-1/2014.

Thời gian gần đây, người nuôi tu hài trên vịnh Cam Ranh lâm vào cảnh thua lỗ bởi tu hài chết liên tục trong nhiều vụ. Nhiều hộ nuôi đã quyết định đoạn tuyệt với đối tượng nuôi này.

Từ đầu tháng 9 đến nay, giá khóm (dứa) tại Hậu Giang liên tục tăng cao, gần gấp đôi so với đầu vụ, hiện khóm không đủ nguồn cung cho thị trường.