Thương lái Trung Quốc ngừng mua, đặc sản cua Cà Mau rớt gần nửa giá

Theo người nuôi cua địa phương, giai đoạn từ đầu năm đến khoảng đầu tháng 5/2015, giá cua liên tục giữ mức khá ổn định. Cua gạch được thương lái thu mua tại vuông nuôi với giá 320.000 - 350.000 đồng/kg; cua y giá trên dưới 200.000 đồng/kg. Đến nay, cua y đang được thu mua với giá 140.000 đồng/kg; cua gạch chỉ còn từ 200.000 - 220.000 đồng/kg.
Đặc sản cua biển Cà Mau đang rớt giá.
Tỉnh Cà Mau là địa phương có diện tích nuôi cua biển lớn nhất nhì cả nước, tập trung nhiều ở các huyện Năm Căn, Ngọc Hiển, Phú Tân, Cái Nước…Thống kê chưa đầy đủ của ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau, quân bình mỗi năm lượng cua biển xuất khẩu theo đường chính ngạch và tiểu ngạch lên đến đến hàng chục ngàn tấn; trong đó thị trường chính là Trung Quốc.
Như đã thành quy luật, cứ đến thời gian gần Rằm tháng 7 hàng năm, giá cua sẽ giảm. Nguyên nhân được xác định do thị trường Trung Quốc không nhập khẩu cua, thương lái Trung Quốc đồng loạt ngừng “ăn hàng”. Thế là giá cua cứ lao dốc, chỉ tội cho những gia đình kinh tế khó khăn, chỉ trông chờ vào con cua, con tôm để sống.
Gắn bó với con cua đã mấy chục năm nay, chưa năm nào thấy giá cua giảm mạnh như hiện nay, ông Nguyễn Văn Thoái (xã Rạch Chèo, huyện Phú Tân), thở dài: “Ai cũng biết, đến giai đoạn này giá cua sẽ giảm. Nhưng tình hình năm nay căng quá, tính ra giá giảm đến cả 100.000 đồng/kg, chúng tôi nuôi sao có lời”.
Ông Nguyễn Minh Phồi (ấp Kinh Lớn, xã Đông Thới) cho biết: Vụ vừa qua gia đình thả hơn 4.000 con cua giống, ước đạt tỷ lệ sống 25%. Hiện sản lượng cua trong vuông ít nhất có 3 tấn, đã dư kích cỡ thu hoạch nhưng không dám thu.
Theo tính toán của ông Phồi, nếu bây giờ bắt cua, chưa tính công gia đình ông chắc chắn sẽ lỗ không dưới 3 triệu đồng. “Chẳng ai muốn thu hoạch lúc này cả, bà con đang đợi đến Trung thu, thị trường tiêu thụ sẽ tăng trở lại, hy vọng giá cua được đẩy lên mới thu hoạch”, ông Phồi nói.
Huyện Cái Nước có diện tích nuôi cua hơn 6.000 ha, tập trung nhiều tại các xã Trần Thới, Đông Thới,… “Tình hình nuôi năm nay cơ bản thuận lợi. Tuy nhiên, thương lái Trung Quốc ngừng mua, giá cả quá thấp gây nhiều khó khăn cho người nuôi. Ngay cả những doanh nghiệp tiêu thụ cũng đang điêu đứng”, ông Đoàn Văn Chính - Phó trưởng Phòng NN&PTNN huyện Cái Nước cho biết.
Người nuôi cua ở Cà Mau đang gặp nhiều khó khăn khi giá cua đang thấp.
Ông Võ Ngọc Hùng (chủ cơ sở thu mua cua biển lớn ở thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn) cho biết: Trước đây, hàng ngày ông xuất sang Trung Quốc 1 tấn cua biển các loại, thì nay chỉ còn khoảng vài trăm kg/ngày. Giá cua giảm đang tác động mạnh đến thị trường thu mua và xuất khẩu của các địa phương. Người nuôi luôn đang chịu áp lực lớn nhất.
“Doanh nghiệp có thể chủ động dừng mua khi thị trường xuất khẩu gặp khó, nhưng người nông dân ít vốn thì khó có thể dừng thu hoạch khi cua tới đợt khai thác”, ông Hùng nói.
Ông Châu Công Bằng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau cho rằng: Đồng nhân dận tệ của Trung Quốc bị phá giá xuống thấp cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến cho các mặt hàng thủy sản xuất vào thị trường này rớt giá, trong đó có cua biển Cà Mau.
“Ngành nông nghiệp đang theo dõi sát sao mọi biến động của các mặt hàng thủy sản trên địa bàn để có hướng xử lý và khuyến cáo người dân khi cần thiết”, ông Bằng nói.
Có thể bạn quan tâm

Theo kế hoạch, vụ lúa đông xuân 2014-2015 Công ty TNHH MTV kinh doanh và xay xát lúa gạo Cẩm Nguyên sẽ ký kết bao tiêu sản phẩm 420ha lúa của 285 xã viên trong Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp số 1, xã Gáo Giồng.

Mô hình cánh đồng lớn tiến tới xây dựng vùng nguyên liệu thông qua việc tăng cường liên kết bốn nhà, sản xuất và tiêu thụ nông sản theo hợp đồng, chủ động trong sản xuất, điều tiết và tiêu thụ lúa gạo. Trên “Cánh đồng lớn” sẽ từng bước dịch vụ hóa các khâu trong sản xuất, từ đầu vào đến thu hoạch, bảo quản, chế biến, tồn trữ...

Ngày 21/10, tại Khách sạn Bông Hồng, TP.Sa Đéc, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh tổ chức Hội thảo thúc đẩy áp dụng sản xuất sạch hơn (SXSH) trong ngành chế biến lương thực. Tham dự có đại diện các sở, ngành, doanh nghiệp chế biến lương thực trên địa bàn tỉnh.

Niềm vui đó xuất phát từ Mô hình thâm canh giống lúa thuần HT9 do Trung tâm Chuyển giao công nghệ và khuyến nông thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam hỗ trợ giống, phân bón và kỹ thuật thâm canh tổng hợp cho bà con đã mang lại vụ mùa năng suất cao cho những người dân nơi đây và giúp thay đổi cách thức sản xuất cũ bằng phương pháp khoa học cho cây lúa năng suất, chất lượng hơn.

Hiện nay, nông dân trồng quýt đường trên địa bàn huyện Long Mỹ đang bước vào thu hoạch quýt đường chính vụ. Khác hẳn với không khí nhộn nhịp của những năm trước, vụ quýt năm nay, nhà vườn đang gặp nhiều khó khăn khi giá bán liên tục sụt giảm, thương lái hạn chế thu mua, khả năng sẽ đối mặt với mùa quýt “đắng”.