Phát Triển Nghề Trồng Nấm Rơm Ở Cai Lậy (Tiền Giang)

Nghề trồng nấm rơm đang phát triển mạnh ở huyện Cai Lậy (Tiền Giang), tập trung ở các xã: Mỹ Long, Tân Hội, Tân Phú, Mỹ Hạnh Trung và Mỹ Hạnh Đông… Mỗi năm sản xuất hàng trăm tấn nấm phục vụ nhu cầu chế biến xuất khẩu và tiêu thụ nội địa, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động nhàn rỗi tại địa phương.
Hàng năm, vào mùa nước nổi, nông dân tranh thủ nơi khô ráo trong vườn hoặc tuyến dân cư để trồng nấm rơm.
Gia đình anh Nguyễn Văn Cường ở ấp Mỹ Hội, xã Mỹ Hạnh Đông có 4 nhân khẩu nhưng chỉ có 2 công ruộng, hàng ngày vợ chồng anh phải đi làm mướn để kiếm thêm thu nhập.
Năm 1998, anh được người thân ở xã Mỹ Long hướng dẫn kỹ thuật trồng nấm rơm, từ đó đến nay anh trồng 3 vụ/năm, tạo nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình.
Vụ hè thu chính vụ 2012, tận dụng 3 ha rơm trồng 700 m2 nấm, thu hoạch được 500 kg nấm, bán được giá từ 25.000 - 27.000 đồng/kg, trừ chi phí anh thu lãi 10 triệu đồng.
Hay như anh Võ Hữu Phơ ở ấp Mỹ Hội cũng trồng 1,2 ha rơm trên diện tích 300 m2, thu hoạch 250 kg nấm. Trừ chi phí thuê nhân công kéo rơm, chất giồng, meo giống khoảng 2 triệu đồng, anh còn lãi 5 triệu đồng.
Nhiều nông dân cho biết: Nấm rơm dễ trồng, phù hợp với nhiều đối tượng, chi phí thấp, trồng được 3 vụ/năm, chủ yếu lấy công làm lời. Sau khi thu hoạch lúa, vận chuyển rơm lên liếp chất thành lớp và tưới nước thấm đều cọng rơm, ủ từ 10 - 15 ngày, chất rơm thành giồng, ngang 25 cm, dài tùy theo khuôn viên đất rộng hay hẹp.
Dùng meo rải lên mặt rơm và phủ thêm lớp rơm thứ hai, nhằm giữ độ ấm kích thích meo phóng tơ tạo trứng cá, 10 ngày sau cho thu hoạch. Bình quân 1 bịch meo giống loại 100 gam cho 1 kg nấm thương phẩm. Sau khi thu hoạch nấm, rơm phân hủy thành phân hữu cơ, dùng bón cho cây ăn trái hoặc trồng hoa màu rất tốt. Thông qua việc trồng nấm rơm, nhiều hộ thoát nghèo vươn lên ổn định cuộc sống.
Thời gian qua, Phòng NN&PTNT Cai Lậy kết hợp với Hội Nông dân các xã, thị trấn trong huyện mở nhiều lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng nấm rơm, giúp nông dân phát triển kinh tế gia đình, góp phần thực hiện tốt công tác xoá đói giảm nghèo ở địa phương.
Có thể bạn quan tâm

Hiện nay đang vào cuối mùa thu hoạch vú sữa nên sản lượng tại chợ trái cây Vĩnh Kim giảm rất nhiều. Theo các chủ vựa trái cây nhận định, sản lượng vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim hiện chỉ còn khoảng 10% và sẽ cơ bản kết thúc mùa thu hoạch vào giữa tháng 3 âm lịch.

Thị trường RAT trong nước hiện gần như không kiểm soát được nguồn gốc và chất lượng. Hàng loạt vụ lừa đảo rau không rõ nguồn gốc dán nhãn RAT khiến cho thị trường rau sạch mới được gây dựng đã bị làm loạn.

Những ngày qua, giá cá tra ở Đồng Tháp nói riêng và đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tăng mạnh. Song, thay vì phấn khởi, vui mừng, nông dân lại thấy lo bởi nhiều khả năng đây chỉ là cơn “sốt giá ảo”.

Những năm gần đây, phong trào nuôi cá nước ngọt nhằm tăng thu nhập đã được nông dân Bến Tre ứng dụng rộng rãi. Tùy theo điều kiện đất đai, môi trường nước và nguồn vốn, nông dân đã chọn nuôi những đối tượng khác nhau, trong đó, con cá sặc rằn được nuôi phổ biến ở vùng Lạc địa, thuộc xã Phú Lễ, huyện Ba Tri.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Tây Ninh cho biết, đã xác định được nguyên nhân làm hàng ngàn con cá nuôi bè bị các vết lở loét.