Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Phát Triển Nghề Nuôi Chim Yến Trong Nhà

Phát Triển Nghề Nuôi Chim Yến Trong Nhà
Ngày đăng: 24/02/2014

Đề tài khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu kỹ thuật xây dựng nhà yến và hoàn thiện quy trình nuôi chim yến trong nhà” do Thạc sĩ Lê Hữu Hoàng - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nhà nước một thành viên (MTV) Yến sào Khánh Hòa làm chủ nhiệm vừa được nghiệm thu đạt loại xuất sắc.

Đây là tiền đề quan trọng cho việc áp dụng công nghệ phát triển quần thể chim yến, góp phần thúc đẩy nghề nuôi chim yến trong nhà phát triển bền vững, hiệu quả.

Trên cơ sở ứng dụng kết quả đề tài khoa học cấp tỉnh “Bước đầu nghiên cứu ấp nuôi nhân tạo chim yến làm cơ sở khoa học cho việc phát triển đàn chim yến trong nhà ở tỉnh Khánh Hòa” (2007 - 2009), Công ty TNHH Nhà nước MTV Yến sào Khánh Hòa đã thử nghiệm thành công việc phát triển nuôi yến trong nhà tại Khánh Hòa và một số địa phương.

Tuy nhiên, kết quả thực nghiệm trong các năm trước đây chưa nghiên cứu sâu những biện pháp kỹ thuật nuôi, chăm sóc chim non, âm sinh học chim yến; chưa có công trình nghiên cứu khoa học nào về kỹ thuật xây dựng nhà nuôi chim yến tại Việt Nam.

Để phát triển nghề nuôi chim yến trong nhà, trên cơ sở kế thừa những nghiên cứu cũng như triển khai thử nghiệm nuôi chim yến trong nhà trước đó, Công ty TNHH Nhà nước MTV Yến sào Khánh Hòa đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu kỹ thuật xây dựng nhà yến và hoàn thiện quy trình nuôi chim yến trong nhà”.

Đề tài tập trung nghiên cứu kỹ thuật xây dựng nhà yến; các biện pháp kỹ thuật để hoàn thiện quá trình nuôi ấp nhân tạo chim yến và âm sinh học của chim yến; hoàn thiện quy trình kỹ thuật nuôi chim yến trong nhà. Đề tài thực hiện trong 2 năm với kinh phí hơn 950 triệu đồng, trong đó kinh phí đối ứng của Công ty TNHH Nhà nước MTV Yến sào Khánh Hòa chiếm hơn 40%.

Trong 2 năm, Thạc sĩ Lê Hữu Hoàng và cộng sự đã thực hiện khối lượng công việc rất lớn. Nhóm thực hiện đề tài đã tập trung nghiên cứu chuyên sâu về đặc điểm sinh học, sinh sản chim yến; đưa ra nhiều giải pháp kỹ thuật xây dựng nhà yến, nghiên cứu thiết kế mô hình nhà yến, cải tiến vật liệu, nghiên cứu các dung dịch, hợp chất, thiết bị dùng trong xây dựng và lắp đặt nhà yến, hệ thống âm thanh dẫn dụ chim yến tự động hoàn toàn.

Nhóm thực hiện đề tài đã nghiên cứu kỹ thuật nuôi chim con và phát triển quần thể đàn chim yến; xây dựng quy trình kỹ thuật nuôi chim yến trong nhà. Kết quả sau nghiên cứu cho thấy, số lượng chim đã tăng lên đáng kể và ổn định.

Các chỉ tiêu đạt cao như: tỷ lệ trứng ấp nở thành chim con đạt hơn 90%; tỷ lệ sống của chim con đạt 70% và tỷ lệ chim trưởng thành bay về tổ đạt hơn 35%...

Trong phạm vi đề tài, nhóm nghiên cứu đã áp dụng các giải pháp kỹ thuật, bí quyết công nghệ trên 4 mô hình: 1 mô hình ở thành phố với 2.000 con đã làm tổ với hơn 1.000 tổ yến; 3 mô hình ở nông thôn với số lượng ổn định 250 con đã làm tổ với hơn 50 tổ/mô hình.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Lân Hùng Sơn - Ủy viên phản biện Hội đồng Khoa học và Công nghệ đánh giá: “Các mô hình nghiên cứu có thể chuyển giao ngay, mở ra triển vọng phát triển nghề nuôi chim yến trong nhà mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân trong cả nước”.

Theo Thạc sĩ Lê Hữu Hoàng, đề tài đã xây dựng thành công bí quyết kỹ thuật vận hành nhà yến với 5 bước: Dẫn dụ chim vào nhà yến, dụ chim ở lại nhà yến, kích thích chim làm tổ trong nhà yến, phát triển bầy đàn chim yến trong nhà yến và nâng cao năng suất sản lượng nhà yến, phòng chống địch hại cho nhà yến... Nhóm thực hiện đề tài cũng đã nghiên cứu, tạo ra các sản phẩm như: tổ yến mô phỏng, dung dịch tạo mùi bầy đàn chim yến, giá tổ, bộ âm thanh dẫn dụ chim yến...

Dẫn chúng tôi tham quan nhà nuôi yến, ông Võ Văn Cam - Trưởng Ban Kỹ thuật Công ty TNHH Nhà nước MTV Yến sào Khánh Hòa cho biết: Năm qua, Công ty đã tổ chức lớp tập huấn, mời người dân các nơi đến tham quan mô hình ấp nở và di đàn. Nếu người dân có nhu cầu, Công ty sẵn sàng hợp tác hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật, công nghệ nuôi yến trong nhà.

Nuôi chim yến, đưa nghề nuôi chim yến trong nhà phát triển rộng rãi đến người dân nhiều địa phương mang lại hiệu quả kinh tế cao. Theo Thạc sĩ Lê Hữu Hoàng, Công ty cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy trình khai thác yến nhà đảm bảo khoa học, hiệu quả; nghiên cứu cách chế biến tổ yến đạt chất lượng tốt nhất; nghiên cứu các vật liệu xây dựng nhà yến có giá thành thấp mà vẫn đảm bảo kỹ thuật để giảm chi phí đầu tư; thực hiện nghiên cứu chuyên sâu về âm sinh học. Đặc biệt, cần nghiên cứu đặc điểm di truyền ADN để bảo toàn nguồn gen quý của đàn chim yến...


Có thể bạn quan tâm

Việt Nam Đứng Đầu Thế Giới Về Xuất Khẩu Hạt Điều 8 Năm Liền Việt Nam Đứng Đầu Thế Giới Về Xuất Khẩu Hạt Điều 8 Năm Liền

Còn về nhập khẩu nguyên liệu, khách hàng quốc tế có cam kết của các nước Tây Phi thì năm 2014, các nước này sẽ dành nguyên liệu điều thô bán cho Việt Nam, đủ để cân đối nguyên liệu chế biến của các nhà máy.

21/02/2014
Khuyến Cáo Nông Dân Không Thả Giống Giai Đoạn Này Khuyến Cáo Nông Dân Không Thả Giống Giai Đoạn Này

Theo dự báo thời tiết từ tháng 3 đến tháng 4 diễn biến rất phức tạp, đây là giai đoạn tôm thiệt hại cao nhất đã được thống kê, rút kinh nghiệm từ nhiều năm qua. Ngành Nông nghiệp Sóc Trăng khuyến cáo các vùng nuôi tôm nước lợ trong tỉnh không nên thả giống để tránh thiệt hại mà tập trung vào khâu xử lý ao nuôi, thận trọng hơn trong chọn giống để hạn chế thấp nhất rủi ro cho vụ nuôi năm 2014

18/03/2014
Nông Dân Xuống Đồng Sản Xuất Đầu Năm Mới Nông Dân Xuống Đồng Sản Xuất Đầu Năm Mới

Tuy không khí ngày xuân đang tràn ngập ở các địa phương trong tỉnh nhưng để đảm bảo tiến độ thời vụ, ngay trong những ngày đầu năm mới Giáp Ngọ, nông dân xã Hùng Sơn, Tĩnh Gia (Thanh Hóa) đã tiếp tục xuống đồng chăm sóc cây lúa và hoa màu.

21/02/2014
Nông Dân Bỏ Tiền Túi Ra Nước Ngoài Học Trồng Cà Chua Nông Dân Bỏ Tiền Túi Ra Nước Ngoài Học Trồng Cà Chua

Tới ngã ba Liên Khương (Đức Trọng) còn phải đi thêm một đoạn đường hơn 10km mới đến trang trại của các anh Nguyễn Anh Dũng, Nguyễn Phú Quốc. Con đường dẫn vào trang trại được trải nhựa phẳng, hai bên là vườn cà phê đang chín.

21/02/2014
Cà Mau Thả Hơn 600.000 Con Giống Thủy Sản Xuống Biển Cà Mau Thả Hơn 600.000 Con Giống Thủy Sản Xuống Biển

Thực hiện Dự án “Tái tạo, thả bổ sung giống thủy sản tại một số cửa sông nội đồng, ven biển tỉnh Cà Mau”, ngày 15/3, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh phối hợp với UBND thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời tổ chức thả hơn 600.000 con giống thủy sản tại cửa biển Sông Đốc.

18/03/2014