Phấn Đấu Về Đích Nông Thôn Mới Trong Năm 2015

Trong những năm qua, hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM), với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, xã Thụy Bình (Thái Thụy) đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia hưởng ứng sôi nổi, từng bước góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ông Đào Văn Tuyết, Chủ tịch UBND xã Thụy Bình cho biết: Xác định để hoàn thành 19 tiêu chí NTM thì việc nhận được sự ủng hộ tích cực của nhân dân cả về vật chất và tinh thần là rất quan trọng. Vì vậy, trong suốt thời gian qua, xã đã tập trung tuyên truyền sâu rộng về chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng NTM và những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện đề án xây dựng NTM của địa phương.
Đảng bộ, chính quyền xã đã tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo các bộ phận chuyên môn, các tổ chức đoàn thể, các thôn, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, cụ thể hóa thành kế hoạch chi tiết để tổ chức thực hiện. Từ đó, giúp người dân hiểu đúng về vai trò chủ thể của mình trong quá trình triển khai thực hiện phong trào xây dựng NTM.
Đồng thời phát huy vai trò tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên như việc đóng góp kinh phí, hiến đất, ngày công vì vậy đã tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân. Cũng nhờ triển khai đồng bộ và có hiệu quả các giải pháp đề ra, những năm qua cơ cấu kinh tế của địa phương chuyển dịch tích cực, đã góp phần giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho nhiều người lao động.
Đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện; số hộ nghèo hết năm 2014 giảm xuống còn 2,78%; số hộ có đời sống kinh tế khá, giàu ngày một tăng; các phong trào xây dựng đời sống văn hóa được nhân dân hưởng ứng tích cực. Việc cưới, việc tang được thực hiện theo nếp sống văn hóa.
Công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân được quan tâm. Với những nỗ lực trên, kết thúc năm 2014, xã Thụy Bình đã đạt được 16/19 tiêu chí, còn lại 3 tiêu chí là cơ sở vật chất trường học, giao thông, nhà văn hóa. Thời gian tới, để hoàn thành các tiêu chí này, xã tập trung huy động sự đóng góp của nhân dân.
Đối với tiêu chí cơ sở vật chất trường học, Thụy Bình đã huy động các nguồn lực được 10 tỷ đồng để xây dựng 10 phòng học của Trường Mầm non và tiếp tục hoàn thiện nhà hiệu bộ của Trường Trung học cơ sở, Trường Mầm non cùng với các công trình phụ trợ khác.
Về cơ sở vật chất văn hóa, năm 2014, Thụy Bình đã hoàn thiện nhà văn hóa trung tâm của xã, xây dựng, củng cố quản lý nghĩa trang đi vào nền nếp theo quy định. Đối với các nhà văn hóa thôn, tiếp tục tuyên truyền nhân dân góp kinh phí xây dựng.
Thực hiện tiêu chí giao thông, Thụy Bình xác định đây là một trong những tiêu chí khó, do đó để có được những chuyển biến về nhận thức của dân, xã đã đề ra những giải pháp về thực hiện tốt quy chế dân chủ, nhân dân bàn bạc, có sự định hướng, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền; tranh thủ huy động được mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực trong nhân dân, kết hợp các nguồn lực hỗ trợ từ tỉnh, huyện, xã hội hóa, để xây dựng thành công tiêu chí giao thông. Toàn xã có 4,1km đường trục thôn, 16,3km đường nhánh cấp 1 trục thôn...
Những năm trước khi chưa có cơ chế hỗ trợ xi măng xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn của tỉnh, nhân dân Thụy Bình đã đóng góp kinh phí để hoàn thành 100% các tuyến đường trong ngõ xóm. Sau khi UBND tỉnh có cơ chế hỗ trợ xi măng, xã Thụy Bình đã đăng ký và tiếp nhận 1.418 tấn xi măng để tiếp tục hoàn thiện các tuyến đường giao thông nông thôn, trong đó hoàn thiện 100% đường nhánh cấp I trục thôn; 1,7km/4,1km đường trục thôn và 3km/6,8km đường giao thông nội đồng.
Để đẩy mạnh phong trào làm đường giao thông trong nhân dân, UBND xã đã trích ngân sách hỗ trợ 70 triệu đồng/1km cho đường giao thông nội đồng, 50 triệu đồng/1km trục thôn. Thời gian tới, Thụy Bình tiếp tục huy động nguồn lực từ nhân dân để đẩy mạnh phong trào bê tông hóa đường giao thông, tiếp tục phát huy tính dân chủ cơ sở, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân để hoàn thành 100% các tuyến đường giao thông trên địa bàn xã.
Để hoàn thành các hạng mục của những tiêu chí còn lại, nơi đây còn những khó khăn nhất định, song với chủ trương và cách làm phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Thụy Bình quyết tâm huy động mọi nguồn lực, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, mở rộng kinh doanh, dịch vụ, củng cố xây dựng các thiết chế văn hóa, phấn đấu năm 2015 hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM.
Có thể bạn quan tâm

Từ một hộ trồng thanh long ruột đỏ (TLRĐ), đến nay Hà Nội đã có hàng chục hộ trồng, với diện tích hơn 30ha, thu nhập đạt gần 200 triệu đồng/ha/năm. Cây TLRĐ đã và đang dần khẳng định thế đứng trên đất Thủ đô.

Tỉnh Thái Bình đang tập trung chỉ đạo dập dịch lợn tai xanh tại 2 xã Vũ Hòa (huyện Kiến Xương) và Vũ Vân (huyện Vũ Thư). Hiện tình hình dịch bệnh tai xanh trên địa bàn 2 xã này bước đầu được khống chế, số lợn bị ốm cơ bản đã được chữa trị kịp thời và đang dần hồi phục.

Cá chép Nhật có tên theo tiếng Nhật là Nishiki Koi (có nghĩa là cá chép có màu gấm). Nét độc đáo mà cá chép Nhật thu hút các nghệ nhân và những người thưởng ngoạn cá cảnh là sự đa dạng về màu sắc, hình dạng và kiểu vẩy, vây của cá, nhất là vây đuôi. Cá sống vùng nước ngọt, có thể sống trong môi trường nước có độ mặn 6%o, hàm lượng oxy trong bể nuôi tối thiểu: 2,5 mg/l, độ pH từ 4 - 9, (thích hợp nhất: pH = 7,6), nhiệt độ nước: 20 -> 27OC. Cá chép Nhật rất thích hợp và sinh trưởng tốt với điều kiện nuôi tại Việt Nam.

Ngày 10/4/2013, Trưởng Trạm Thủy sản huyện Tam Nông (Đồng Tháp) đã đi kiểm tra tiến độ thả nuôi tôm càng xanh năm 2013. Đến nay đã có 18 hộ nông dân ở xã Phú Thọ, Phú Thành B, An Long và thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông thả nuôi được trên 90 ha tôm càng xanh. Diện tích tôm giống thả nuôi đạt từ 10 ngày đến trên 75 ngày, đàn tôm đang phát triển tốt, chưa thấy dấu hiệu bị bệnh.

Xã Vĩnh Thủy (Vĩnh Linh, Quảng Trị) có 1.400 hộ chăn nuôi, hình thức chăn nuôi của người dân ở đây chủ yếu là gia trại, chăn nuôi ngay trong khu dân cư nên vấn đề ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi là rất đáng quan tâm