Pakistan Là Thị Trường Nhập Khẩu Chè Lớn Nhất Của Việt Nam

Bộ Công Thương dự kiến năm 2014, xuất khẩu chè Việt Nam có thể đạt sản lượng 140.000-145.000 tấn với kim ngạch ước đạt 245 triệu USD. Trong đó, Pakistan là thị trường nhập khẩu chè lớn nhất của Việt Nam.
Loại chè được xuất khẩu chủ yếu sang Pakistan là chè đen, đây cũng là loại chè xuất khẩu chủ lực của Việt Nam với khoảng 80% tổng sản lượng xuất khẩu.
Thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại thị trường này cho thấy, sản lượng chè Pakistan nhập khẩu từ Việt Nam đang tăng nhanh sau từng năm.
Với dân số gần 200 triệu người, cùng văn hóa uống trà truyền thống lâu đời, Pakistan là một trong những thị trường tiêu thụ chè lớn, đầy tiềm năng tại khu vực Nam Á và chè Việt đang trở thành một trong những lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng tại quốc gia này.
Trong những năm trở lại đây, Pakistan luôn giữ vị trí là đối tác nhập khẩu chè lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch bình quân về giá trị đạt trên 40 triệu USD/năm, chiếm trên 20% tổng sản lượng chè xuất khẩu của Việt Nam.
Để thúc đẩy đưa mặt hàng chè Việt Nam thâm nhập sâu rộng hơn vào thị trường Pakistan, thời gian qua Bộ Công Thương đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại như các buổi giao lưu trực tuyến nhằm khắc phục sự thiếu thông tin, giúp doanh nghiệp hai bên có điều kiện tiếp xúc ban đầu, khắc phục rủi ro về khách hàng, chi phí đi lại...
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng thường xuyên phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức các đoàn giao thương, đưa các doanh nghiệp Việt Nam tham gia các hội chợ, hội thảo nhằm hỗ trợ cho việc nghiên cứu và quảng bá thương hiệu chè Việt Nam đến thị trường Pakistan nói riêng và các thị trường nước ngoài nói chung.
Theo ông Đỗ Quang Huy, Vụ trưởng Vụ thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á (Bộ Công Thương), mặc dù là một trong những thị trường lớn nhưng do nhiều rào cản, đặc biệt là rào cản về thiếu thông tin thị trường, doanh nghiệp chè Việt Nam khó tiếp cận và có những đơn hàng lớn với các doanh nghiệp Pakistan.
Bên cạnh đó, chè Việt Nam chủ yếu vẫn chỉ xuất thô nên kim ngạch xuất khẩu chưa cao. Vì vậy, ông Đỗ Quang Huy cho rằng, các doanh nghiệp xuất khẩu chè Việt Nam cần có sự liên kết mạnh hơn với người nông dân ngay từ khâu trồng để đảm bảo sản phẩm có chất lượng từ nguồn nguyên liệu. Hơn nữa, Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với thế giới, nếu không tự nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm nâng cao uy tín, doanh nghiệp sẽ tự bị sàng lọc và đào thải trong quá trình giao thương.
Để cập nhật thêm thông tin, doanh nghiệp cần hạn chế tìm kiếm và giao dịch với khách hàng qua các trang mạng quốc tế mà cần tìm hiểu thông tin chính thống từ trang Website: www.vietnamexport.com, www.moit.gov.vn của Bộ Công Thương, các thương vụ, đại sứ quán Việt Nam tại các nước sở tại và đại sứ quán các nước tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, cần có sự đầu tư thích đáng về đào tạo nguồn nhân lực như trang bị ngoại ngữ, chuyên môn nghiệp vụ, hiểu biết về đặc thù văn hóa và tôn giáo thị trường sở tại và nghiên cứu thị trường một cách kỹ lưỡng, nhất là về quy định xuất nhập khẩu nhằm tránh rủi ro khi xuất khẩu sang các thị trường.
Theo thống kê sơ bộ 11 tháng qua, xuất khẩu chè của cả nước ước đạt 121.000 tấn, với giá trị khoảng 206 triệu USD; trong đó, 3 thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam là Pakistan, Đài Loan và Nga đều có mức tăng trưởng về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước.
Nguồn bài viết: http://baocongthuong.com.vn/xuat-nhap-khau/72976/pakistan-la-thi-truong-nhap-khau-che-lon-nhat-cua-viet-nam.htm#.VHlpSY0cTDc
Có thể bạn quan tâm

Có 23 hộ dân tham gia mô hình với diện tích 28.6ha trồng lúa. Với sự hướng dẫn các kỹ sư, nông dân đã ứng dụng quy trình trồng các loại hoa trên bờ ruộng để thu hút các loại thiên địch như ong ký sinh, bọ rùa, nhện,... đến để tiêu diệt sâu rầy trên lúa, nhằm làm giảm số lần phun xịt thuốc bảo vệ thực vật.

Theo tin từ Trung tâm Khí tượng thủy văn (KTTV) Quảng Ninh, hồi 1 giờ sáng ngày 8-9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 19,7 độ vĩ Bắc; 111,4 độ kinh Đông, trên vùng biển phía Đông Bắc đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt dới mạnh cấp 7 (tức là từ 50 đến 61km một giờ), giật cấp 8, cấp 9.

Đây là đồng cỏ mà Công ty Kim Ngân trồng để nuôi đàn bò sữa 150 con mua về từ Thái Lan, trong đó có khoảng 75 con bò cho sữa; số còn lại để phối giống cung cấp cho nhu cầu chăn nuôi bò sữa của nông dân địa phương.

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam, cho biết dự báo sản lượng thức ăn cho gia súc, gia cầm cả năm 2014 đạt xấp xỉ 14 triệu tấn, tăng khoảng 700.000 tấn so với năm 2013. “Thức ăn cho nuôi tôm và cá tra dự báo cũng sẽ tăng mạnh, góp phần đưa sản lượng cả năm tăng khoảng 10% so với năm ngoái”, ông Lịch cho biết.

Thông tin từ Phòng Nông nghiệp huyện Châu Thành (Hậu Giang), hiện giá bưởi Năm Roi tiếp tục tăng trung bình 5.000 đồng/kg so với 10 ngày trước đó. Cụ thể bưởi loại I từ 1kg trở lên hiện tại có giá từ 25.000-27.000 đồng/kg; loại II từ 800g đến dưới 1kg có giá 10.000-15.000 đồng/kg.