Pakistan Là Thị Trường Nhập Khẩu Chè Lớn Nhất Của Việt Nam

Bộ Công Thương dự kiến năm 2014, xuất khẩu chè Việt Nam có thể đạt sản lượng 140.000-145.000 tấn với kim ngạch ước đạt 245 triệu USD. Trong đó, Pakistan là thị trường nhập khẩu chè lớn nhất của Việt Nam.
Loại chè được xuất khẩu chủ yếu sang Pakistan là chè đen, đây cũng là loại chè xuất khẩu chủ lực của Việt Nam với khoảng 80% tổng sản lượng xuất khẩu.
Thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại thị trường này cho thấy, sản lượng chè Pakistan nhập khẩu từ Việt Nam đang tăng nhanh sau từng năm.
Với dân số gần 200 triệu người, cùng văn hóa uống trà truyền thống lâu đời, Pakistan là một trong những thị trường tiêu thụ chè lớn, đầy tiềm năng tại khu vực Nam Á và chè Việt đang trở thành một trong những lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng tại quốc gia này.
Trong những năm trở lại đây, Pakistan luôn giữ vị trí là đối tác nhập khẩu chè lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch bình quân về giá trị đạt trên 40 triệu USD/năm, chiếm trên 20% tổng sản lượng chè xuất khẩu của Việt Nam.
Để thúc đẩy đưa mặt hàng chè Việt Nam thâm nhập sâu rộng hơn vào thị trường Pakistan, thời gian qua Bộ Công Thương đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại như các buổi giao lưu trực tuyến nhằm khắc phục sự thiếu thông tin, giúp doanh nghiệp hai bên có điều kiện tiếp xúc ban đầu, khắc phục rủi ro về khách hàng, chi phí đi lại...
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng thường xuyên phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức các đoàn giao thương, đưa các doanh nghiệp Việt Nam tham gia các hội chợ, hội thảo nhằm hỗ trợ cho việc nghiên cứu và quảng bá thương hiệu chè Việt Nam đến thị trường Pakistan nói riêng và các thị trường nước ngoài nói chung.
Theo ông Đỗ Quang Huy, Vụ trưởng Vụ thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á (Bộ Công Thương), mặc dù là một trong những thị trường lớn nhưng do nhiều rào cản, đặc biệt là rào cản về thiếu thông tin thị trường, doanh nghiệp chè Việt Nam khó tiếp cận và có những đơn hàng lớn với các doanh nghiệp Pakistan.
Bên cạnh đó, chè Việt Nam chủ yếu vẫn chỉ xuất thô nên kim ngạch xuất khẩu chưa cao. Vì vậy, ông Đỗ Quang Huy cho rằng, các doanh nghiệp xuất khẩu chè Việt Nam cần có sự liên kết mạnh hơn với người nông dân ngay từ khâu trồng để đảm bảo sản phẩm có chất lượng từ nguồn nguyên liệu. Hơn nữa, Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với thế giới, nếu không tự nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm nâng cao uy tín, doanh nghiệp sẽ tự bị sàng lọc và đào thải trong quá trình giao thương.
Để cập nhật thêm thông tin, doanh nghiệp cần hạn chế tìm kiếm và giao dịch với khách hàng qua các trang mạng quốc tế mà cần tìm hiểu thông tin chính thống từ trang Website: www.vietnamexport.com, www.moit.gov.vn của Bộ Công Thương, các thương vụ, đại sứ quán Việt Nam tại các nước sở tại và đại sứ quán các nước tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, cần có sự đầu tư thích đáng về đào tạo nguồn nhân lực như trang bị ngoại ngữ, chuyên môn nghiệp vụ, hiểu biết về đặc thù văn hóa và tôn giáo thị trường sở tại và nghiên cứu thị trường một cách kỹ lưỡng, nhất là về quy định xuất nhập khẩu nhằm tránh rủi ro khi xuất khẩu sang các thị trường.
Theo thống kê sơ bộ 11 tháng qua, xuất khẩu chè của cả nước ước đạt 121.000 tấn, với giá trị khoảng 206 triệu USD; trong đó, 3 thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam là Pakistan, Đài Loan và Nga đều có mức tăng trưởng về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước.
Nguồn bài viết: http://baocongthuong.com.vn/xuat-nhap-khau/72976/pakistan-la-thi-truong-nhap-khau-che-lon-nhat-cua-viet-nam.htm#.VHlpSY0cTDc
Có thể bạn quan tâm

Giá cà phê trong nước đang ở mức hơn 43 triệu đồng/tấn, tăng trung bình hơn 100.000 đồng/tấn so với mức giá trung bình của tháng 1 và tháng 2, đã làm cho các nhà nhập khẩu cà phê của Việt Nam giảm lượng mua và chuyển hướng sang nhập khẩu ở những thị trường khác.

Nuôi tôm mang lại lợi nhuận rất cao nhưng rủi ro cũng rất lớn. Mặc dù ngành nông nghiệp đã cố gắng tìm hiểu nguyên nhân để kiểm soát dịch bệnh, nhưng vẫn không thể ngăn chặn được, đặc biệt là bệnh chết sớm (bệnh hoại tử gan tụy) ở tôm.

Ngày 2-4, ông Lê Hoàng Việt, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) cho biết, sau khi Tổ Kiểm tra gồm Chi cục Thú y tỉnh, Phòng NN&PTNT huyện và UBND xã Tân Thành tiến hành thẩm tra thực tế thì tổng diện tích thiệt hại do nghêu chết là 1.153,5 ha.

Thời gian qua, giá heo hơi tại nhiều địa phương ở TP Cần Thơ và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã tuột xuống dưới mức giá thành sản xuất, khiến nhiều hộ chăn nuôi heo bị lỗ vốn nặng. Người nuôi điêu đứng, trong khi giá thức ăn chăn nuôi và nhiều loại chi phí đầu vào phục vụ cho chăn nuôi heo tăng lũy tiến hoặc đứng ở mức cao. Bất cập kéo dài làm không ít hộ nuôi nhỏ phải bỏ chuồng, thu hẹp qui mô vì khó kiếm lời trong tình cảnh giá bán giảm, giá thành sản xuất tăng.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Tuy An (Phú Yên), đến thời điểm này, người dân trong huyện đã kết thúc 2 vụ nuôi tôm của năm 2013; sản lượng đạt 1.609 tấn, giảm hơn 200 tấn so với năm ngoái.