Ông Nguyễn Văn Siếu Thành Công Từ Nuôi Hào

Khi nuôi tôm gặp nhiều rủi ro, ông Nguyễn Văn Siếu (ấp 17, xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình - Bạc Liêu) đã mạnh dạn nuôi thử con hào. Ngoài việc nuôi thủy sản trên 1,5ha, ông Siếu nuôi hào bè trên sông và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Giai đoạn đầu tiên, ông Siếu nuôi thử nghiệm hào ở 20 bè. Qua 1 vụ nuôi (từ 8 - 10 tháng), hào đạt từ 3 - 5 con/kg, 1 bè hào cho năng suất gần 1 tấn. Ông Siếu bán với giá từ 10.000 - 15.000 đồng/kg. Thành công từ những vụ hào, hiện nay, ông Siếu đã phát triển nuôi đến 170 bè hào.
Ông Siếu chia sẻ: “Tôi học hỏi phương pháp nuôi hào qua các phương tiện thông tin đại chúng (như báo, đài) và đến nhiều địa phương (như Ninh Thuận, Bình Thuận, Vũng Tàu…). Tôi thấy, con hào sống chủ yếu dựa vào nguồn sinh vật tảo có sẵn trong nước biển nên không phải tốn chi phí thức ăn. Điều kiện tự nhiên ở đây lại thích hợp cho hào phát triển. Hào sống phụ thuộc vào môi trường tự nhiên, không cần phải sử dụng thuốc hóa học nên sẽ góp phần cung ứng cho thị trường một loài thủy sản sạch”.
Thành công từ nuôi hào, ông Siếu đi tìm đầu ra cho sản phẩm. Đầu tiên, ông đưa con hào tiếp cận thị trường trong tỉnh rồi dần mở rộng ra các tỉnh bạn. Hiện nay, con hào của ông Siếu đã có mặt ở thị trường nhiều tỉnh như: Sóc Trăng, Cà Mau, Bình Thuận… Mỗi ngày, ngoài bán cho thương lái địa phương, ông còn xuất hào ra ngoài tỉnh từ 300 - 1.000kg. Hào của ông Siếu cung ứng thị trường gần như quanh năm.
Hiện, ông đang mở rộng sản xuất thêm 40 bè nuôi. Làm chủ mô hình nuôi hào với tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ đồng, ông Siếu cho biết, trong tương lai, ông sẽ tự sản xuất giống và xây dựng thương hiệu cho con hào Bạc Liêu.
Từ mô hình nuôi hào của ông Siếu cho thấy, việc đa dạng hóa nuôi thủy sản là rất cần thiết. Qua đó, góp phần giúp nông dân phát triển kinh tế, phát huy tiềm năng, thế mạnh nuôi trồng thủy sản của tỉnh.
Có thể bạn quan tâm

Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp (GĐLH) đã giúp nông dân nâng cao chất lượng lúa gạo, tiết kiệm rất nhiều thời gian và chi phí trong khâu thu hoạch. Song, do máy gặt đập liên hợp phun rơm ra đồng ruộng trên diện rộng, khó thu gom sử dụng cho các mục đích sản xuất khác nên nguồn rơm này hầu như bị bà con nông dân bỏ phí hoặc đốt bỏ tại đồng gây ô nhiễm môi trường. Cách làm gây lãng phí này đang được ngành nông nghiệp TP Cần Thơ quan tâm tìm cách giải quyết.

Để chủ động ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu và khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của một huyện vùng ven biển, năm 2012, Đông Hải (Bạc Liêu) đã tập trung phát triển nhiều mô hình sản xuất trong nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là mô hình nuôi tôm quảng canh - quảng canh cải tiến kết hợp. Đồng thời, thực hiện phương châm nuôi trồng đa con gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Từ một hộ trồng thanh long ruột đỏ (TLRĐ), đến nay Hà Nội đã có hàng chục hộ trồng, với diện tích hơn 30ha, thu nhập đạt gần 200 triệu đồng/ha/năm. Cây TLRĐ đã và đang dần khẳng định thế đứng trên đất Thủ đô.

Tỉnh Thái Bình đang tập trung chỉ đạo dập dịch lợn tai xanh tại 2 xã Vũ Hòa (huyện Kiến Xương) và Vũ Vân (huyện Vũ Thư). Hiện tình hình dịch bệnh tai xanh trên địa bàn 2 xã này bước đầu được khống chế, số lợn bị ốm cơ bản đã được chữa trị kịp thời và đang dần hồi phục.

Cá chép Nhật có tên theo tiếng Nhật là Nishiki Koi (có nghĩa là cá chép có màu gấm). Nét độc đáo mà cá chép Nhật thu hút các nghệ nhân và những người thưởng ngoạn cá cảnh là sự đa dạng về màu sắc, hình dạng và kiểu vẩy, vây của cá, nhất là vây đuôi. Cá sống vùng nước ngọt, có thể sống trong môi trường nước có độ mặn 6%o, hàm lượng oxy trong bể nuôi tối thiểu: 2,5 mg/l, độ pH từ 4 - 9, (thích hợp nhất: pH = 7,6), nhiệt độ nước: 20 -> 27OC. Cá chép Nhật rất thích hợp và sinh trưởng tốt với điều kiện nuôi tại Việt Nam.