Ô Nhiễm, Tôm Chết Trắng Ở Đồng Bằng Sông Cửu Long

Vụ tôm sú năm 2011-2012, nông dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bị thiệt hại nặng khi tôm mới thả nuôi đã chết hàng loạt do bị bệnh hoại tử gan tụy.
Vừa thả xuống đã chết
Bà Phạm Thị Muội ở ấp 4 (xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang) thả 220.000 con giống mới được 1 tháng tuổi thì toàn bộ tôm nuôi phát bệnh gan tụy chết sạch, vốn đầu tư gần 90 triệu đồng đã tan theo xác tôm.
Bà Muội cho biết: “Không chỉ gia đình tôi bị thiệt hại mà hầu hết bà con ở ấp 4 đều bị tình trạng tôm chết hàng loạt. Trước khi thả nuôi gia đình tôi đã đem giống ra tận tỉnh Ninh Thuận lấy mẫu đi xét nghiệm, sạch bệnh mới mua về mới thả nuôi nhưng cũng bị thiệt hại. Môi trường ao xử lý kỹ theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp nhưng không hiểu sao tôm vừa thả nuôi đã chết…”.
Những năm trước đây, vùng nuôi tôm công nghiệp xã Mỹ Long Nam luôn thắng lớn với hàng trăm hộ nuôi có lời từ vài trăm triệu đến hơn 1 tỉ đồng/vụ. Thế nhưng, năm nay rất nhiều hộ đã bị mất vốn.
Ông Nguyễn Văn Bền – Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Long Nam cho biết: “Đến nay, toàn xã đã có 771 hộ thả nuôi với diện tích 616 ha. Tuy nhiên đã có 644 hộ với diện tích 524 ha đã bị thiệt hại hoàn toàn. Trung bình 10 hộ thả nuôi thì đã có gần 9 hộ bị thiệt hại”. Ngoài ra, rất nhiều vùng nuôi khác ở các huyện Duyên Hải, Châu Thành cũng xuất hiện tình trạng tôm mới thả nuôi hơn 1 tháng tuổi đã xuất hiện tình trạng chết hàng loạt. Rất nhiều nông dân không dám tiếp tục đầu tư cải tạo ao, thả nuôi vì tôm liên tục chết và lan rộng ra nhiều địa phương khác nhau.
Tại tỉnh Sóc Trăng, vùng nuôi tôm ở huyện Mỹ Xuyên, Trần Đề, Vĩnh Châu… cũng xuất hiện tình trạng tôm chết hàng loạt khiến cho người nuôi thua lỗ nặng. Ông Lê Thanh Mẫn ở xã Khánh Hòa (thị xã Vĩnh Châu) cho biết: “Năm nay tôm bị nhiễm bệnh nhiều hơn và chỉ thả xuống 15 ngày là xuất hiện bệnh, chết hàng loạt. Nhiều hộ không dám cải tạo ao để thả nuôi tiếp vì sợ dịch bệnh”.
Nguồn nước ô nhiễm
Nguyên nhân tôm mới thả nuôi bị thiệt hại ở Trà Vinh đã được Trung tâm kiểm định và Khảo nghiệm thuốc BVTV phía Nam xác định là do môi trường ao nuôi đã bị ô nhiễm, thời tiết diễn biến khá phức tạp nắng nóng kéo dài, cơn mưa trái vụ nên tôm bị bệnh… Đồng thời, do ảnh hưởng của thuốc BVTV và các loại hóa chất cải tạo xử lý ao nuôi…
Trong đó, nguyên nhân đáng quan tâm nhất là dư lượng thuốc BVTV có nồng độ đều vượt giới hạn cho phép đối với tôm sú nuôi và có khả năng gây chết trong vòng 35 ngày. Trong 6 mẫu nước thu ở các tuyến sông đầu nguồn tại các địa phương như Long Vĩnh, Long Toàn (huyện Duyên Hải); Hiệp Mỹ, Thâu Râu ( huyện Cầu Ngang)… qua phân tích đã phát hiện dư lượng thuốc BVTV Cypermethrin với các nồng độ giao động từ: 0,010 – 0,042µg/l; một mẫu nước thu ở ao nuôi có sử dụng EVIRO có thành phần thuốc BVTV Cypermethrin với nồng độ 0,014 µg/l, Permethrin 0,008 µg/l.
Có thể bạn quan tâm

Tình trạng tôm chết xảy ra nhiều nhất trên diện tích nuôi công nghiệp ở các huyện Đầm Dơi, Năm Căn, Ngọc Hiển, Cái Nước, Phú Tân, Trần Văn Thời… với thiệt hại ước tính khoảng 20 tỷ đồng. Xã Lương Thế Trân thuộc huyện Cái Nước là địa phương bị thiệt hại nặng nhất với hơn 30 ha nuôi tôm công nghiệp của 50 hộ dân bị thiệt hại hàng tỷ đồng

Sáng ngày 20/10, Bộ NN&PTNT tổ chức tổng kết 5 năm thực hiện NĐ số 66/2006/NĐ-CP ngày 7/7/2006 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn. Qua 5 năm triển khai, việc phát triển ngành nghề nông thôn ở các địa phương vẫn còn nhiều hạn chế

Chính phủ Nhật Bản vừa thông qua kế hoạch hành động 5 năm và chính sách cơ bản nhằm thúc đẩy lĩnh vực nông-lâm-ngư nghiệp thông qua mô hình canh tác quy mô lớn. Phát biểu tại cuộc họp với các bộ trưởng trong Nội các ở thủ đô Tôkyô ngày 25/10, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda nói: “Chính phủ cần phải dồn toàn bộ sức lực vào việc xây dựng các quan hệ đối tác kinh tế cấp cao phù hợp với việc vực dậy các lĩnh vực nông-lâm-ngư nghiệp”.

Theo các chuyên gia, để phát triển thị trường nông sản, cần nghiên cứu thị trường trước khi thực hiện sản xuất và minh bạch hệ thống phân phối sản phẩm.

Việc sử dụng nhiều phân bón vô cơ và các loại thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất lúa đã và đang gây nguy hại nghiêm trọng đối với môi trường và cả sức khỏe của con người. Trước tình trạng này, ngày càng có nhiều địa phương ở Nam Bộ ứng dụng công nghệ sinh thái trong quản lý rầy nâu và bệnh vàng lùn – lùn xoắn lá hại lúa. Công nghệ thân thiện và hiệu quả này có một cái tên khá dân dã và lãng mạn: đó là mô hình ruộng lúa bờ hoa.