Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Ô Nhiễm Môi Trường Từ Những Ao Nuôi Tôm Trên Cát

Ô Nhiễm Môi Trường Từ Những Ao Nuôi Tôm Trên Cát
Ngày đăng: 05/12/2013

Năm công ty và nhóm hộ nuôi tôm trên cát vừa bị đoàn kiểm tra liên ngành lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước với số tiền gần 1 tỷ đồng. Đó là con số khiêm tốn khi biết hầu hết các công ty và hộ nuôi tôm trên cát chưa có đầy đủ hệ thống xử lý nước thải và đã thải nước tùy tiện.

Nước thải nuôi tôm chưa qua xử lý gây ô nhiễm

Chúng tôi đến xã Điền Hòa (Phong Điền - Thừa Thiên Huế) vào ngày trung tuần tháng 11, người dân ở đây phản ánh về việc nuôi tôm của Công ty TNHH Thiên An Phú, nhóm hộ Văn Công Phục và nhiều hộ nuôi tôm khác thải nước nuôi tôm chưa qua xử lý gây ô nhiễm nước ngầm và nước biển. Việc nuôi tôm trên cát ở đây được đầu tư khá lâu nhưng đến nay vẫn chưa xây dựng hệ thống cống bằng xi măng để xử lý nước thải mà nước thải được thải thẳng ra mặt đất. Một người dân phản ánh: “Mỗi lần thu hoạch tôm hoặc vệ sinh hồ nuôi, nước thải chảy mạnh, bốc mùi hôi thối khó chịu.

Nước thải chưa qua xử lý mà thải trực tiếp ra ngoài không những làm ô nhiễm môi trường xung quanh, mà còn làm ô nhiễm nguồn nước ngầm và nước biển”. Ông Nguyễn Minh Đức, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản cho biết: “Đến nay trên địa bàn tỉnh có 360 ha nuôi tôm trên cát; trong đó, huyện Phong Điền có 270 ha, Phú Vang 40 ha, Phú Lộc 15 ha và Quảng Điền 5 ha. Hầu như các diện tích nuôi tôm đều không có ao lắng để xử lý nước thải và không có kênh để thải nước thải ra biển. Các công ty và hộ nuôi tôm chủ động cho lượng nước thải chảy ra trực tiếp qua các khe tự nhiên hoặc trên mặt đất, ngấm vào lòng đất, sau đó ra biển”.

Tính toán sơ bộ, cứ 1 ha nuôi tôm thải ra gần 8 tấn chất thải rắn, như vỏ tôm khi tôm lột vỏ, thức ăn dư thừa cùng với hàng chục nghìn m3 nước thải khác. Việc này gây ô nhiễm và mặn hóa nguồn nước ngầm, khiến dịch bệnh lây lan. Dù nuôi tôm trên cát mới phát triển mạnh mấy năm gần đây, các tác động môi trường có thể chưa thực sự đáng kể, nhưng nguy cơ là điều rất đáng được cảnh báo. Nếu công tác quy hoạch, quản lý nuôi tôm trên cát không tốt, không những sẽ nảy sinh những vấn đề nghiêm trọng về môi trường mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả nuôi trồng và sau đó là đe dọa sức khỏe cộng đồng và các hoạt động kinh tế khác.

Cần có giải pháp khắc phục triệt để

Ông Nguyễn Minh Đức, cho biết: “Để nuôi tôm trên cát phát triển bền vững, trước hết các công ty và hộ nuôi cần nâng cao ý thức trong việc bảo vệ môi trường, chấp hành tốt khâu xử lý nước thải. Với quan điểm lấy nước đầu vào ở đâu thì nước thải phải thải ra ở đó. Làm được như vậy, các công ty và hộ nuôi cần phải có ao xử lý nước thải đa cấp, tức là nước thải từ ao nuôi cho ra ao xử lý nước thải thứ nhất, khoảng vài ngày sau đó cho ra ao lắng tiếp theo, lúc đó mới cho ra biển. Đối với các hộ nuôi tôm không có diện tích để đầu tư ao lắng thì 4 đến 5 hộ cần phải hy sinh một ao nuôi để làm ao xử lý nước thải chung. Có như vậy, may ra nuôi tôm trên cát mới phát triển lâu dài và bền vững”.

Công ty cổ phần Chăn nuôi CP đã ứng dụng ao xử lý nước thải đa cấp, sau khi xử lý nước thải xong lấy lại nguồn nước đó vào sử dụng cho nuôi trồng. Công ty còn thả nuôi cá rô phi trong lồng ở trong ao nuôi tôm hoặc nuôi cá rô phi ở ao xử lý nước thải cấp 2. Tương tự, Công ty cổ phần Trường Sơn xác định việc bảo vệ môi trường là điều kiện cốt yếu nhất mang lại hiệu quả trong nuôi trồng. Thời gian qua, công ty sử dụng các chế phẩm sinh học trong nuôi trồng thủy sản và đã hạn chế được nguy cơ ô nhiễm môi trường vùng nuôi.

Dù nuôi tôm bất kỳ ở đâu, chất thải là vấn đề cần quan tâm hàng đầu. Các mô hình nuôi tôm trên cát hiện nay xả nước thải còn tùy tiện, đa số được thải trực tiếp ra biển, ảnh hưởng quá trình sinh trưởng và phát triển của nguồn lợi hải sản tự nhiên. Nếu nước thải không được xử lý hoặc xử lý không tốt và triệt để trước khi thải ra biển, chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng nước tại khu vực này và hậu quả tất yếu là sẽ làm ảnh hưởng đến kết quả nuôi trồng của những năm tiếp theo.

Để nuôi tôm trên cát phát triển bền vững và thật sự mang lại hiệu quả kinh tế cao, ngay từ bây giờ, các công ty và hộ nuôi cần có sự liên kết trên mọi mặt, nhất là việc đầu tư xây dựng khu xử lý nước thải. Trước mắt, chỉ có một số công ty tham gia nuôi với diện tích ít, thời gian tới diện tích nuôi tôm được mở rộng, nếu các hệ thống cấp, thoát nước, xử lý nước thải không đảm bảo thì nuôi tôm trên cát sẽ gặp không ít khó khăn.

Do xây lắp không đúng công trình xử lý môi trường (hệ thống xử lý nước thải), cuối năm 2012, UBND tỉnh có quyết định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước đối với các công ty, nhóm hộ nuôi tôm ở huyện Phong Điền với số tiền gần 1 tỷ đồng; trong đó, Công ty cổ phần Trường Sơn 323.770.000 đồng; Công ty TNHH Thiên An Phú 154.885.000 đồng; Nhóm hộ Văn Công Phục 152.885.000 đồng; nhóm hộ Trần Văn Thành 193.000.000 đồng và nhóm hộ Mai Xuân Lộng 166.885.000 đồng.


Có thể bạn quan tâm

Doanh Nghiệp Hỗ Trợ Tiêu Thụ 700 Tấn Đặc Sản Cam Sành Hàm Yên Doanh Nghiệp Hỗ Trợ Tiêu Thụ 700 Tấn Đặc Sản Cam Sành Hàm Yên

Những năm qua, Hệ thống siêu thị Big C đã tích cực hỗ trợ người trồng cam Hàm Yên với nhiều chương trình bán hàng tăng cường, giúp người trồng cam gia tăng tiêu thụ sản phẩm qua kênh siêu thị. Cụ thể, năm 2013, Hệ thống siêu thị Big C đã tiêu thụ được 350 tấn cam trên các siêu thị thuộc khu vực miền Bắc và Trung.

14/11/2014
Để Sản Xuất Thanh Long Chất Lượng Và Bền Vững Để Sản Xuất Thanh Long Chất Lượng Và Bền Vững

Phát triển cây thanh long của tỉnh trong thời gian qua đã có những bước phát triển khá toàn diện, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân vùng nông thôn các huyện trồng thanh long, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

14/11/2014
Hiệu Quả Kinh Tế Từ Mô Hình Xen Canh Lúa Và Sen Hiệu Quả Kinh Tế Từ Mô Hình Xen Canh Lúa Và Sen

Theo ông Lư Hồ Bi (thôn Bình Thắng, xã Phan Hòa) nhẩm tính: “ Gia đình tôi trồng trên hai sào đất (2.000m2) thu hoạch được khoảng 14 - 15 triệu đồng (giá bình quân 10.000đ – 12.000đ/kg), sau khi trừ chi phí lợi nhuận còn lại khoảng 9 triệu – 10 triệu đồng, so với lúa cao gấp 2 lần. Có thời điểm giá 1 kg gương sen lên 20.000 đồng/kg thì lợi nhuận sẽ cao hơn”.

15/11/2014
Dòng Họ Góp Vốn, Đóng Tàu Đánh Bắt Xa Bờ Dòng Họ Góp Vốn, Đóng Tàu Đánh Bắt Xa Bờ

Năm 1989, 10 anh em của anh Tài góp vốn đóng tàu 200 CV. Sau 4 năm khai thác hiệu quả ở ngư trường Trường Sa, các anh lại góp vốn đóng thêm chiếc tàu 400CV. Hiện tàu này cũng đang hoạt động ở Trường Sa. Trong năm nay, khi biết Nhà nước có chủ trương cho vay đóng tàu trên 400CV, các anh bàn nhau lập dự án vay đóng tàu 700CV.

15/11/2014
Ngư Dân Vay Gần 17 Tỷ Đồng Để Đánh Bắt Xa Bờ Ngư Dân Vay Gần 17 Tỷ Đồng Để Đánh Bắt Xa Bờ

Đến giữa tháng 11/2014, tổng dư nợ của Agribank Phan Thiết đạt gần 647 tỷ đồng. Trong đó có 16,623 tỷ đồng được 81 khách hàng vay để đánh bắt xa bờ, làm dịch vụ nghề cá…; 13,873 tỷ đồng được 79 khách hàng vay để đóng tàu từ 170 - 400cv, 1 tàu chuyên đánh bắt xa bờ 420cv và 1 tàu hậu cần nghề cá công suất 650cv.

15/11/2014