Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Ồ ạt vào rừng hái quả mây bán sang Trung Quốc

Ồ ạt vào rừng hái quả mây bán sang Trung Quốc
Ngày đăng: 23/09/2015

Trong 4 tháng trở lại đây, khi mùa quả mây chín rộ thì hàng trăm người dân ở các xã Hương Lộc, Hương Sơn, huyện Nam Đông (Thừa Thiên - Huế) đua nhau vào rừng hái về bán cho các thương lái ở địa phương.

Tại nhà bà Tùng, một thương lái thu gom quả mây ở thôn 2, xã Hương Lộc, cứ mỗi buổi chiều có khá đông người dân đến bán quả mây. Có người chỉ xách đến bán 2-3 kg nhưng cũng có người mang tới bán vài chục kg.

Đó là thành quả của một ngày vào rừng tìm kiếm quả mây của những người dân ở huyện Nam Đông bất chấp mưa lớn và các khe suối đầy nước.

Thương lái Nam Đông thường mua quả mây vừa hái từ rừng để bán sang Trung Quốc

Bà Nguyễn Thị H. (trú ở thôn 3, xã Hương Lộc) sau khi bán 25 kg quả mây vừa mới hái từ rừng được trên 2,2 triệu đồng, vui mừng cho biết: “Hôm nay chồng tôi vào rừng gặp chỗ chưa có ai hái nên trúng quả chứ những ngày trước chỉ vài kg là nhiều”.

Ông Hoàng Vinh, một người dân ở thôn 2 xã Hương Lộc thường xuyên vào rừng hái quả mây, cho biết muốn hái được loại quả này thì vào những khu rừng rất sâu, băng qua nhiều con suối, ngọn đồi và nằm ở khu vườn Quốc gia Bạch Mã, huyện Nam Đông.

“Chúng tôi thường đến khu rừng gọi là Khe Trường, phải đi hơn 5 giờ đồng hồ mới tới nơi. Lúc trước chưa có ai thu hái nên quả mây khá nhiều, còn giờ thì ít hơn hẳn”- ông Vinh nói.

Hạt mây khá chắc nên được thương lái thu mua bán sang Trung Quốc để làm đồ trang sức

Quả mây có hình dạng và kích thước giống như quả nhãn, hạt khá cứng, mọc từng chùm trên những bụi mây rất cao, có nhiều gai. Để hái được chúng người dân xã này thường dùng liềm có nối cán dài.

Theo người dân địa phương, hiện nay có khoảng gần 200 người dân thường vào rừng mỗi ngày để hái quả mây mang về bán, trong đó chủ yếu ở xã Hương Lộc. Cả huyện có khoảng 3 thương lái đứng ra thu gom quả mây cho người dân, trong đó bà Tùng là thương lái thuộc dạng lớn nhất nhì huyện.

Bà Tùng cho biết mùa quả mây chín rộ từ tháng 5 đến tháng 10 hằng năm. Từ mùa vụ năm 2014 đến nay bà Tùng đã bắt mối với những lái buôn ở Hà Nội, Lạng Sơn để thu mua quả mây ở huyện Nam Đông.

Theo thương lái này thì mỗi ngày bà thu mua từ 150 - 300 kg quả mây vừa hái ra từ rừng, cứ 2-3 ngày bà lại đóng gói gửi xe ra Nghệ An bán cho một thương lái người Hà Nội.

“Mỗi lần tôi gửi hàng từ 300 - 400 kg. Ông chủ thu mua của đại lý tôi là người Hà Nội, có lò sơ chế quả mây ở Nghệ An. Những quả mây sẽ được máy bóc vỏ, đánh bóng rồi sau đó bán sang Trung Quốc để làm đồ trang sức. Hạt mây rất chắc nên làm chuỗi đeo rất đẹp, tôi từng thấy người ta đeo rồi” - bà Tùng nói.

Bà Tùng cho biết lúc đầu mùa vụ 2015 thương lái từ Bắc vào đây thu mua khá rầm rộ, ngay cả những quả mây non cũng thu mua nên giá khá cao, có khi lên tới 130.000 đồng/kg. Vì vậy có thời điểm những thương lái ở Nam Đông phải vào tới tận cửa rừng chờ chực người dân đi hái về để mua.

“Thời gian đó tôi thu mua rất nhiều nhưng đột nhiên các thương lái nhập hàng cho Trung Quốc ngừng mua quả mây non nên có ngày tôi lỗ vài triệu đồng. Mặt hàng này mua vào bán ra tôi cũng kiếm được chút đỉnh nhưng liên quan đến Trung Quốc nên mình phải dè chừng, không dám mua ồ ạt vì sợ bị hớ” - bà Tùng thổ lộ.

Cứ vào mỗi buổi chiều người dân xã Hương Lộc lại chở từng bao hạt mây đến bán cho thương lái trong vùng

Ông Nguyễn Viết Trai, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Nam Đông, khẳng định quả mây thuộc loại lâm sản phụ, việc khai thác của người dân không gây phá rừng nên không vi phạm các quy định bảo vệ rừng. Tuy nhiên, ông Trai khuyến cáo người dân cũng như các thương lái ở Nam Đông nên cẩn trọng khi buôn bán hàng có liên quan đến người Trung Quốc.

“Trước đây ở Nam Đông cũng từng xuất hiện tình trạng mua bán cây mây và hạt sầu đâu rừng (hạt xoan) để bán cho Trung Quốc, nhiều người cũng trả giá do đối tác ngưng thu mua đột ngột dẫn đến thua lỗ”- ông Trai nói.

Trong khi đó, ông Võ Hữu Tuấn, Trưởng phòng Công thương huyện Nam Đông, thừa nhận chưa nắm thông tin về việc thương lái thu mua quả mây để bán sang Trung Quốc diễn ra trên địa bàn huyện. “Chúng tôi đang kiểm tra để có báo cáo gửi Sở Công thương về việc này. Đồng thời có những khuyến cáo với người dân” - ông Tuấn nói.


Có thể bạn quan tâm

Săn Mật Ong Rừng Trúng Lớn Săn Mật Ong Rừng Trúng Lớn

Vào thời điểm này, thời tiết thuận lợi, cây cối phát triển ra hoa nhiều nên chất lượng mật ong tốt nhất so với các thời điểm khác trong năm.

14/03/2014
Kế Hoạch Hành Động Tái Cơ Cấu Ngành Thủy Sản Kế Hoạch Hành Động Tái Cơ Cấu Ngành Thủy Sản

Ngày 12/3/2014, tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT phối hợp với Tổ chức nông lương Liên hợp quốc (FAO) tổ chức hội thảo tham vấn về dự thảo kế hoạch hành động tái cơ cấu ngành thủy sản. Tham dự Hội thảo có đông đảo các đại biểu đến từ các cơ quan thuộc Bộ NN&PTNT, Tổng cục Thủy sản. Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT và ông Jong-ha Bae, Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam tới dự và chỉ đạo hội thảo.

14/03/2014
Khẩn Trương Chống Rét Cho Mạ Và Lúa Xuân Khẩn Trương Chống Rét Cho Mạ Và Lúa Xuân

Thời tiết đột ngột rét đậm, rét hại kéo dài trong mấy ngày qua đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới diện tích mạ và lúa xuân mới cấy tại các tỉnh phía Bắc. Trước diễn biến này, Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) khuyến cáo bà con nông dân làm tốt công tác phòng chống rét cho cây trồng, không chủ quan với thời tiết.

18/02/2014
Nuôi Tôm Ở Cù Lao Dung- Bao Nhiêu Điện Cho Đủ Nuôi Tôm Ở Cù Lao Dung- Bao Nhiêu Điện Cho Đủ

Từ khi có sự chuyển đổi ồ ạt từ trồng mía sang nuôi tôm ở Cù Lao Dung thì nhu cầu sử dụng điện cũng tăng lên gấp 5 - 6 lần; vì ngoài yếu tố thời gian nuôi tôm thẻ chân trắng ngắn ngày, quay vòng vụ nuôi nhanh, mật độ thả nuôi cũng dày hơn tôm sú, nên nhu cầu sử dụng điện để chạy các hệ thống quạt sục bọt khí, tạo ô-xi cho tôm càng nhiều hơn.

14/03/2014
Hợp Tác Xã Bưởi Năm Roi Mỹ Hòa Thu Mua 600 - 800 Tấn Bưởi GlobalGAP Hợp Tác Xã Bưởi Năm Roi Mỹ Hòa Thu Mua 600 - 800 Tấn Bưởi GlobalGAP

Trong năm 2014, Hợp tác xã (HTX) Sản xuất và tiêu thụ Bưởi Năm Roi Mỹ Hòa (Bình Minh - Vĩnh Long) cho biết đặt chỉ tiêu thu mua từ 600- 800 tấn bưởi GlobalGap, mà HTX đã ký hợp đồng bao tiêu với thành viên.

18/02/2014