Nuôi Tôm Theo Kiểu Phong Trào

Nuôi tôm theo kiểu phong trào ở xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi như hiện nay là không bền vững...
Sau thời gian lao đao, gần đây do giá tôm thẻ chân trắng tăng nên nhiều hộ dân ở vùng ven biển Quảng Ngãi đổ xô nuôi tôm. Đáng chú ý là người dân nuôi tôm theo kiểu phong trào, bất chấp khuyến cáo của ngành nông nghiệp về lịch thời vụ, môi trường ao nuôi, nguy cơ dẫn đến thất bát là điều khó tránh khỏi.
Vài năm trở lại đây, khi con tôm thẻ chân trắng có giá trở lại thì dòng sông Kinh Giang, đoạn qua thôn Cổ Lũy, xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh bị “xẻ thịt” từng ô bàn cờ để nuôi tôm. Có người còn bất chấp khuyến cáo của ngành nông nghiệp, thả tôm giống ồ ạt, trái với lịch thời vụ. Việc làm này đã dẫn đến những hệ quả do thiên tai gây ra. Trong trận lũ lịch sử vào trung tuần tháng 11 năm ngoái, hàng chục hồ nuôi tôm ở đây bị nước lũ tràn vào, cuốn trôi toàn bộ tôm nuôi.
Ông Lê Bền, ở thôn Cổ Lũy, xã Tịnh khê, huyện Sơn Tịnh cho biết: “Bà con nghĩ tháng 9, tháng 10 hiền nên xuống giống hết. Mới xuống mươi bữa, nửa tháng, bà con thiệt thại đôi trăm triệu. Bây giờ bà con trắng tay hết”.
Sau lũ dữ, người nuôi tôm ở xã Tịnh Khê vội vàng sửa chữa lại hồ nuôi tôm. Nghề nuôi tôm thẻ chân trắng ở đây lại “sốt” lên. Người có điều kiện kinh tế không chỉ đầu tư nuôi trên diện tích ao nuôi của mình mà còn thuê hồ khác để thả tôm. Có những gia đình bỏ đi biển tập trung nuôi tôm thẻ chân trắng. Nhiều hộ còn vay “nóng” để nuôi tôm.
Chị Nguyễn Thị Lê Dung ở thôn Cổ Lũy, xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh cho biết: “Trước kia, làm nghề biển lỗ, thấy hồ dơ quá, tôi bỏ luôn. Tôi chưa nuôi nhưng đầu tư gần 200 triệu đồng rồi. Nếu bỏ giống là cả 300 triệu đồng nữa. Tại thấy bà con làm hết, mình phải làm, không có vốn thì phải vay”.
Một số người nuôi tôm thẻ chân trắng ở thôn Cổ Lũy, xã Tịnh Khê cho biết, sở dĩ bà con ở đây “mê” nuôi tôm thẻ chân trắng là do mấy năm nay tôm sú bị dịch bệnh hoành hành làm chết hàng loạt, trong khi tôm thẻ chân trắng thắng lớn về năng suất lẫn giá cả. Mặt khác, thời gian gần đây nhiều nước trên thế giới rất chuộng tiêu thụ tôm thẻ, vì thế mà kim ngạch xuất khẩu tôm thẻ của nước ta tăng mạnh và người nuôi thu lãi nhiều nhờ bán được giá cao.
Tuy nhiên, nhiều người nuôi tôm vẫn chủ quan về bài học “được mùa mất giá” có thể xảy ra khi phong trào nuôi tôm ồ ạt như hiện nay. Ông Võ Văn Tàu, một người nuôi tôm ở thôn Cổ Lũy, xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh cho biết: “Nếu giá khoảng 80.000 đồng/kg thì người nuôi tôm có lãi, nếu 70.000 đồng/kg thì bà con lỗ chắc”.
Việc bùng nổ tôm thẻ đang bộc lộ nhiều bất cập. Diện tích tôm thẻ phát triển quá nhanh sẽ phá vỡ qui hoạch, vượt khả năng kiểm soát của ngành chức năng và chính quyền địa phương. Đây là điều mà ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương lo lắng khi diện tích tôm thẻ chân trắng dự báo tăng đột biến trong năm nay.
Ông Trương Thanh Thảo, Chủ tịch UBND xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh cho biết: “Việc phát triển nuôi tôm như thế này không mang tính bền vững, chỉ phục vụ cho lợi ích của một nhóm người, một sô hộ. Trước tình hình phát triển nóng như thế này, nằm ngoài khả năng kiểm soát của chính quyền địa phương”.
Không thể phủ nhận hiệu quả kinh tế từ việc nuôi tôm thẻ chân trắng nhưng nuôi theo kiểu phong trào ở xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh như hiện nay là không bền vững.
Có thể bạn quan tâm

Mùa này, có đi đến làng rau các quận, huyện thành phố Hồ Chí Minh vào những ngày cận Tết mới thấy cảm giác thật dễ chịu trước màu xanh tươi non, mướt mát của những luống rau. Mùa rau Tết cũng là lúc người trồng rau nghĩ đến chuyện tích lũy sau một năm lao động miệt mài…

Trong khi người nuôi lợn, nuôi gà, nuôi vịt đang lúng túng, người bỏ chuồng không, người nuôi cầm chừng chưa muốn tái đàn do dịch bệnh, giá giống và thức ăn chăn nuôi tăng cao thì con chim cút trở thành vật nuôi thay thế ưu việt.

Tỉnh Sóc Trăng đang bước vào chính vụ nuôi tôm, Công ty Điện lực tỉnh này đang đối mặt với tình trạng quá tải cung cấp điện do diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn tỉnh phát triển quá nhanh.

Trong những năm qua, tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân ổn định và phát triển sản xuất, kinh tế - xã hội khu vực nông thôn đã có những chuyển biến, đời sống nông dân được nâng lên, diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới.

Cùng với dịch bệnh lây lan liên tỉnh trên các ao hồ nuôi tôm, người nuôi trồng thủy sản tại miền Trung như ngồi trên đống lửa khi ngành chức năng chưa tìm ra nguyên nhân cá nuôi chắn sáo ở phá Tam Giang đồng loạt… nổi bụng chết sình.