Nuôi Tôm Hùm Ở Vũng Rô Thu Lãi Cao

Chưa bao giờ người nuôi tôm hùm tại thôn Vũng Rô, xã Hoà Xuân Nam huyện Đông Hoà (Phú Yên) phấn khởi như năm nay. Hiện nay tôm hùm loại 1 (1kg/con trở lên) tư thương thu mua tại chỗ với giá 1 triệu 650 ngàn đến 1 triệu 680 ngàn đồng, tăng hơn năm trước 300-330 ngàn đồng/kg. Đây là giá cao nhất từ trước đến nay.
Ông Đặng Văn Ngời, chủ tịch Hội nông dân xã Hoà Xuân Nam cho biết, ở đây tôm hùm nuôi bằng bè, thả tập trung ở Đầm Vũng Rô kéo dài từ Bãi Ngà đến Bãi Lau. Mặt nước đầm có núi che kín gió, độ sâu trung bình trên 10m, rất thuận lợi cho việc nuôi tôm hùm, cá mú, cá hồng có giá trị kinh tế cao. Riêng tôm hùm năm nay được mùa, được giá, nhiều hộ nuôi có lãi hàng tỷ đồng. Riêng thôn Vũng Rô có 295 hộ, đã có 250 hộ nuôi tôm hùm, trung bình mỗi người có một bè nuôi tôm 500 m2.
“Người ít thả nuôi vài trăm con, người nhiều vài nghìn con, hai năm nay tôm hùm ít dịch bệnh, lại được giá nên bà con có lãi cao, vui lắm ”. Ông Ngời cho biết thêm, riêng gia đình ông năm trước thả nuôi 1.000 con tôm hùm, trừ chi phí đầu tư, hao hụt con giống, thu hoạch xong lãi 600 triệu đồng. Năm nay ông thả tiếp 5.000 con, đến nay đã xuất bán 400 con, thu hơn 670 triệu đồng. Dự kiến hết vụ thu hoạch ông Ngời xuất bán 600 con tôm thịt loại 1, sẽ có lãi trên 700 triệu đồng. Số tôm còn lại chưa đạt chuẩn sẽ nuôi tiếp đến năm sau.
Do khan hiếm tôm giống các năm trước, tôm hùm đạt tiêu chuẩn xuất bán chưa nhiều, nên sản lượng thu hoạch tại Vũng Rô mỗi ngày từ 500kg đến dưới một tấn. Tuy vậy vẫn có nhiều hộ nuôi tôm có lãi từ 700 triệu đến 1 tỷ đồng như ông Nguyễn Cụt, Lê Đức Tiến, Đỗ Năm, Nguyễn Hiền... Lợi nhuận cao, nhiều người đang tiếp tục đầu tư, mở rộng lồng bè nuôi tôm hùm.
Lo lắng nhất của người nuôi tôm hùm tại Vũng Rô là hiện nay có rất nhiều lồng bè từ Sông Cầu, Tuy An, bị ảnh hưởng dịch bệnh đã dời đến đây thả nuôi; nhiều người từ các nơi cũng đầu tư làm lồng, bè nuôi tôm theo kiểu tự phát, không có sự quản lý của chính quyền địa phương, ngành chức năng. Do đó mật độ nuôi ngày càng dày, mặt nước đầm đang bị ô nhiễm, những năm trước đã từng xảy ra dịch bệnh trên con tôm hùm, làm thiệt hại kinh tế người nuôi.
Nếu tỉnh Phú Yên và huyện Đông Hòa không sớm có những biện pháp hữu hiệu, thì một thời gian không xa Đầm Vũng Rô sẽ bị ô nhiễm nặng, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và đời sống kinh tế người dân trong vùng
Có thể bạn quan tâm

Đến thị trấn Yên Minh, huyện Yên Minh được nghe mọi người nhắc nhiều tới người phụ nữ đã mạnh dạn thay đổi tư duy trong sản xuất, biết chuyển đổi cơ cấu cây trồng kết hợp với chăn nuôi cho thu nhập cao. Đó là chị Nguyễn Thị Chiên ở thôn Nà Tèn.

Thân cây vải thiều nhưng lại cho quả nhãn, điều kỳ diệu này đã xảy ra tại vườn cây ăn quả của gia đình nhà ông Lê Thế Hơn thôn Hiệp Tân xã Hồng Giang huyện Lục Ngạn tỉnh Bắc Giang.

Đầu năm mới, nhà vườn trồng thanh long ruột đỏ ấp Đại Đức, xã Đức Mỹ, huyện Càng Long (Trà Vinh) phấn khởi vì lần đầu tiên sản phẩm cây ăn trái địa phương được xuất khẩu sang tận Mỹ.

Tại Hội nghị về sản xuất, tiêu thụ lúa và thủy sản vùng ĐBSCL tổ chức ngày 27/2, theo phản ánh từ các địa phương, khó khăn về thị trường, chính sách tín dụng là những thách thức đối với ngành hàng thủy sản.

Thực hiện đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, vật nuôi tại địa phương, những năm qua, nông dân xã điểm xây dựng nông thôn mới Định Hòa (huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang) thực hiện mô hình trồng khoai lang luân canh lúa. Mô hình giúp tăng giá trị trên cùng đơn vị diện tích canh tác, lợi nhuận cao gấp 2 lần trồng lúa, giúp nhân dân ổn định cuộc sống.