Nuôi tôm công nghệ cao thắng lớn

Thắng lớn
Chúng tôi tìm đến xã Vạn Thọ (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa), nơi có những hộ nông dân nuôi tôm trên cát đang cho thu lãi tiền tỷ mỗi năm.
Giữa tiết trời nóng bức, những chiếc máy sục khí vẫn vận hành đều đặn.
Anh Nguyễn Văn Việt, chủ hộ nuôi tôm ở thôn Tuần Lễ, xã Vạn Thọ cho biết, gia đình anh có 2 ao nuôi tôm rộng hơn 5.000m².
Đầu năm nay, anh thả giống ở cả 2 ao với khoảng 2 triệu con giống.
Lúc đó thời tiết còn dịu mát nên tôm phát triển tốt, sau 2,5 tháng nuôi đã thu hoạch hơn 30 tấn tôm; trừ hết chi phí, anh lãi ròng hơn 1 tỷ đồng.
Bước sang vụ thứ 2, do thời tiết vào mùa nóng nên anh chỉ thả bằng 1/4 lượng giống vụ đầu năm.
Nhờ mật độ thả giống thưa, dù nắng nóng gay gắt nhưng con tôm vẫn phát triển và đem về cho anh 200 triệu đồng lãi.
Những ngày chúng tôi đến thôn Tuần Lễ, vụ tôm thứ 3 của anh Việt đã xuống giống gần một tháng nay.
Anh Việt cho biết, vụ này thời tiết mát hơn vụ 2 nhưng vẫn cẩn thận đề phòng thời tiết diễn biến thất thường, đặc biệt khi mưa xuống, độ mặn và không khí ao nuôi dễ bị tác động.
Cách ao nuôi tôm của anh Việt không xa là ao của gia đình ông Trần Văn Gần, người cùng thôn cũng vừa thu hoạch lứa tôm vụ 2 thắng lợi.
Ông Gần cho biết: “Vụ vừa rồi gia đình thả nuôi 62 vạn giống trên diện tích 3.200m², sau 73 ngày nuôi thu hoạch được 11 tấn.
Do tôm đạt cỡ 55 con/kg nên bán nhanh và được giá cao, lời được 600 triệu đồng.
Đây được xem là vụ thắng lợi nhất từ trước đến nay nên gia đình rất phấn khởi và tự tin đầu tư cho vụ tiếp theo”.
Áp dụng công nghệ hiện đại
Lý do để nghề nuôi tôm trên cát tại xã Vạn Thọ thành công, là nhờ người dân nắm vững được quy trình nuôi một cách khoa học, cũng như áp dụng phương thức nuôi hiện đại.
Ông Trần Văn Khánh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vạn Thọ cho biết: “Toàn xã hiện có hơn 45ha nuôi tôm trải bạt.
Do chú trọng đầu tư thâm canh nên những năm qua, các vụ nuôi tôm đều có lãi.
Đặc biệt, từ năm 2012 đến nay, người nuôi trúng đậm, nhiều hộ thu nhập tiền tỷ mỗi năm.
Như hộ ông Lê Quang Toàn có 20 hồ nuôi tôm, vừa rồi mới xuất bán từ 8 hồ nhưng tiền lãi thu về đã hơn 4 tỷ đồng.
Còn những hộ nuôi ít hơn, bình quân cũng lãi 500 triệu - 1,2 tỷ đồng/vụ nuôi”.
Theo người dân Vạn Thọ cho biết, nếu như trước đây người nuôi trực tiếp bơm nước mặn từ biển vào ao nuôi, thì nay các hộ đều khoan thêm giếng trên bờ để khai thác cả nguồn nước mặn và ngọt.
Để có nguồn nước nuôi chính thức, trước tiên họ bơm nước mặn vào các bể chứa, sau đó xử lý kỹ để sạch mầm bệnh, rồi mới bơm nước này vào ao nuôi.
Quy trình được lặp đi lặp lại suốt cả vụ nuôi nên nguồn nước khi nào cũng sạch mầm bệnh.
Sau khi hoàn thành công đoạn nước, hệ thống các ao đều phải trải bạt, có xi phông đáy ao và đầy đủ máy móc cần thiết, kể cả máy sục khí theo công nghệ Mỹ.
Ưu điểm của công nghệ này là tạo oxy rất tốt, xáo trộn các tầng nước và đồng nhất chất lượng nước.
Việc đầu tư nuôi tôm công nghệ cao rất tốn kém, trung bình với ao nuôi có diện tích 4.000m², người nuôi phải bỏ 600 - 800 triệu đồng, tuy nhiên đổi lại là ít gặp rủi ro và đạt năng suất rất cao.
Có thể bạn quan tâm

Trong khi tình trạng khoai tây Trung Quốc được nhập về Đà Lạt và trộn thêm đất đỏ để “đội lốt” khoai tây Đà Lạt ngày càng tràn lan thì mới đây, Lâm Đồng đã xác định động cơ của hành vi trộn đất đỏ Đà Lạt vào khoai tây Trung Quốc trước khi đưa đi tiêu thụ là hành vi “gian lận thương mại” và yêu cầu điều tra để làm rõ.

Chiều 5/9/2015, Ngân hàng No&PTNT Hà Tĩnh, Hội Nông dân tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cùng tổ chức tổng kết 5 năm triển khai thực hiện các văn bản thỏa thuận liên ngành; triển khai Nghị định 55/2015/NĐ- CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp - nông thôn. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn tới dự.

Sau 5 năm thực hiện chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng Nông thôn mới, tỉnh Sơn La đã đạt được nhiều kết quả trên lĩnh vực tam nông cũng như rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm quý về xây dựng nông thôn mới (XDNTM) ở miền núi.

Từng phải bươn chải, lăn lộn và “cõng” từng lít nước mắm đi bán dạo, thậm chí gõ cửa nhà dân để chào hàng, anh Hoàng Thăng Vích (45 tuổi, ở khu phố Bắc Kỳ, phường Trung Sơn, thị xã Sầm Sơn, Thanh Hóa) giờ đây đã có được thương hiệu nước mắm Phương Vích nổi tiếng.

Gạo, cà phê, cao su tiếp tục giảm cả lượng và giá trị xuất khẩu, duy nhất mặt hàng điều giữ tăng trưởng trong 8 tháng.