Nuôi Sò Huyết - Làm Chơi, Ăn Thiệt Ở Hòa Bình (Bạc Liêu)

Hàng loạt hộ dân vùng ven biển huyện Hòa Bình (Bạc Liêu) tận dụng lòng kênh xáng nội đồng để nuôi sò huyết. Cách làm mới lạ này đã giúp nhiều hộ kiếm hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng sau mỗi vụ nuôi…
Đi đầu trong phong trào nuôi sò huyết dưới kênh xáng nội đồng ở Hòa Bình là bà con nông dân ven biển xã Vĩnh Hậu A. Theo ông Trần Minh Trung, Phó Chủ tịch UBND xã, nông dân xã Vĩnh Hậu A manh nha nuôi sò huyết trong vuông tôm sú quảng canh hơn chục năm qua nhưng kiểu nuôi ngoài kênh xáng chỉ phát triển trong nhưng năm gần đây khi diện tích nuôi quảng canh bị thu hẹp, nhường chỗ cho mô hình nuôi tôm công nghiệp. Ông Trung cho biết: "Nhiều hộ tận dụng mặt nước bãi bồi ngoài kênh xáng nuôi sò huyết tạo thêm nguồn thu, tái sản xuất cho con tôm".
Từ vài hộ nuôi nhỏ lẻ ban đầu, đến nay, Vĩnh Hậu A có 24 hộ nuôi sò huyết dưới kênh nội đồng với tổng chiều dài hơn 11 km, tập trung nhiều nhất ở tuyến kênh xáng dọc ấp 12. Hộ anh Nguyễn Văn Dũng (ấp 12), nối tiếp thành công ở những vụ nuôi trước, vụ sò huyết năm 2012, anh Dũng đầu tư gần 300 triệu đồng thả sò huyết giống dưới kênh xáng với tổng chiều dài 850m. Sau hơn 3 tháng nuôi, gia đình anh Dũng vừa thu hoạch "sò lở" để bán sò huyết giống cho bà con trong vùng. Anh Dũng cho biết: "Chưa tính số sò huyết chừa lại để nuôi thương phẩm, chỉ tính riêng tiền bán giống anh đã gỡ được vốn, còn lời gần 200 triệu đồng".
Là người duy trì cách nuôi sò huyết ngoài kênh xáng khoảng 7 năm qua nên anh Dũng có nhiều kinh nghiệm trong nghề nuôi. Theo anh Dũng, với đoạn kênh khoảng 100m, hộ nuôi đầu tư trung bình khoảng 40 triệu đồng thả khoảng 800.000 sò huyết giống. Theo kinh nghiệm của anh Dũng, tỷ lệ hao hụt khi thả nuôi thường khoảng 40% (loại sò huyết 10.000 con/kg; còn sò giống lớn hơn tỷ lệ hao hụt càng thấp); thời điểm thả giống thuận lợi phải trước tháng 7 âm lịch hàng năm vì cuối tháng 7 đến đầu tháng 8 âm lịch thường có nước ngọt về, nếu thả sò giống lúc này tỷ lệ hao hụt rất lớn. Anh Dũng chia sẻ: "Sò huyết nuôi thương phẩm thường kéo dài từ 10 - 12 tháng, năng suất khoảng 2,5 - 3 tấn/100m chiều dài con kênh. Với giá dao động từ 25.000 - 40.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, hộ nuôi còn lãi từ 35 - 50 triệu đồng".
Ông Trần Minh Trung cho biết: Nhờ tận dụng tốt mặt nước ngoài kênh xáng nuôi sò huyết mà một số hộ trước đây khó khăn giờ đã khấm khá. Ban đầu bà con không đủ vốn nên vài hộ hùn hạp thả nuôi, thay nhau canh chừng. Về sau làm hiệu quả, có tiền nên tách ra làm riêng. Vụ mùa năm 2012 này, phần lớn các hộ đã xuống giống, sò phát triển tốt, dự kiến thời điểm này năm sau sẽ thu hoạch, thời gian kéo dài có thể cận Tết Nguyên đán.
Vụ tôm sú năm 2012, Vĩnh Hậu A là một trong những xã có phần lớn diện tích nuôi bị thiệt hại nặng. Để tạo thêm nguồn thu, một số hộ mua sò huyết giống thả vào vuông tôm. Như trường hợp của bà Chau Thị Sáng, ở ấp 12. Trong số 10 ha đất nuôi tôm quảng canh, vụ mùa 2012 bà đã đầu tư 60 triệu đồng mua sò huyết giống thả vào khu nuôi khoảng 6 ha của gia đình. Hiện sò huyết được khoảng 3 tháng tuổi, đang trên đà phát triển tốt, lớn nhanh. Bà Sáng cho biết: "Theo kinh nghiệm của mấy người nuôi trước thì thả sò huyết trong vuông nuôi tôm tỷ lệ hao hụt thấp hơn so với nuôi trong kênh, chi phí đầu tư ít, sinh lợi nhiều hơn. Ngoài ra, sò huyết không bị bệnh như con tôm sú. Nhưng vuông thả sò huyết thì không thể thả cua biển, vì cua sẽ ăn hết sò".
Do sò huyết chưa sinh sản nhân tạo được nên phần lớn nguồn giống cung ứng cho người nuôi chủ yếu nhờ vào con giống tự nhiên (khai thác từ bãi bồi ven biển). Năm nay, số lượng sò huyết giống tự nhiên nhiều hơn nên nguồn giống không khan hiếm, giá cả ổn định. Đây cũng là tiền đề cho một vụ nuôi thuận lợi, thành công của người nuôi sò huyết Vĩnh Hậu A cũng như một số xã ven biển của huyện Hòa Bình.
Có thể bạn quan tâm

Đối với người nông dân vất vả “một nắng hai sương” thì không có niềm vui nào hơn là niềm vui được mùa. Tuy nhiên, thay vì niềm vui bội thu như các vụ trước thì vụ thu đông này, nông dân xã Bình Lư (huyện Tam Đường - Lai Châu) đang phải lao đao bởi cây ngô sinh trưởng, phát triển bình thường, thậm chí xanh tốt, song đến kỳ thu hoạch lại không có hạt.

Vụ Đông xuân này ở Châu Thành A (Hậu Giang) sẽ thực hiện thí điểm với diện tích nhỏ, sau đó rút kinh nghiệm và nhân rộng ở vụ Hè thu. Theo đó, những nơi đất gò, đất manh trồng lúa kém hiệu quả sẽ chuyển sang trồng bắp

Năm 2004, với sự hỗ trợ quốc tế, cây ca cao được khởi động ở Việt Nam với các bước khá căn cơ, quy hoạch đến 2020 là 50.000ha. Hiện nay con số này khoảng 25.000ha, tập trung ở đồng bằng sông Cửu Long, vùng Đông Nam bộ và Tây Nguyên, chủ yếu trồng xen vào vườn dừa, điều, cà phê, cây ăn trái... 10.000ha trong số này đã thu hoạch, với 5.000 tấn hạt. Theo dự báo, nhu cầu sử dụng hạt ca cao trên thế giới đang tăng, đặc biệt là vùng Trung Đông, Brazil, Nga, Ukraine, Trung Quốc trong khi sản lượng toàn cầu không tăng nhiều. Nhưng ca cao có số phận khá long đong so với cây trồng khác.

Mô hình trồng xoài Đài Loan của nông dân xã Mỹ Hiệp (Chợ Mới - An Giang) mang lại nguồn thu nhập khá cao. Là một trong những hộ có nhiều năm kinh nghiệm trong việc trồng xoài Đài Loan, chị Nguyễn Ngọc Huyền khoe: “Cứ một héc- ta trồng xoài Đài Loan thu lãi gần 20 triệu đồng”.

Từ nhiều năm trở lại đây, vùng đất Ia Lâu (huyện Chư Prông, Gia Lai) đã trở thành “miền đất hứa” của cánh nhà nông trồng dưa hấu. Có năm lãi lớn, không ít hộ kiếm được cả trăm triệu đồng trong vòng vài tháng. Thế nhưng 2 năm trở lại đây, giá dưa liên tục thấp đã khiến người dân lỗ nặng.