Nuôi nhím hết thời

Con nhím đã mang lại nguồn thu cho nhiều người. Còn bây giờ nhím đã hết thời, chuồng trại bỏ hoang…
Thời hoàng kim của nghề nuôi nhím sinh sản kéo dài độ 3 - 4 năm, từ năm 2008 - 2011, tới các huyện Văn Chấn, Nghĩa Lộ (Yên Bái) đâu đâu cũng nghe bàn chuyện nuôi nhím.
Hàng trăm hộ nuôi nhím. Hội Nuôi nhím Văn Chấn - Nghĩa Lộ ra đời, ông Hoàng Đức Thịnh, nguyên GĐ Cty Chè Nghĩa Lộ được bầu làm Hội trưởng.
Nhớ lại những ngày đó, ông Thịnh cười mủm mỉm trong lòng đầy hãnh diện. So với cả chục năm làm giám đốc không mấy người biết tên, khi làm hội trưởng hội nuôi nhím thì điện thoại réo suốt ngày, đêm khuya cũng có người gọi.
Người gọi không chỉ là các hội viên mà khách hàng trong Nam, ngoài Bắc đều gọi. Người hỏi quy cách chuồng nuôi nhím ra sao, cách chăm sóc nhím con như thế nào, người thì hỏi vì sao nhím rụng lông, lại có người hỏi cho nhím ăn hạt nhãn, hạt vải, ổi xanh có bị bệnh không… với hàng trăm câu hỏi.
Ông cười: "Mình là kỹ sư trồng trọt có phải là kỹ sư chăn nuôi đâu, khi người ta hỏi thì mình phải lục tìm các loại sách hướng dẫn nuôi nhím, rồi lên mạng tìm hiểu thêm…
Ngày ấy điện thoại réo suốt ngày đêm, một lát lại có điện thoại nhiều câu hỏi nghe vui lắm. Thú thật, vui hơn cái thời làm GĐ Cty nhà nước.
Khi người ta bán được cặp nhím cũng điện thoại cho biết, có người còn mời vào tận Bà Rịa - Vũng Tàu ăn tiết canh nhím, chi phí đi đường họ chịu. Người chăn nuôi bán được giá là mừng lắm…
Chuồng nuôi nhím bỏ không
Thời đó mỗi đôi nhím sinh sản có giá trung bình giá từ 13 - 15 triệu đồng, có đôi đẹp nuôi bốn năm tháng là đẻ có giá 17 - 18 triệu. Nhím sinh sản nhanh như thỏ, chúng chửa 3 tháng, sau khi nhím sinh con từ 25 - 30 ngày có thể cho nhím phối giống, khi nhím con được hai tháng tuổi thì cai sữa, cách ly khỏi mẹ, một lứa mới lại ra đời.
Mỗi lứa từ 1 - 2 con, có lứa 3 con, một đôi nhím giống chăm sóc tốt một năm đẻ 7 - 8 con. Tính ra mỗi năm một cặp nhím bố mẹ sinh lời cho gia chủ 25 - 30 triệu, còn nhím thịt (những con già không thể sinh sản) cũng bán được 600 - 700 ngàn đồng/kg".
Chính vì nuôi nhím sinh sản mang lại lợi nhuận cao nên gia đình ông Hoàng Đức Thịnh đã gom góp vốn liếng được 300 triệu xây một trại nuôi nhím với hơn 20 ô chuồng.
Ông thành thật: "Nuôi nhím không quá tốn kém, toàn loại hoa quả, rau cỏ người ta bỏ đi. Ví như hạt nhãn, rau cải già, dây khoai lang, bí đỏ, bí xanh…mỗi con một ngày chỉ ăn hết 2.000 đồng.
Những con nhím bị bỏ đói ăn cả lông của nhau
Tính ra mỗi năm gia đình ông xuất bán 35 - 40 đôi nhím giống, giá nhím lúc đó 13 - 15 triệu/đôi, riêng tiền bán nhím giống đã thu về khoảng 400 - 600 triệu đồng.
Bây giờ hội nuôi nhím của ông Hoàng Đức Thịnh không còn mấy người nuôi. Ngay như ông Thịnh cũng để lại 2 đôi nuôi làm cảnh, nuôi cho đỡ nhớ. Toàn bộ 20 ô chuồng nuôi nhím ông chuyển sang nuôi thỏ, trên thì nuôi chim bồ câu. Ông bảo, nuôi thỏ cũng phập phù lắm, mới bán được 40 con cho người ta làm giống thôi…
Mấy năm nuôi nhím ông mua được cả ô tô, chạy tứ tung hết nhà hội viên này sang nhà hội viên khác. Sướng hơn cái thời làm GĐ Cty chè.
Cơn sốt nuôi nhím sinh sản chưa thống kê nhưng có tới mấy trăm hộ, chỉ riêng hội nuôi nhím do ông Thịnh làm chủ tịch đã có 250 hội viên. Nhiều trang trại nuôi nhím lừng danh như gia đình ông Phương Tử Ông, Đinh Văn Đàm, Lộ Liên, Hữu Oanh… nuôi từ 50 - 150 đôi nhím sinh sản.
Trang trại của đình ông Đinh Văn Đàm rộng 1.100 m2 xây dựng khá quy mô tại phường Cầu Thia, TX Nghĩa Lộ. Trang trại nuôi nhím kết hợp nuôi ba ba, khu vực nuôi nhím có 85 ô chuồng, chi phí xây dựng trên 130 triệu, riêng tiền mua nhím giống 1,4 tỷ đồng.
Đầu năm 2011, gia đình ông Đàm bán một lứa nhím giống được 17 đôi, mỗi đôi giá 12 triệu thu về được gần 200 triệu. Sau đó không mấy người hỏi han nữa, thành ra ông phải bán nhím thịt, bán khéo cũng chỉ được 130 - 140 ngàn đồng/kg.
Giá rẻ nhưng ông cũng phải bán tống bán tháo để gỡ lại ít vốn, chứ còn để đến bây giờ cũng chỉ bán được 1 triệu đồng/đôi nhím giống.
Có thể bạn quan tâm

Thời gian gần đây, dịch bệnh trên tôm nuôi ở tỉnh Bình Định diễn biến khá phức tạp, ảnh hưởng đến năng suất và thu nhập của người nuôi tôm. PV Báo Bình Định đã phỏng vấn ông Võ Đình Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh, một số vấn đề về phòng, chống dịch bệnh tôm nuôi.

Ngày 10/1, UBND huyện Sông Hinh đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác sản xuất và điều hành nguyên liệu mía, sắn niên vụ 2011-2012, triển khai nhiệm vụ niên vụ 2012-2013.

Bến Tre là một trong 3 tỉnh đứng đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long về diện tích trồng cây ăn quả. Trong đó, một số cây trồng đã có “thương hiệu” như sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, bưởi da xanh, nhãn... Đây cũng là nhóm cây ăn quả đặc sản của tỉnh và được quy hoạch phát triển, ổn định sản xuất đến năm 2020.

Nhằm giúp nông dân có định hướng nuôi trồng thủy sản gắn với tiêu thụ sản phẩm, phát huy thế mạnh và phát triển kinh tế - xã hội địa phương, Phòng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn huyện An Phú phối hợp với Trung tâm Giống thủy sản An Giang (đơn vị chuyển giao kỹ thuật) đã triển khai dự án “Mô hình ứng dụng khoa học công nghệ phát triển nuôi cá sặc rằn”, từ tháng 3 - 2011 đến tháng 3 - 2013.

Vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) đã bắt đầu cho thu hoạch. Theo ông Vũ Đình Bát, Chủ tịch Hiệp Hội sản xuất và tiêu thụ vải thiều Thanh Hà, giá bán vải quả tại vườn ngày 5 - 6 là 15 nghìn đồng/kg, tăng từ 4.000 - 6.000 đồng/kg so với năm ngoái. Nguyên nhân là do thị trường Trung Quốc tiêu thụ ngày càng nhiều, sản lượng vải thiều Bắc Giang giảm.