Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nuôi Ngan Địa Phương Ở Tiên Yên (Quảng Ninh)

Nuôi Ngan Địa Phương Ở Tiên Yên (Quảng Ninh)
Ngày đăng: 08/08/2014

Đến nay, trên địa bàn huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế nông trại, gia trại mang tính sản xuất hàng hoá ngày càng cao như: Mô hình nuôi ong lấy mật, nuôi vịt lấy trứng, gà Tiên Yên, ngan... Trong đó, khôi phục và phát triển việc nuôi ngan địa phương là một trong những mô hình tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân.

Huyện Tiên Yên có diện tích mặt nước rộng, thích hợp cho phát triển chăn nuôi thuỷ cầm, thuỷ sản theo hướng chăn nuôi tập trung. Từ lâu, người dân trên địa bàn huyện đã tiến hành nuôi ngan địa phương (hay còn gọi là ngan Tiên Yên) khá hiệu quả.

Ngan Tiên Yên có đặc điểm thân hình tròn, gọn, trọng lượng lúc 5 tháng tuổi đạt 2,5-3kg/con. Thịt ngan Tiên Yên thơm ngon và có hương vị đặc biệt. Ngan địa phương ở đây được nuôi theo hình thức chăn thả, thức ăn chủ yếu là những sản phẩm nông nghiệp sẵn có của địa phương.

Ngan Tiên Yên có thịt ngon nên được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng, nhu cầu sử dụng ngày càng nhiều. Vì vậy, thời gian qua, ngan Tiên Yên bán rất được giá (thời điểm cao nhất là 150.000 đồng/kg thịt hơi).

Tuy nhiên, qua nghiên cứu cho thấy, việc chăn nuôi gia cầm, thuỷ cầm trên địa bàn huyện vẫn còn một số tồn tại. Đó là, số lượng đàn ngan giống địa phương hạn chế, trên địa bàn huyện hiện chưa có cơ sở sản xuất ngan giống; mô hình chăn nuôi còn manh mún, chưa hình thành vùng sản xuất hàng hoá tập trung, sản phẩm ngan địa phương còn hạn chế về số lượng, chưa tương xứng với thế mạnh của sản phẩm.

Đặc biệt là chưa xây dựng được quy trình chăn nuôi ngan địa phương một cách khoa học, người chăn nuôi vẫn dựa vào phương thức truyền thống.

Trong khi đó, mối liên kết 4 nhà, nhất là giữa các doanh nghiệp với người chăn nuôi trong việc cung cấp giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chưa thực sự chặt chẽ. Vì vậy, sản xuất còn bấp bênh, thiếu tính bền vững... Để chủ động nguồn giống tốt cung cấp cho người chăn nuôi trên địa bàn huyện, thì việc xây dựng mô hình sản xuất ngan địa phương một cách khoa học là hết sức cần thiết.

Chính vì vậy, từ năm 2013, UBND huyện Tiên Yên đã tiến hành xây dựng và triển khai Dự án “Sản xuất giống ngan địa phương tại huyện Tiên Yên”. Thời gian thực hiện từ tháng 10-2013 đến hết tháng 12-2015. Nhiệm vụ thực hiện dự án được giao cho Phòng NN&PTNT huyện đảm trách.

Trên cơ sở nghiên cứu điều kiện thực tiễn của các hộ chăn nuôi ngan trên địa bàn, Phòng NN&PTNT Tiên Yên đã chọn mô hình của gia đình ông Hà Văn Sơn ở Làng Nhội, xã Đông Hải để triển khai thí điểm. Mô hình được tiến hành trên diện tích 7.000m2 với quy mô 400 con giống.

Quá trình triển khai, cán bộ Phòng NN&PTNT thường xuyên bám sát thực địa, kiểm tra, ghi chép toàn bộ diễn tiến trưởng thành của đàn ngan sinh sản. Ông Hà Văn Sơn, chủ trang trại cho biết: Trước đây, chúng tôi chỉ nuôi ngan địa phương theo kỹ thuật truyền thống dẫn đến hiệu quả kinh tế chưa cao. Mỗi khi xảy ra dịch bệnh, chúng tôi rất khó xử lý.

Nhưng từ khi triển khai Dự án đến nay, việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi ngan địa phương đã mang lại hiệu quả rõ nét. Đàn ngan giống sinh trưởng ổn định, nhất là các thế hệ ngan con luôn được thuần chủng, chất lượng sản phẩm không ngừng được giữ vững ở các thế hệ kế tiếp...

Đồng chí Lý Văn Thắng, Phó trưởng Phòng NN&PTNT Tiên Yên khẳng định: Sau một thời gian triển khai, đến nay, quy trình công nghệ nuôi ngan sinh sản và nuôi ngan thương phẩm đã được hoàn thiện với những đặc điểm chính là: Thiết kế chuồng trại khô ráo, sạch sẽ, thoáng mát, xa nhà ở và theo hướng đông nam để có ánh sáng và độ thông thoáng tốt; thức ăn cho ngan sinh sản yêu cầu về protein thô từ 15-19%, năng lượng trao đổi từ 2.700 đến 3.000 kcal/kg thức ăn. Khẩu phần thức ăn cơ bản hàng ngày từ 0,04 đến 0,12 kg/con.

Quy trình về chăm sóc cũng được xây dựng chặt chẽ về vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng, kiểm soát nội, ngoại ký sinh trùng... Nhờ thế, đến nay, đàn ngan trong Dự án đã phát triển rất tốt, đáp ứng được yêu cầu đề ra.

Các cơ quan chức năng đang đánh giá một cách tổng quát dự án để nhân rộng trên địa bàn toàn huyện và tiến tới xây dựng thương hiệu ngan Tiên Yên. Khi mô hình này được ứng dụng đại trà sẽ là cơ hội mới để bà con nhân dân phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu từ đồng đất quê hương mình...


Có thể bạn quan tâm

Nguy cơ phát sinh và lây lan dịch lở mồm long móng từ chăn nuôi gia súc nhỏ lẻ Nguy cơ phát sinh và lây lan dịch lở mồm long móng từ chăn nuôi gia súc nhỏ lẻ

Mùa mưa Tây Nguyên là cơ hội thuận lợi cho dịch bệnh lở mồm long móng (LMLM) trên gia súc phát sinh, lây lan, phần lớn tập trung ở các hộ gia đình chăn nuôi gia súc nhỏ lẻ.

24/09/2015
Vất vả nghề nuôi ong lấy mật Vất vả nghề nuôi ong lấy mật

Nghề nuôi ong lấy mật trong những năm qua cho thu nhập khá cao, nên thu hút nhiều người theo nghề. Nhưng ít ai biết được nghề này rất vất vả, bởi phải thường xuyên di chuyển theo mùa hoa nở…

24/09/2015
Nghề chăn nuôi ở vùng đất lúa Nghề chăn nuôi ở vùng đất lúa

Hiện nay diện tích đất sản xuất lúa vụ hè thu ở Gio Quang (huyện Gio Linh, Quảng Trị) trên 430 ha. Với diện tích này, trung bình mỗi nông hộ ở đây có thể sản xuất khoảng 1,3 ha lúa/vụ.

24/09/2015
Chăn nuôi lợn an toàn sinh học tại Sơn Động Bắc Giang Chăn nuôi lợn an toàn sinh học tại Sơn Động Bắc Giang

Ông Ngọc Tiến Lệ, Chủ tịch UBND xã Long Sơn, huyện Sơn Động cho biết, xã đang tích cực tuyên truyền, vận động các hộ dân trên địa bàn tự thỏa thuận, giải phóng mặt bằng phục vụ dự án xây dựng trang trại nuôi lợn của Công ty TNHH một thành viên Chăn nuôi Hòa Phát Bắc Giang

24/09/2015
Giá heo, gà thịt rơi tự do Giá heo, gà thịt rơi tự do

Hằng năm, từ tháng 7 trở đi, giá bán heo - gà thịt thương phẩm bắt đầu tăng. Bà con chăn nuôi cũng tăng cường đầu tư để phục vụ nhu cầu đám tiệc, cưới hỏi, tết Nguyên đán. Nhưng năm nay thì thực tế lại đảo ngược, nhất là giá gà thịt thả vườn.

24/09/2015