Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nuôi Heo Thả Rông... Trong Chuồng

Nuôi Heo Thả Rông... Trong Chuồng
Ngày đăng: 01/08/2014

Heo tộc không còn được thả rông trong vườn, ngoài đường; không chỉ được nuôi một vài con để làm thịt mỗi khi tết đến, lễ hội về mà nay đã được nuôi với số lượng lớn hơn và đang góp phần cải thiện sinh kế cho người dân ở xã Lộc Bảo, huyện Bảo Lâm.

Ông Nguyễn Văn Ba - Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Bảo, cho biết: Bắt đầu từ giữa năm 2011, dự án nuôi heo tộc thương phẩm đã được Sở Khoa học công nghệ triển khai ở Lộc Bảo. Ban đầu với 18 con giống cấp miễn phí cho 6 hộ, đến nay, không kể lượng heo thịt xuất đi, toàn xã đã có khoảng 70 con heo giống sinh sản.

Điều đặc biệt trong việc nhân rộng giống heo này ở Lộc Bảo là con giống không chỉ được bà con bán rẻ cho nhau mà nhiều nhà còn cùng chung nuôi heo giống đến khi heo sinh sản, heo con được phân phát cho các hộ góp vốn. Vì vậy, từ 6 hộ nuôi thí điểm, đến nay mô hình chăn nuôi này đã được bà con tự nhân rộng ra toàn xã.

Chị Ka Bích, một trong những hộ nuôi heo tộc điển hình ở Lộc Bảo chia sẻ: Heo tộc cây gì cũng ăn được, nên bà con chủ yếu cho chúng ăn bẹ chuối, thân cây ngô non, rau, các loại cỏ, các loại quả xanh, mầm cây, tro bếp… Sáng thả ra, tối gọi “ộc, ộc” là heo tự chạy về chuồng ngủ, không sợ heo bị chết lạnh ngoài vườn như trước đây.

Cũng là một trong những hộ nuôi heo với số lượng lớn ở Lộc Bảo, anh K’Bớ, đồng thời là cán bộ thú y xã cho rằng: Sức đề kháng của loài vật nuôi này rất cao nên hầu như không bị mắc các bệnh dịch như heo nhà, tuy nhiên, phải tiêm phòng, tẩy giun sán định kỳ heo mới chóng lớn để bán được.

Heo tộc không còn sinh sản tự do như trước mà nhờ có sự giúp đỡ của con người, heo con sinh ra con lớn và không bị chết nhiều như khi nó tự sinh trong vườn, trong rẫy. Sau gần 2 tháng tuổi, heo con tách mẹ được đưa sang chuồng rộng hay sân vườn. Chuồng trại chỉ cần đảm bảo hợp vệ sinh, không bị nắng rọi, mưa hắt và gió lạnh lùa vào là được.

Qua quan sát những chuồng nuôi heo của bà con ở Lộc Bảo, nguyên liệu để làm chuồng trại ngoài vườn có thể là tre, gỗ, gạch hoặc quây thép B40 rào chắn cẩn thận xung quanh một khoảng đất có tán cây để dành chỗ cho heo trú ngụ vào ban ngày và có máng thức ăn đặt rải rác trong đó. Các hộ gia đình thường xây thêm một chuồng có mái che đơn giản để heo chạy vào lúc trời mưa hay tối đến.

Từ thực tế chăn nuôi của gia đình, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Bảo cho rằng, để chăn nuôi heo tộc đạt hiệu quả kinh tế cao, điều quan trọng nhất là lựa chọn, chủ động được con giống tốt, chuồng trại gắn với khu vườn rộng thoáng mát đảm bảo điều kiện nuôi "bán hoang dã".

Thức ăn cho heo chủ yếu tận dụng nguồn cây cỏ có sẵn, tinh bột chỉ chiếm khoảng 10% để tránh cho heo bị nhiều mỡ, bán không được giá, thịt mất ngon, nên tốn rất ít chi phí và công chăm sóc. Heo con cần được chích thuốc phòng đầy đủ, nhất là ở những gia đình nuôi với số lượng lớn.

Ông Ba cho biết thêm: Cùng khoảng thời gian 6 tháng nếu nuôi heo tộc với trọng lượng 15 - 20 kg thì bán thu lãi gấp 3 lần so với heo nhà. Riêng ở Lộc Bảo, heo cứ từ 15 - 20kg là thời điểm tốt nhất để xuất chuồng.

Giá thịt heo tộc mà thương lái đang thu mua tại Lộc Bảo hiện nay khoảng 120.000 đồng/kg, song lượng heo luôn không đủ lượng cầu của thương lái. Đặc biệt, vào thời điểm cận Tết Nguyên Đán, giá cao hơn nhiều mà heo vẫn khan hiếm.

Được biết, tại Làng du lịch Madagui, món thịt heo tộc quay hiện nay rất nổi tiếng. Ông Nguyễn Hữu Chinh - Giám đốc Làng du lịch Madagui chia sẻ, hiện thịt heo tộc là đặc sản tại làng du lịch này. Đặc biệt, heo tộc do chính bà con nuôi là loại thực phẩm sạch, sử dụng hoàn toàn nguồn thức ăn tự nhiên nên thịt heo tộc nhiều nạc, mềm, rất ít mỡ, lớp da dày nhưng rất giòn.

Việc nuôi heo tộc theo cách cổ truyền của bà con kết hợp với khoa học hiện đại nên vừa nâng cao số lượng đàn đồng thời vẫn đảm bảo chất lượng. Thịt heo tộc vẫn là loại thương phẩm rất hút hàng trên thị trường hiện nay. Hiện tại, chưa có hộ nào đầu tư nuôi theo quy mô lớn, chỉ dừng lại ở mức hộ gia đình nhiều nhất là 20 con nên việc tiêu thụ còn dễ dàng.

Vì vậy, nếu muốn đưa heo tộc thành sản phẩm chăn nuôi chính đem lại hiệu quả cao thì việc tìm thị trường tiêu thụ ổn định là bước đầu tiên cần phải tính tới.


Có thể bạn quan tâm

Người Tày Nuôi Cá Bỗng Người Tày Nuôi Cá Bỗng

Cá bỗng được “phong thần” ở Thanh Hóa, bởi đặc suối Cẩm Lương (Huyện Cẩm Thủy) nhưng chẳng ai dám bắt. Còn tại nhiều tỉnh Tây Bắc, loại cá này được người Tày nuôi làm cảnh trong ao nhà từ ngót trăm năm nay. Gần đây, phong trào “xẻ thịt cá thần" khiến cá bỗng là món đặc sản được bán với giá cao ngất ngưởng.

09/11/2014
Gieo Trồng Cây Màu Vụ Đông Vượt 7% Kế Hoạch Gieo Trồng Cây Màu Vụ Đông Vượt 7% Kế Hoạch

Các giống ngô lai năng suất cao được bà con đưa vào gieo trồng chủ yếu là: NK 4300, LVN 4, LVN 99, NK66, CP999, CP888… Bên cạnh đó, bà con cũng gieo trồng trên 160 ha khoai lang, 40 ha khoai tây và trên 300ha rau các loại. Đối với cây rau, các xã Linh Sơn, Huống Thượng, Hóa Thượng có diện tích gieo trồng lớn với các loại: Su hào, cà chua, bắp cải, dưa chuột, khoai tây…

10/11/2014
Trang Trại Nuôi Lợn Làm Ô Nhiễm Môi Trường Trang Trại Nuôi Lợn Làm Ô Nhiễm Môi Trường

Nhiều năm nay, người dân thôn Nam Xuân Đức, Bích La Trung và bản Hà, Lệt phải sống trong bầu không khí ô nhiễm do chất thải từ trang trại nuôi gần 1.000 con lợn của Hợp tác xã Tiến Đạt (xã Tân Thành, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị). Người dân đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền địa phương nhưng tình trạng trên vẫn tiếp diễn, trở thành nỗi ám ảnh trong từng bữa ăn, giấc ngủ.

10/11/2014
Trồng Xà Lách Xoong Theo Quy Trình VietGAP Cho Lợi Nhuận Cao Trồng Xà Lách Xoong Theo Quy Trình VietGAP Cho Lợi Nhuận Cao

Ở đây có HTX Cải xà lách xoong an toàn Thuận An thành lập năm 2013. Hợp tác xã được cấp giấy chứng nhận VietGAP (thực hàng sản xuất nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn Việt Nam) ngày 10/10/2014, đang bán xà lách xoong khắp ĐBSCL, TPHCM và xuất cả sang Campuchia.

10/11/2014
Hội Nghị Tổng Kết Nuôi Tôm Nước Lợ Năm 2014 Và Triển Khai Kế Hoạch Năm 2015 Hội Nghị Tổng Kết Nuôi Tôm Nước Lợ Năm 2014 Và Triển Khai Kế Hoạch Năm 2015

Tham dự Hội nghị có các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT,Tổng cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và PTNT 30 tỉnh/thành phố có nuôi tôm nước lợ, các Viện nghiên cứu, Hiệp hội, Doanh nghiệp có liên quan, hộ gia đình nuôi tôm tiêu biểu, cơ quan báo đài. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát và Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Thành Phong chủ trì Hội nghị.

09/11/2014