Nuôi Gà Ta Di Động

Ông Phạm Công Kiệt (xã Bình Minh, huyện Trảng Bom, Đồng Nai) là một nông dân chuyên nuôi gà ta với quy mô công nghiệp, nhưng lại chọn hướng chăn nuôi di động. Trang trại của ông rất đơn giản, thường là khu vườn tràm rộng lớn được quây lưới xung quanh.
Với mô hình chăn nuôi này, chi phí đầu tư nhỏ nhưng quy mô trại có thể lên đến cả chục ngàn con gà ta. Gà được sinh trưởng trong môi trường tự nhiên nên dù nuôi tập trung nhưng vẫn đúng chất gà ta, da vàng, thịt ngọt và chắc.
* “Nhất nghệ tinh…”
Ông Kiệt cho biết: “Tuy gia đình cũng có khoảng 2 mẫu đất vườn, trại gà, ao cá nhưng ở đâu có vườn cây rộng, an ninh là tôi mượn hoặc thuê để lập trại gà. Tôi thường chỉ thả 2 lứa gà mỗi năm/trại để có thời gian xử lý, vệ sinh kỹ khu chăn thả. Chăn nuôi mà phải dời trại thường xuyên rất vất vả nhưng lại đảm bảo môi trường an toàn để gà sinh trưởng, giảm được nguy cơ dịch bệnh. Hạn chế việc sử dụng thuốc, nên tôi vừa giảm chi phí chăn nuôi, vừa cung cấp được thịt gà an toàn ra thị trường.”
Vừa hoàn tất chương trình THPT, ông Kiệt đã chọn nghề chăn nuôi. Mấy năm đầu, ông lập trại nuôi gia công gà công nghiệp cho một doanh nghiệp. Trang trại thất thoát dần nguồn vốn vì giống gà công nghiệp rất dễ bị dịch bệnh, ông xoay ra làm nghề mộc rồi đủ nghề khác. Ông Kiệt chia sẻ: “Những dụng cụ chăn nuôi tôi từng bảo quản mấy năm vì luyến tiếc. Với quyết tâm rời xa nghề chăn nuôi từng làm mình đổ nợ, tôi đem những dụng cụ chăn nuôi bán ve chai.
Nhưng khi thấy mô hình nuôi gà ta mang lại hiệu quả cao, tôi lại quay về công việc đã thành cái nghiệp gắn bó vào máu thịt. Đến nay, tôi đã có hơn 20 năm kinh nghiệm chăn nuôi nhưng vẫn không tránh khỏi những “vố đau” do đầu ra thị trường bất ổn. Tuy vậy, tôi tin rằng nếu mình giữ được sự kiên trì, tâm huyết thì sẽ được trả công”.
* Nông dân cần hiểu thị trường
“Làm nông dân không dễ, nhất là trong giai đoạn hiện nay. Chỉ cần một thông tin tồn dư chất kháng sinh trong thịt đã khiến nhiều nông dân điêu đứng, có khi không gượng dậy được. Chúng tôi còn phải dõi theo mọi biến động thị trường đón đúng nhu cầu thị trường để quyết định thời điểm nào gây đàn mới, tăng đàn, giảm đàn. Chính vì vậy, những thông tin một chiều rất nguy hiểm, nhiều người chỉ nhìn thấy hiệu quả của việc đầu tư chăn nuôi rồi đầu tư theo phong trào gây hỗn loạn thị trường. Thực tế, nhiều gia đình ở vùng này đã bị gà “mổ” sạch hết đất đai, tài sản” - ông Kiệt chia sẻ.
Với ông, chăn nuôi giỏi chưa hẳn là yếu tố quyết định thành bại mà đầu ra cũng mang tính quyết định, trong đó tâm lý đám đông rất nguy hiểm. Khi thấy gà thịt sốt giá là nhà nhà đổ xô lập đàn, dẫn đến tình trạng rớt giá vì cung vượt quá cầu. Theo ông Kiệt, nông dân phải luôn giữ được sự tỉnh táo để thoát khỏi những làn sóng ảo của thị trường. Dịp tết năm nay, trại gà của ông sẽ cung cấp ra thị trường hơn 7 ngàn con gà trưởng thành. Với ưu thế chăn nuôi quy mô lớn, uy tín về chất lượng, nhiều thương lái ở các tỉnh, thành về tận trại của ông đặt hàng.
Có thể bạn quan tâm

Hiện nay, tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi trên địa bàn tỉnh Cà Mau đang có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là đối với tôm nuôi theo hình thức thâm canh và bán thâm canh.

Tuần qua, giá cá bống tượng tăng lên 280.000 đồng/kg, cá chình tăng 410.000 đồng/kg. Với mặt bằng giá như thế đã mang lại niềm hy vọng mới cho nông dân từng gắn bó với mô hình này trong nhiều năm qua. Nhiều nông dân có ý định tiếp tục duy trì mô hình này để tăng thu nhập.

Trả lời phỏng vấn của Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, ông Dương Ngọc Minh, Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) và là Chủ tịch Công ty cổ phần Hùng Vương, đã đề cập đến cách mà các doanh nghiệp sẽ vượt khó, những thách thức cũng như triển vọng kinh doanh cho ngành này năm 2014.

Năm 2013, nhiều tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã dành phần lớn thanh khoản cho ngư dân vay vốn. Với lãi suất ưu đãi cùng những thủ tục nhanh gọn, hàng trăm ngư dân trong tỉnh đã mạnh dạn đóng mới tàu thuyền công suất lớn để vươn khơi bám biển

Năm 2013 đánh dấu bước phát triển nổi bật của thủy sản Hải Phòng. Lần đầu tại Hải Phòng, Viện nghiên cứu hải sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã cho sinh sản nhân tạo thành công giống bào ngư tại trại sản xuất giống ở huyện đảo Bạch Long Vỹ.