Nuôi Gà Đẻ Trứng Phụ Thuộc Con Giống Doanh Nghiệp FDI

Tại huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, hầu hết người chăn nuôi gà đẻ trứng đang bị phụ thuộc vào con giống của một số doanh nghiệp FDI.
Điều này dẫn đến cảnh báo về việc tăng đàn, giảm đàn của hộ chăn nuôi đều phụ thuộc vào sự điều tiết con giống của các doanh nghiệp FDI, từ đó họ hoàn toàn có thể điều tiết được đầu ra, giá trứng trên thị trường.
Anh Cường, chủ trại chăn nuôi gà đẻ trứng tại huyện Thống Nhất, Đồng Nai cho biết, thời gian gần đây, giá trứng có chiều hướng tăng, cụ thể trứng lớn khoảng 2.050 đồng/quả, trứng trung khoảng 2.000 đồng/quả.
Với giá này, anh đã bắt đầu có lãi nên muốn đầu tư thêm con giống để tăng sản lượng đầu ra. Tuy nhiên, anh không thể tăng đàn vì nguồn giống anh lấy về hoàn toàn phụ thuộc vào công ty mà công ty thì không cung cấp thêm.
Anh Phạm Văn Cường nói: “Tôi muốn bắt thêm con giống nhưng các đại lý của công ty lại nói rằng con giống ít. Không có giống chúng tôi phải chịu đợi thôi”.
Hiện nay tại huyện Thống Nhất, các hộ chăn nuôi gà đẻ trứng đều phụ thuộc con giống vào các doanh nghiệp FDI như CP, Emivest… Nếu các công ty này ngừng cung cấp con giống thì người chăn nuôi chỉ biết treo chuồng và không thể tái đàn.
Theo thống kê, trên địa bàn huyện Thống Nhất, trên 90% hộ hiện đang chăn nuôi gia công gà đẻ trứng cho các công ty FDI.
Đại diện Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai cho biết, gần như các công ty nước ngoài đã hoàn toàn chủ động về chăn nuôi gà đẻ trứng của huyện, từ con giống đến thức ăn và cuối cùng là cả đầu ra.
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai cho rằng: “Việc họ chủ động được con giống thì chắc chắn họ sẽ điều phối được khi nào cần bán con giống để có lời, họ sẽ chủ động tính giá và bắt người tiêu dùng chịu cái giá mà họ định ra”.
Điều này hoàn toàn có lý khi thời gian qua, giá trứng gà của một số doanh nghiệp FDI tăng giá và lý do được đưa ra là nguồn cung hạn chế. Tuy nhiên, người nông dân nếu không muốn phụ thuộc vào các doanh nghiệp FDI thì cũng không thể tìm được con giống ở nơi nào khác để nuôi.
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai cho biết thêm: “Chúng tôi thắc mắc tại sao các trung tâm giống của Việt Nam không có được những nguồn giống cung cấp cho người nông dân, mà phải chịu lệ thuộc tất cả vào các công ty nước ngoài. Đây là điều người ta có thể thâu tóm được ngành chăn nuôi và nông nghiệp của nước ta”.
Theo Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, có tới 90% đàn gà giống do các công ty nước ngoài cung cấp. Việc nắm thị phần khống chế của các doanh nghiệp FDI khiến những lo ngại về nguồn cung hạn chế, thiếu nguồn gà đẻ trứng để tăng giá bán trứng là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Có thể bạn quan tâm

Từ ngày 14 - 16/10/2015, hơn 100 nhà hoạch định chính sách và chuyên gia về lúa gạo đến từ các nước trong khu vực Đông Nam Á đã tham dự Diễn đàn Tương lai lúa gạo khu vực Đông Nam Á 2015 tổ chức tại Việt Nam.

Các vụ lúa gần đây, ngành nông nghiệp sản xuất thành công một số giống lúa chống chịu sâu bệnh, kháng rầy lưng trắng. Tuy nhiên, việc áp dụng vào sản xuất vẫn còn hạn chế.

Những ngày này, nhiều hộ dân ở các xã ven sông của huyện Duy Xuyên đang khẩn trương thu hoạch vụ tôm cuối cùng trong năm 2015 nhằm tránh thất thoát do mưa lũ gây ra. Hiệu quả kinh tế của vụ nuôi này không cao do sản lượng sụt giảm cùng giá bán thấp hơn các vụ trước.

Hải quan Quảng Ninh vừa chỉ đạo các đơn vị tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát đối với mặt hàng Táo đỏ Phú Sỹ nhập khẩu từ Trung Quốc có bao bì mang nội dung vi phạm pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam.

Theo thống kê của Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas), tính riêng tháng 9, nhập khẩu bông của cả nước ước đạt 100.000 tấn, trị giá 163 triệu USD, tăng 13,3% về lượng và 11,9% về trị giá so với tháng trước, tăng 34,1% so với cùng kỳ 2014.