Nuôi Dê Phù Hợp Với Người Ít Vốn

“Nếu đã ít đất canh tác, lại còn thiếu vốn, chăn nuôi dê là sự lựa chọn phù hợp” - chị Nguyễn Thị Chuẩn, chủ trại dê ở thôn Hàng Lang, xã Lộc Phú (huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng), chia sẻ.
Chị Chuẩn lý giải rất hợp lý: Chăn nuôi trâu bò, đòi hỏi phải có nhiều vốn và điều kiện chăn thả cũng cần được tính toán kỹ lưỡng. Trong khi đó, chỉ cần tầm 7 triệu đồng là đã có một cặp dê giống. Hơn nữa, dê còn có khả năng kháng bệnh cao và không chiếm quá nhiều diện tích đất làm chuồng trại, nên mô hình này rất phù hợp với những ai ít vốn hoặc những người mới bắt đầu khởi nghiệp.
Sau khi tìm hiểu kỹ các mô hình chăn nuôi, phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình, chị Nguyễn Thị Chuẩn đã bỏ ra gần 100 triệu đồng để đầu tư chuồng trại và mua 24 con dê giống về nuôi. Nhờ chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật, nên đàn dê của gia đình chị Chuẩn sinh sản tốt và ngày càng phát triển. Đến nay, chưa đầy một năm chăm sóc, đàn dê của gia đình chị Nguyễn Thị Chuẩn đã tăng lên 60 con.
Chị cho biết: “Dê là loài vật ăn tạp nên rất dễ nuôi. Nguồn thức ăn cho dê phong phú, chủ yếu là cây cỏ có sẵn ở địa phương. Chuồng trại cũng hết sức đơn giản. Nuôi dê ít tốn công chăm sóc mà khả năng thu hồi vốn nhanh, hiệu quả kinh tế rất rõ ràng”.
Theo chị Chuẩn, một năm, dê sinh sản 2 lứa, mỗi lứa từ 1 - 2 con. Sau 6 tháng nuôi, trung bình dê đạt từ 25 - 30kg là có thể xuất bán. Ở thời giá hiện nay, 1kg thịt dê bán 120.000 đồng. Như vậy, với đàn dê hiện tại, hứa hẹn mang về cho gia đình chị Nguyễn Thị Chuẩn một nguồn lợi khá lớn. Ngoài ra, chị Chuẩn còn cung cấp dê giống cho các gia đình có nhu cầu nuôi ở địa phương và các vùng lân cận.
Chồng chị Nguyễn Thị Chuẩn, anh Điểu Hòa, cho biết thêm: “Trong tay có khoảng 8 triệu đồng là đã nuôi được dê. Giá 1 con dê giống hiện dao động từ 3 - 4 triệu đồng. Mua một cặp dê đầu tư ban đầu 8 triệu đồng. Chăm sóc gần một năm, cặp dê này bắt đầu sinh sản”.
Cũng theo anh Điểu Hòa, nuôi dê theo hình thức chăn thả hoặc nuôi nhốt trong chuồng trại đều được. Tùy vào điều kiện địa phương và gia đình để có cách chăn nuôi phù hợp. Tuy nhiên, nuôi dê theo phương thức nhốt chuồng sẽ có nhiều lợi ích hơn, như: Không mất công chăn thả, không bị lây nhiễm nguồn bệnh từ bên ngoài... Chăn nuôi theo hình thức này còn tránh được rủi ro bị mất dê và còn có nguồn phân để chăm bón cà phê, chè cũng như những loại cây trồng khác.
Theo vợ chồng anh Điểu Hòa, để chăn nuôi dê đạt hiệu quả kinh tế, ngoài kinh nghiệm tích lũy được, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi cũng hết sức quan trọng. Từ khâu làm chuồng trại cho đến việc theo dõi, quản lý đàn dê đều phải đảm bảo đúng kỹ thuật.
Dê là loài không ưa độ ẩm cao, nên chuồng trại cần phải quét dọn, vệ sinh, tiêu độc, khử trùng thường xuyên. Nếu phát hiện dê bị bệnh, cần cách ly và chữa trị kịp thời để tránh lây nhiễm, gây thiệt hại cho cả đàn. “Thường thì dê hay gặp bệnh ghẻ mồm. Bệnh này chữa trị khá đơn giản. Cắt đôi quả chanh rồi xát mạnh vào chỗ ghẻ cho đến khi bong tróc mới thôi. Lặp lại 3 - 4 lần như vậy, bệnh ghẻ mồm sẽ khỏi” - anh Điểu Hòa trao đổi kinh nghiệm.
Qua khảo sát thực tế, thị trường dê giống và dê thịt hiện đang “hút hàng”, nguồn “cung” chưa đủ “cầu”. Việc chăn nuôi dê không cần nhiều vốn (có ít thì nuôi ít rồi gây đàn), không tốn chi phí thức ăn (chỉ bỏ công cắt cỏ, lá có sẵn), kỹ thuật nuôi không quá khó và tận dụng được điều kiện sẵn có ở địa phương. Nếu được nhân rộng, mô hình này sẽ là một hướng đi mới, rất phù hợp với bà con nông dân, nhất là những hộ nghèo, ít vốn ở nông thôn.
Có thể bạn quan tâm

Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã thu hoạch được hơn 80% diện tích lúa hè thu. Không khí lao động dường như không hề ngơi nghỉ trên những cánh đồng mùa gặt. Tin bão ngoài biển Đông báo về trên loa phát thanh vọng ra từ làng như dồn dập, hối thúc bà con nông tăng tốc thu hoạch gọn lúa hè thu…

Nhiều đối tượng nuôi cho hiệu quả kinh tế cao như: cá rô phi, ba ba, tôm càng xanh… đặc biệt con cá lóc bông được thị trường ưa chuộng đem lại thu nhập cao, ổn định, được xác định là một trong những đối tượng nuôi chủ lực của nông dân Nghĩa Hưng.

“Thời buổi kinh tế khó khăn, số tiền 30 triệu đồng mà Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) cho vay hết sức ý nghĩa với gia đình tôi. Có vốn, tôi sửa sang lại chuồng trại và đầu tư thêm thức ăn cho đàn gà”- ông Đỗ Trọng Bình (thôn Bình Phú, xã Yên Phú, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên) tâm sự.

Anh Đỗ Tiến Hùng quê ở Ngọc Mỹ, Quốc Oai, Hà Nội làm nghề bán đinh lăng gần 10 năm nay. Gần đây, anh Hùng mua được gốc đinh lăng có tuổi đời 62 năm với giá gần 10 triệu đồng, sau đó anh bán lại cho một khách quen với giá 20 triệu đồng.

Vụ mùa năm 2014, huyện Hạ Hòa gieo cấy gần 3.500ha lúa, trong đó diện tích lúa lai chiếm hơn 48%, lúa chất lượng cao 8,76%, còn lại là lúa thuần. Đến thời điểm này, nhiều diện tích lúa đã cho thu hoạch với năng suất ước 54 tạ/ha. Một số cây màu vụ mùa như: Ngô năng suất ước 42 tạ/ha; lạc năng suất ước 16,5 tạ/ha; đậu, đỗ các loại 19,9ha.