Nuôi Dế Đem Lại Thu Nhập Ổn Định

Ông Nguyễn Thành Sinh ở khu phố Trung Thắng, phường Bình Thắng (TX. Dĩ An - Bình Dương) thời gian qua được nhiều người dân ở khu phố biết đến vì có cách làm ăn mới mang lại hiệu quả cao. Ông là hội viên nông dân (ND) tiêu biểu tham gia tích cực các phong trào của hội ở địa phương và thành công trong việc thực hiện mô hình nuôi dế thương phẩm.
Sau khi tham gia chương trình triển khai mô hình nuôi dế do Phòng Kinh tế TX.Dĩ An và Hội ND phường Bình Thắng phối hợp tổ chức vào năm 2007, ông Sinh nhận thấy mô hình này khả thi, không quá phức tạp để thực hiện nên quyết định đến Củ Chi (TP.HC M) học hỏi kinh nghiệm nuôi dế thương phẩm.
Những ngày đầu khởi nghiệp vốn ít nên ông chỉ mua 6 ổ khoảng 500 con giống với giá 300.000 đồng, rồi chịu khó tìm tòi, học hỏi để có thêm kiến thức về mô hình này. Sau 3 năm nhân giống tăng số lượng, ông Sinh đem dế ra thị trường tiêu thụ. Với 80 thùng dế sinh sản và dế thương phẩm trên diện tích đất khoảng 50m2, mô hình nuôi dế cho gia đình ông thu nhập 8 - 10 triệu đồng/tháng.
Theo kinh nghiệm nuôi dế của ông, giai đoạn quan trọng là lúc dế mọc cánh, lúc này chúng hay cắn nhau nên cần để giấy hoặc lá chuối khô trong thùng để chúng ẩn nấp. Thức ăn của dế chủ yếu là cám trộn ít với cỏ khô, rau mầm, xà lách và dùng vải thấm nước cho chúng uống nước.
Vòng đời của con dế từ lúc nở đến lúc xuất bán từ 40 - 45 ngày; dế sinh sản nuôi trong khoảng thời gian khoảng 60 ngày là bắt đầu đẻ, mỗi con dế đẻ khoảng 300 - 400 trứng. “Nuôi dế không đòi hỏi nhiều vốn, nhiều đất, chỉ cần nắm bắt được cách chăm sóc hợp lý là thành công. Thu nhập từ dế không lớn nhưng bảo đảm ổn định, giải quyết được lao động nhàn rỗi”, ông Sinh nói.
Ông Lê Tấn Thành, Chủ tịch Hội ND phường Bình Thắng cho biết: Với mô hình nuôi dế thành công của ông Sinh, hội sẽ tiếp tục tổ chức cho hội viên, ND tham quan để nhân rộng mô hình này, cũng như các mô hình khác như trồng nấm bào ngư, nuôi nhím, trồng hoa lan; đồng thời, kết hợp mở các lớp tập huấn chăm sóc cây cảnh và phối hợp trình diễn mô hình nuôi cá dĩa…
Có thể bạn quan tâm

Gần phân nửa diện tích mía ở huyện Ea Kar và M’Drak - hai vùng nguyên liệu mía lớn của tỉnh Đắk Lắk - đã quá thời kỳ thu hoạch, khô nỏ hết lá; nhiều bãi mía đã được chặt nhiều ngày nhưng chưa được tiêu thụ, nằm phơi nắng khiến người trồng mía “đứng ngồi không yên”.

Từ đầu tháng 3/2014 đến nay, giá tôm hùm giống trên địa bàn huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) giảm mạnh; giá dao động từ 190.000 đến 210.000 đồng mỗi con, giảm gần 200.000 đồng so với thời điểm cách đây hơn 1 tháng.

Sau Tết Nguyên đán Giáp Ngọ đến nay, sức tiêu thụ gia cầm, các sản phẩm gia cầm giảm mạnh, giá trứng, thịt gia cầm cũng giảm theo, làm người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn.

Tại hầu hết các địa phương, nông dân đều đứng ngồi không yên bởi giá lúa giảm khá sâu ở tất cả các loại, từ lúa thường đến lúa thơm. Chính các thương lái cũng tỏ ra bất ngờ trước tình trạng này.

Từ khi thực hiện mô hình sản xuất đưa hoa màu xuống ruộng, nhiều nông dân ở xã Vĩnh Phú Đông (huyện Phước Long, Bạc Liêu) đã ăn nên làm ra. Hiện nay, cây bắp được nông dân xem như một trong những loại hoa màu chủ lực.