Nuôi Chim Yến Trong Khu Dân Cư Lắm Điều Rắc Rối

Gần đây, chim yến đua nhau bay về Bạc Liêu cư ngụ. Nhiều người dân ở đây đã “thức thời” xây nhiều nhà cao tầng, dẫn dụ yến về làm tổ nhằm khai thác nguồn lợi từ loài chim này. Từ đó, kéo theo biết bao sự phiền toái, khổ sở cho những hộ dân ở gần khu vực nuôi yến.
Ban đầu, chim yến được nuôi nhiều trong khu Địa ốc (phường 1, TP. Bạc Liêu). Thấy nuôi chim yến có hiệu quả kinh tế cao, nhiều người tổ chức nuôi và phong trào nuôi chim yến ngày càng lan rộng, kể cả những người ở khu dân cư đông đúc. Việc làm này đã gây bao phiền toái cho những người hàng xóm.
Đơn cử, người dân tại đường Ngô Quang Nhã (phường 1, TP. Bạc Liêu) rất bức xúc bởi tiếng ồn phát ra từ hai căn nhà nuôi chim yến. Đó là tiếng kêu inh ỏi của chim và từ những chiếc máy phát ra âm thanh để dẫn dụ chim yến. Bà Vũ Thị Đáy, 65 tuổi, nhà ở gần khu vực nuôi chim yến, cho biết: “Tôi đã lớn tuổi nên việc nghỉ ngơi đã khó khăn. Vậy mà ngày nào cũng phải chịu đựng tiếng ồn của máy và tiếng kêu của chim yến từ sáng sớm cho đến chiều tối”.
Bên cạnh tiếng ồn, chất thải từ chim yến cũng khiến người dân vô cùng bực bội. Anh Trần Vũ Nguyên (ngụ phường 3, TP. Bạc Liêu), cho rằng: “Hồ chứa nước mưa của gia đình tôi và các hộ lân cận hiện nay không thể sử dụng được bởi chất thải từ chim yến. Việc giặt giũ cũng gặp khó khăn. Tôi phải đợi cho chim yến bay về tổ mới đem quần áo ra phơi. Không biết gia đình tôi phải chịu đựng cảnh này đến bao giờ?”. Chưa hết, phân chim yến thường có mùi hôi rất nặng, lại tích tụ lâu ngày nên cũng là nỗi ám ảnh của các hộ dân sống bên cạnh khu vực nuôi chim yến.
Hiện nay, trên địa bàn TP. Bạc Liêu có khoảng 37 hộ nuôi chim yến với tổng số 11.085 con, tập trung chủ yếu ở phường 1 và phường 5; số còn lại nằm rải rác ở một số xã, phường trên địa bàn.
Theo Thông tư quy định tạm thời trong vấn đề quản lý và nuôi chim yến: “Nhà nuôi yến phải độc lập, cách xa nhà dân xung quanh ít nhất 30m, âm thanh phát ra không vượt quá 70dBA (đề-xi-ben A) trong khoảng thời gian từ 6 - 21 giờ, không được sử dụng âm thanh trong thời gian từ 21 - 6 giờ sáng ngày hôm sau”. Quy định là vậy, nhưng xem ra đó vẫn còn là lý thuyết, bởi lẽ hiện nay, nhiều nhà nuôi chim yến vẫn liên tiếp mọc lên trong khu dân cư đông đúc.
Để việc nuôi chim yến ngày càng phát huy hiệu quả, đảm bảo an toàn, tránh gây rắc rối, khó chịu cho người dân, các ban ngành có liên quan cần có những kế hoạch cụ thể trong việc phân chia vùng nuôi chim yến. Khuyến cáo người dân hạn chế nuôi chim yến trong khu dân cư để tránh tình trạng bất cập như hiện nay. Cần giới hạn thời gian phát tiếng kêu ở các điểm và những hộ nuôi chim yến. Kiểm soát chặt chẽ khâu phòng ngừa dịch bệnh để bảo vệ môi trường sống và sức khỏe của người dân.
Có thể bạn quan tâm

Nuôi gà thả vườn là mô hình nuôi gà chung theo hình thức cộng đồng làng vừa được tổ chức phi chính phủ Malteser International (Đức) triển khai thí điểm tại một số xã của huyện Tây Giang (Quảng Nam), giúp người dân thay đổi tư duy canh tác và tiếp cận mô hình mới, đem lại hiệu quả thiết thực.

Thái Nguyên những ngày đầu tháng 11, tiết trời se lạnh, nhưng ở các vùng chè của tỉnh vẫn sôi động, ấm áp bởi không khí chuẩn bị cho Festival Trà Thái Nguyên - Việt Nam lần thứ hai, nhằm hướng tới việc quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư phát triển ngành chè Việt Nam nói chung và chè Thái Nguyên nói riêng.

Ông Ngô Hùng Lâm, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã An Bình (Thoại Sơn - An Giang) cho biết, toàn xã có 14 hộ trồng lúa Nhật, với diện tích 120 héc-ta, năng suất bình quân 6-6,5 tấn/héc-ta, giá lúa ký kết cao hơn giá lúa thị trường từ 1.500 đến 2.000 đồng/kg. Sắp tới, Công ty TNHH Angimex Kitoku xây dựng nhà máy tại xã Vọng Đông sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc thu mua lúa cho nông dân.

Giá cà phê giảm mạnh ngay từ đầu niên vụ 2013-2014 đã khiến cho nông dân trồng cà phê lo lắng và tính toán kỹ lưỡng để may ra hòa vốn hoặc bị lỗ càng ít càng tốt.

Nuôi cá nước lợ trong mùa bão lũ tuy phải đối mặt với rủi ro do thiên tai nhưng hiệu quả kinh tế mang lại rất cao, gấp 1,5 lần so với nuôi thông thường.