Nuôi cá, trồng lúa chui trên đất quy hoạch

Tiếc đất bỏ hoang
Theo ông Nguyễn Văn Sơn – Phó Chủ tịch Hội ND xã Phước Kiển (Nhà Bè), một số nơi dọc trên đường Nguyễn Hữu Thọ được quy hoạch thành khu đô thị của thành phố, hiện đã trở thành ao cá bởi những nông dân tiếc đất quy hoạch bỏ hoang lâu ngày.
Ông Lâm Thành Tâm – nông dân nuôi cá “chui” ở Nhà Bè đang cho cá ăn.
Ông Sáu Tâm (Lâm Thành Tâm) ở ấp 3, Phước Kiển, hiện là chủ 3 ao cá ven đường Nguyễn Hữu Thọ, cho biết ông quê ở Cần Thơ.
Năm 1999, huyện Nhà Bè triển khai xây dựng đường Nguyễn Hữu Thọ, ông là quản lý đội công nhân làm vỉa hè.
“Khi đó, tui thấy đất ở đây bỏ hoang rất nhiều, nên có ý định nếu có cơ hội sẽ đào ao nuôi cá”- ông Sáu Tâm nói.
Năm 2003, khi về làm quản lý đội công nhân xây dựng khu đô thị Phú Mỹ Hưng, thấy một số nhà hàng bỏ cơm thừa khá nhiều, ông Sáu Tâm lại nôn nóng việc nuôi cá.
Từ đây, ông bỏ hẳn việc làm công nhân cầu đường và chuyển sang đào ao nuôi cá tại ấp 3 xã Phước Kiển.
Đầu tiên, ông bỏ ra 40 triệu đồng thuê xe đào một cái ao rộng 4.000m2 nuôi cá trên cánh đồng dừa nước bạt ngàn, rồi đi xin cơm thừa canh cặn từ các nhà hàng về nuôi cá tra.
Sau những đợt thu hoạch cá, ông dành dụm tiền lời và đào thêm những ao nuôi cá khác.
Có thời điểm, ao nuôi cá của ông Sáu Tâm nằm liên tiếp dài gần 1km bên đường Nguyễn Hữu Thọ.
Giờ ông chỉ còn 4 ao cá, với diện tích mặt nước gần 2ha nuôi cá tra, cá dồ đém, cá rô phi đơn tính...
“Tui đào ao nuôi cá mà chẳng mất đồng thuê đất nào.
Chính quyền địa phương thấy tui thật thà, chí thú làm ăn nên ủng hộ.
Hiện mỗi năm doanh thu từ các ao cá được gần 200 triệu đồng” - ông Sáu Tâm cho biết.
Tại xã Phước Kiển, còn có bà Hương, ông Sáu Cá… cũng tận dụng đất quy hoạch bỏ hoang để nuôi cá.
Bà Hương có gần 2ha mặt nước (đất quy hoạch đô thị thành phố), còn ông Sáu Cá có hơn 1ha mặt nước nuôi cá (đất quy hoạch là khu dân cư Thái Sơn 2)…
Trên khu đất quy hoạch để thực hiện dự án đầu tư xây dựng kinh doanh hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Tân Phú Trung (xã Tân Phú Trung, Củ Chi), anh Hoàng Minh Lành đang lúi cúi san lấp mặt ruộng chuẩn bị cho vụ lúa mới.
Khoảng chục năm trước, hơn 100ha đất trồng lúa ở đây đã được thành phố quy hoạch.
Tuy nhiên, thấy đất quy hoạch rồi bỏ hoang nhiều năm, một số ND, trong đó có anh Lành, đã bỏ vốn đầu tư trồng lúa.
“Đất tôi trước cũng ở đây, nhưng sau khi thành phố quy hoạch, giải tỏa, đền bù cho dân thì lại bỏ hoang.
Tiếc đất, chúng tôi lại rủ nhau bỏ vốn đầu tư trồng lúa” - anh Lành nói.
Rủi ro chực chờ…
Việc ND tiếc đất quy hoạch bỏ hoang nên đầu tư sản xuất quả là tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là gần đây thị trường địa ốc ở thành phố đang có tín hiệu hồi sinh, việc thành phố thu hồi đất để triển khai các dự án đang hiển hiện.
Theo bà Lại Thị Mỹ Hương – Phó Chủ tịch UBND xã Phước Kiển, trước khi đầu tư sản xuất, chính quyền địa phương đã khuyến cáo khi nào thành phố thu hồi đất thì ND phải trả lại và không được đòi hỏi đền bù, hỗ trợ bất cứ điều gì.
Ông Sáu Tâm cho biết ông đã đầu tư hơn 300 triệu đồng vào việc đào ao nuôi cá: “Tui biết, với tình hình này thì sớm muộn gì thành phố cũng lấy lại đất.
Tui đang định chuyển đi nơi khác nuôi cá tiếp”.
Ông Sáu Tâm đang dự định sẽ trả lại đất và về khu đất quy hoạch sân golf tại huyện Nhà Bè tiếp tục đào ao nuôi cá “chui”.
Trong khi đó, tại khu vực cánh đồng hoang thuộc xã Đông Thạnh (Hóc Môn), có dự án khu dân cư 18ha do Công ty Xây dựng Thương mại kinh doanh nhà Thành Phát làm chủ đầu tư, hơn chục năm quy hoạch đến nay vẫn bỏ hoang.
Một số hộ dân nhận tiền đền bù đã di dời, những hộ chưa nhận tiền thì ở lại cầm cự trồng lúa.
“Nếu khu đất bị thu hồi, một số hộ trồng lúa “chui” sẽ mất tiền đầu tư vào ruộng đất” - một người làm lúa ở đây thừa nhận.
Việc ND tiếc đất quy hoạch bỏ hoang nên đầu tư sản xuất quả là tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là gần đây thị trường địa ốc ở thành phố đang có tín hiệu hồi sinh, việc thành phố thu hồi đất để triển khai các dự án đang hiển hiện.
Có thể bạn quan tâm

Thực hiện kế hoạch kiên cố hóa kênh mương năm 2015, có 10 xã xây dựng nông thôn mới của thị xã An Nhơn đăng ký bê tông kiên cố hóa tổng số gần 34 km kênh mương nội đồng trên địa bàn.

Bộ Công Thương (CT) vừa tổ chức Lễ tôn vinh 100 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu (CNNTTB) cấp quốc gia - 2015. Đợt này, tỉnh Bình Định có 5 sản phẩm được tôn vinh.

Festival Nông nghiệp TPHCM 2015 đông nghẹt người. Bên trong lối vào chính, chị Hòa, một nông dân ở huyện Hóc Môn khoe bán mỗi ngày gần 20 chậu mai. Theo chị, festival có chút trở ngại về thời tiết. Hai ngày đầu mưa lớn, khách dự festival không đông.

Trong 9 tháng đầu năm 2015, tổng số lô hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam bị phát hiện có chất kháng sinh cấm và không đảm bảo an toàn thực phẩm nhiều hơn so với cả năm 2014.

Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam vừa điều chỉnh giảm mức dự báo kim ngạch xuất khẩu tôm năm 2015 xuống còn khoảng 2,9 tỉ đô la Mỹ, tức là giảm đến hơn 1 tỉ đô la Mỹ so với năm 2014 và giảm 300 triệu đô la Mỹ so với mức dự báo mà VASEP đưa ra vào đầu tháng 7-2015.