Nuôi Cá Tầm Trên Sông Sêrêpôk

Từ nuôi cá lăng đuôi đỏ lồng...
Cá lăng đuôi đỏ là thủy đặc sản trên dòng Sêrêpôk (Đăk Lăk). Gần đây, giá cá lăng tăng cao nên loài thủy đặc sản này bị khai thác cạn kiệt. Gần đây, nhiều hộ ND các xã: Ea Kao, Hòa Phú (TP.Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk) cùng một số doanh nghiệp đã thành công trong nuôi cá lăng đuôi đỏ bằng lồng, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Nguyễn Minh Tuấn (thôn Cao Thành, xã Ea Kao) - một trong những hộ nuôi thành công và làm giàu nhờ nuôi cá lăng lồng cho biết: Trước đây, gia đình ông nuôi các loại cá nước ngọt trắm, mè, diêu hồng, cá lóc... bằng lồng. Sau khi nuôi thử nghiệm thành công cá lăng bằng lồng, ông mạnh dạn đầu tư nuôi cá lăng lồng quy mô lớn trên hồ Ea Kao (hồ thủy lợi lớn nhất của TP.Buôn Ma Thuột).
Theo ông Tuấn, cá lăng khá dễ nuôi, ít bị bệnh. Mỗi lứa nuôi từ 14 - 15 tháng, cá đạt trọng lượng 2kg/con là có thể xuất bán. Với 24 lồng nuôi, mỗi lồng nuôi 1.000 con, bán buôn từ 150.000 - 180.000 đồng/kg, mỗi vụ sau khi trừ chi phí, ông lãi trên 500 triệu đồng.
Anh Trần Duy Viễn - Phó Giám đốc Nhà máy Thuỷ điện Sêrêpôk 4 cho biết, tháng 7.2011, nhà máy đã đầu tư lồng và thả nuôi hơn 40.000 cá lăng đuôi đỏ trong 44 lồng nuôi. Sau gần 6 tháng, trọng lượng cá từ 70 con/kg ban đầu đã tăng lên 3 - 4 con/kg. Mô hình nuôi cá lăng đuôi đỏ bằng lồng được kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
Đến “địa chỉ đỏ” cá tầm
Sau một thời gian khảo sát, tháng 11.2011, Tập đoàn Cá tầm Việt Nam khai trương cơ sở nuôi cá tầm Nga với quy mô lớn nhất nước, với lượng thả nuôi 1 triệu con/lần nuôi. Năm 2007, Tập đoàn Cá tầm Việt Nam đã đầu tư nuôi cá tầm Nga tại một số hồ thuỷ điện ở các tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận, Bình Định và Bắc Giang, cho kết quả khả quan.
Theo TS Klima Vladimiar - chuyên gia cá tầm Nga thuộc Tập đoàn Cá tầm Việt Nam, qua khảo sát tại các lòng hồ thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk, khu vực lòng hồ của 3 nhà máy thủy điện lớn trên các bậc thang thủy điện thuộc hệ thống sông Sêrêpôk gồm buôn Tu Srah, buôn Kuốp và Sêrêpôk 3 có điều kiện về khí hậu, thổ nhưỡng, cũng như hệ sinh thái môi trường rất tốt, có thể phát triển nuôi với quy mô công nghiệp các giống cá tầm Nga. Chất lượng trứng và thịt của cá tầm Nga nuôi ở Việt Nam không hề thua kém sản phẩm cá tầm của bất cứ quốc gia nào trên thế giới.
Hiện nay cá tầm thịt bán buôn trên thế giới có giá từ 8.000 - 12.000 USD/tấn, riêng trứng cá tầm có giá từ 1.000 - 6.000 USD/kg và thị trường thế giới vẫn luôn trong tình trạng "khan" hàng.
Hiện nay, cơ sở nuôi cá tầm Nga tại hồ Thuỷ điện Buôn Tu Srah, xã Nam Kar, huyện Lăk thả nuôi 40.000 con cá thương phẩm, quy mô 40 lồng để khai thác trứng cá xuất khẩu. Ông Lê Anh Đức - Chủ tịch Tập đoàn Cá tầm Việt Nam cho biết: Trong vòng 2 năm tới, tập đoàn dự kiến sẽ đầu tư thêm từ 5 - 10 trung tâm nuôi trồng cá tầm mới có quy mô lớn tại Đăk Lăk. Sản lượng trứng cá tầm từ hệ thống nuôi trồng dự kiến đạt đến 1.000 tấn/năm.
Đăk Lăk hiện có hơn 37.000ha mặt nước có khả năng nuôi trồng thủy sản, trong đó diện tích mặt nước là các lòng hồ thủy điện, thủy lợi quy mô lớn chiếm tỷ lệ cao. Với việc nuôi cá tầm lồng không chỉ mở ra nghề mới, giải quyết việc làm cho lao động địa phương mà còn đưa Đăk Lăk trở thành một "địa chỉ đỏ" trong bản đồ nuôi cá tầm của thế giới cả về quy mô lẫn giá trị kinh tế.
Có thể bạn quan tâm

Trứng gà Tân An (Quảng Ninh) là một trong số những nông sản được tỉnh lựa chọn để xây dựng thương hiệu. Đây là cơ hội nâng cao uy tín sản phẩm; tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, việc được chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu vẫn chưa giúp gì nhiều cho trứng gà Tân An mở rộng hơn thị trường tiêu thụ...

Ông Phạm Hùng Sanh, thôn Xuốm, xã Đồng Lương, cho biết: Sau khi được chính quyền địa phương tuyên truyền, qua tìm hiểu thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng được sự hỗ trợ kinh phí, tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây cao su, gia đình tôi quyết định chuyển đổi một số diện tích vườn tạp và cây trồng kém hiệu quả sang trồng mới 1,5 ha cao su.

Ông Nguyễn Văn Chiểu, xã Gia Tân 2 (huyện Thống Nhất - Đồng Nai) nổi tiếng là người đi tiên phong sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi với quy mô lớn tại Đồng Nai. Hiện trang trại của ông đang có 500 heo nái, 3 ngàn heo thịt và đang đầu tư mở rộng trại, tăng đàn thêm 1 ngàn heo thịt.

Để phòng, trừ kịp thời sâu cuốn lá nhỏ gây hại trên lúa, Chi cục BVTV tỉnh đã phối hợp với trạm BVTV, cùng chính quyền các huyện triển khai các biện pháp phòng, trừ có hiệu quả, như: Tuyên truyền cho bà con nông dân và các cán bộ nông nghiệp cơ sở thường xuyên thăm đồng, nhằm phát hiện kịp thời nơi phát sinh ổ sâu mới và nắm bắt tình hình diễn biến sâu, bệnh để có cách phòng trừ phù hợp, kịp thời, hiệu quả.

Người dân Lý Sơn (Quảng Ngãi) gọi vụ sản xuất những tháng hè là “vụ tưới nước”, vì từ lúc xuống giống đến lúc thu hoạch phải tưới nước liên tục cho cây trồng. Trong khi các địa phương khác đang phải đối mặt với hạn hán gia tăng ở vụ này, thì ở Lý Sơn hiện tại tình hình nước tưới vẫn đảm bảo.