Gà Bạc Triệu Cháy Hàng Trong Dịp Cuối Năm

Với người Việt Nam, gà là một món ăn đặc trưng, không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Theo các nhà nghiên cứu, trong số những sản vật quý hiếm thường dùng để cung tiến cho vua chúa ngày xưa, có 2 giống gà hiện còn được lưu giữ và nhân giống tại Bắc Ninh, đó là gà chín cựa (hay còn gọi là gà Sơn Tinh) và gà Hồ (Lạc Thổ, thị trấn Hồ, Thuận Thành). Trong thời buổi “phú quý sinh lễ nghĩa”, nhiều người đã không tiếc công sức, tiền bạc săn lùng những giống gà quý này.
Gà chín cựa – từ truyền thuyết đến hiện thực
“Voi 9 ngà, Gà 9 cựa, Ngựa 9 hồng mao” là những sản vật quý báu đã đi vào tiềm thức của mọi người dân nước Việt từ thuở hồng hoang dựng nước của các Vua Hùng. Trải qua hơn 4.000 năm lịch sử, giống gà chín cựa ngỡ chỉ có trong truyền thuyết ấy lại xuất hiện bằng xương, bằng thịt giữa thế kỷ 21 ngay tại miền đất quan họ Bắc Ninh – Kinh Bắc, nơi có lăng mộ và đền thờ Thủy tổ dân tộc Kinh Dương Vương.
Sau nhiều năm lặn lội, dày công nghiên cứu, Công ty TNHH MTV Gà giống Dabaco (xã Lạc Vệ, huyện Tiên Du, Bắc Ninh), thuộc Tập đoàn Dabaco Việt Nam đã thành công trong việc ứng dụng các tiến bộ công nghệ hiện đại, chọn tạo, lưu giữ giống gà nhiều cựa quý hiếm này.
Hiện tại, trang trại chăn nuôi gà nhiều cựa của Công ty có trên 60.000 con gà đủ loại, từ gà giống 1 ngày tuổi cho đến gà trưởng thành, gà bố mẹ. Đây là giống gà có giá trị cao, thân hình mảnh dẻ, mắt sáng, mào đỏ tươi như máu. Đuôi mảnh, cong vút tựa cầu vồng; đặc tính hoang dã, ưa chạy nhảy, nuôi chăn thả như gà ta. Riêng cặp chân to, chắc và mọc đều 3 cựa mỗi bên; mỗi cựa dài, ngắn khác nhau mọc nối theo hàng, cựa trên cùng hoàn toàn chỉ là sừng, cong vút như lưỡi câu...
Để phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp Tết Giáp Ngọ 2014, Công ty TNHH MTV Gà giống Dabaco lần đầu tiên đưa ra thị trường loại gà quý hiếm này. Dự kiến đến hết tháng 3-2014, sẽ có khoảng 10.000 con gà chín cựa được đưa ra thị trường. Trung bình, một con gà trưởng thành có trọng lượng khoảng 3kg, giá bán 3 triệu đồng/con; những con có hình thức, mẫu mã đẹp, cựa mọc dài và đầy đủ thì giá bán có thể lên tới hàng chục triệu đồng...
Anh Nguyễn Như Phán, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Gà giống Dabaco chia sẻ: “Có nhiều đơn đặt hàng từ khắp mọi miền tổ quốc gửi về. Trong thời gian tới, Công ty tiếp tục nghiên cứu phát triển và nhân giống gà nhiều cựa nhằm phục vụ nhu cầu của người dân, thể hiện truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn” và góp phần xây dựng văn hóa tâm linh của người Việt ngày một sâu đậm hơn...”.
Lạc Thổ vang tiếng gà Hồ
Được bao bọc bởi dòng sông Đuống thơ mộng, vùng đất Lạc Thổ (thị trấn Hồ, Thuận Thành) vốn nổi tiếng với truyền thống văn hóa và lịch sử lâu đời. Cùng với tranh dân gian Đông Hồ, gà Hồ là một sản vật quý giá, là niềm tự hào của người dân nơi đây và đã được Viện chăn nuôi Quốc gia công nhận là nguồn gen quý hiếm, di sản quốc gia.
“Đầu công, mình cốc, cánh trai” là câu truyền miệng để nhận biết giống gà này. Gà Hồ có trọng lượng lớn, mào đỏ hoặc hồng như hoa mẫu đơn. Một con gà trống trưởng thành phải đạt trọng lượng từ 4kg trở lên, đầu gộc màu mã mận (màu mận chín) hoặc mã lĩnh (màu đen); mào xít hoặc mào nụ; chân cao tròn và to vừa phải, vẩy mịn; đuôi nơm.
Gà mái ngoài việc có đầy đủ các tiêu chí như gà trống, phải đạt trọng lượng từ 3kg, lông mang màu mã thó (trắng màu đất thó), mã sẻ (màu lông chim sẻ) hoặc mã nhãn (màu quả nhãn chín). Dưới góc độ ẩm thực thì thịt gà Hồ là một món ăn ngon và giàu chất dinh dưỡng, ăn một lần là nhớ mãi.
Tồn tại qua nhiều thế kỷ, giống gà này dần bị mai một và lai tạp, dẫn đến nguy cơ tiệt chủng. Ông Nguyễn Đăng Chung, chủ nhiệm CLB gà Hồ Lạc Thổ cho biết: “Năm 1992, chúng tôi thành lập CLB gà Hồ Lạc Thổ, là nơi giao lưu, trao đổi kinh nghiệm của những người có niềm đam mê với giống gà cổ này. Đồng thời, CLB tiến hành tuyển chọn, nghiên cứu thêm về các đặc điểm, tiêu chí của giống gà Hồ để dựng lại khuôn mẫu, góp phần lưu giữ và bảo tồn nguồn gen quý hiếm”.
Dẫn chúng tôi đi thăm trang trại của gia đình ông Đỗ Tá Dũng ở xóm Ngõ Trại - một trong những hộ hiện nuôi giữ nhiều dòng gà Hồ đẹp nhất trong số 40 hộ nuôi gà Hồ ở làng Lạc Thổ, ông Dũng chia sẻ: “Gà Hồ có nhiều đặc điểm quý, song lại có những hạn chế nhất định như phát triển chậm, sinh sản muộn, đẻ thưa dẫn đến số lượng hiện nay chưa nhiều, cung không đủ cầu.
Đàn gà của gia đình tôi về số lượng thì nhiều bậc nhất ở Lạc Thổ, nhưng cũng chỉ có khoảng 50 con để cung ứng trong dịp Tết Giáp Ngọ và đều được khách hàng đặt từ trước.
Loại gà thương phẩm bình thường được bán với giá 500.000-700.000 đồng/kg; đặc biệt có một số con gà ưng ý, khách hàng trả giá hơn chục triệu đồng nhưng tôi quyết giữ lại không bán. Chúng tôi nuôi gà Hồ hiện nay cũng chỉ một phần do giá trị kinh tế, còn lại là vì tâm huyết, vì nặng lòng với nét văn hóa quê hương...”.
Dưới sự giúp đỡ của trường Đại học Nông nghiệp I, Viện chăn nuôi Quốc gia cũng như một số dự án trong nước và quốc tế, hy vọng người Lạc Thổ sẽ bảo tồn, nhân rộng và phát triển giống gà Hồ, để tiếng gà Hồ sẽ mãi vang xa...
Có thể bạn quan tâm

Chiết cành thường vào vụ xuân tháng 2-4 và vụ thu tháng 8-9. Vụ xuân chiết trước khi cây nhú lộc xuân. Nếu các loại cây rụng lá vào mùa đông, cần chiết sau khi lộc xuân đã trở thành lá bánh tẻ thì tỷ lệ cây sẽ ra rễ nhiều hơn

Tin từ Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh Đắk Nông ngày 28.5, đơn vị này đã phát hiện và thu giữ một lượng lớn chất cấm trong chăn nuôi được bán tại hai cơ sở kinh doanh thuốc thú y, thức ăn gia súc của bà Vũ Thị Miên (xã Đắk Sin) và cửa hàng Anh Khoa (thị trấn Kiến Đức, cùng H.Đắk R’lấp).

Trở lại vùng nuôi tôm ở Ninh Thuận dọc tuyến đường ven biển từ An Hải (Ninh Phước) đến Phước Dinh (Thuận Nam), chúng tôi cảm nhận được không khí trầm lặng khi nhìn thấy khá nhiều ao đìa bỏ không. Trong những tháng qua, do xuất hiện bệnh lạ làm tôm nuôi chết hàng loạt đã khiến các hộ nuôi chần chừ chưa dám thả giống dù đã vào chính vụ. Một số hộ chọn giải pháp an toàn là ngưng sản xuất để xem thử tình hình.

Theo đó, Sở NN–PTNT Dak Lak được hỗ trợ 75.400 cây, Lâm Đồng: 70.000 cây, Dak Nông: 50.000 cây, Gia Lai: 50.000 cây, Kon Tum: 10.000 cây, Công ty TNHH một thành viên cà phê Thắng Lợi (Dak Lak): 20.600 cây, Công ty TNHH một thành viên xuất nhập khẩu cà phê 2/9 (Dak Lak): 20.000 cây. Số lượng cây giống này gồm 3 loại: cà phê mít ghép, cà phê vối ghép và cà phê thực sinh do Công ty TNHH tư vấn đầu tư phát triển nông - lâm nghiệp Eakmat cung cấp vào tháng 7/2012. Tiến sĩ Trần Vinh, Phó viện trưởng Viện khoa học kỹ thuật nông - lâm nghiệp Tây Nguyên cho biết: số cà phê giống này phục vụ cho việc tái canh những diện tích cà phê già cỗi, kém chất lượng. Viện cũng sẽ hỗ trợ kỹ thuật cho bà con nông dân trong việc triển khai việc tái canh đạt hiệu quả.

Chỉ sau một cơn mưa trái mùa, nhiều diện tích lúa ĐX ở các huyện phía tây của tỉnh Tiền Giang sắp thu hoạch bị thiệt hại nặng nề.