Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nuôi Bò Trên Đảo Tiền Tiêu

Nuôi Bò Trên Đảo Tiền Tiêu
Ngày đăng: 26/12/2013

Cùng với cây hành, cây tỏi và các loại cây trồng vật nuôi khác, trong những năm qua nhiều người dân Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã phát triển mô hình chăn nuôi bò. Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, cải thiện đời sống cho người chăn nuôi mà còn có thể góp phần giúp người dân tự túc được một phần thực phẩm.

Lợi nhuận cao...

Chúng tôi đến nhà ông Trương Thanh Trung ở thôn Đông, xã An Hải - người có thâm niên nuôi bò hơn 10 năm nay tại huyện đảo Lý Sơn cũng là lúc ông đang lùa đàn bò của mình từ trên núi Thới Lới về chuồng.

Thấy chúng tôi trầm trồ đàn bò của mình, ông Trung cười tươi bảo: "Bấy nhiêu là ít rồi đó, chứ mấy năm trước tôi còn nuôi nhiều nữa". Khi biết chúng tôi tìm hiểu về mô hình chăn nuôi bò trên đất đảo, sau khi nhốt bò vào chuồng, ông ra ngoài tiếp chuyện với chúng tôi.

Ông Trung cho biết: Gia đình ông nuôi bò được hơn 10 năm nay, ban đầu ông chỉ nuôi một vài con thử nghiệm, sau khi thấy hiệu quả kinh tế cao, ông mạnh dạn mở rộng chăn nuôi với quy mô lớn. Có lúc số lượng bò trong trang trại của ông lên đến vài ba chục con. Hiện nay, trang trại của ông lúc nào cũng duy trì số lượng bò từ 18-20 con.

Để có nguồn thức ăn cho bò, ngoài những thức ăn mang tính thời vụ, ông còn trồng thêm cỏ. Nhờ tận dụng được tối đa nguồn thức ăn, ông đã giảm chi phí đầu tư rất nhiều. "Nuôi bò là mô hình làm kinh tế hiệu quả, vừa tận dụng được các nguồn nguyên liệu sẵn có để làm thức ăn, vừa đem lại lợi nhuận cao chỉ trong thời gian ngắn"- ông Trung cho biết.

Theo ông Trung, trước đây, kinh tế gia đình ông chỉ dựa vào cây hành, cây tỏi, thu nhập của những loại cây này cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống hằng ngày. Nhờ chuyển sang nuôi bò, mà kinh tế gia đình ông ngày càng được cải thiện. Từ chăn nuôi bò, mỗi năm gia đình ông thu lãi hàng chục triệu đồng. Với thu nhập như thế, gia đình ông rất chủ động trong việc sử dụng nguồn vốn vào nhiều công việc khác nhau, cũng như trang trải cuộc sống.

Gia đình ông Trung chỉ là một trong số nhiều gia đình phát triển chăn nuôi bò ở đảo Lý Sơn. Theo thống kê, trên địa bàn huyện Lý Sơn hiện có khoảng trên 70 hộ chăn nuôi bò, với số lượng đàn bò khoảng gần 600 con. Hiện nay các hộ chăn nuôi bò tự trồng cỏ trên bờ ruộng còn trống, đất ven đồi không sản xuất hành tỏi để tự túc nguồn thức ăn cho bò.

Ông Ngô Vân ở thôn Tây, xã An Hải cho biết: Trái ngược với những thứ hàng nông sản khác, việc mua bán bò lại quá dễ dàng khi mà nhu cầu bò thịt đang tăng cao. Người dân chăn nuôi bò nếu có việc gì đột xuất cần tiền thì gọi cho thương lái, mấy tiếng sau là có tiền từ bán bò...

...nhưng khó phát triển mạnh

Có thể nói, chăn nuôi bò góp phần đắc lực trong việc phát triển kinh tế của người dân ở huyện đảo Lý Sơn. Tuy nhiên, hiện nay việc phát triển chăn nuôi bò ở Lý Sơn đang gặp khó khăn.

"Lợi nhuận chăn nuôi bò mang lại cho người dân là rất lớn. Song cái khó hiện nay là người dân không thể mở rộng phát triển đàn bò. Bởi hiện nay, diện tích chăn thả bò đang dần bị thu hẹp, cũng như với diện tích nhỏ hẹp việc phát triển chăn nuôi gần khu dân cư ảnh hưởng lớn đến môi trường xung quanh." - ông Nguyễn Trí Thức- Chủ tịch Hội Nông dân xã An Hải cho biết.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, tập quán của người dân chăn nuôi bò chủ yếu với hình thức thả rông. Tình trạng này ảnh hưởng rất lớn đến công tác trồng rừng phủ xanh đồi trọc, bảo vệ môi trường sinh thái cũng như bảo vệ cây trồng, hoa màu.

Hiện, để đảm bảo quy hoạch vùng chăn nuôi gia súc trên địa bàn huyện phù hợp với điều kiện thực tế, đạt hiệu quả, huyện Lý Sơn cũng đã quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung ở khu vực phía đông C5 dưới chân núi Giếng Tiền; khu vực Tân Nông phía sau nhà máy điện Lý Sơn và khu vực triền núi sau khu trài dân 733 dọc theo đường lên hồ chứa nước Thới Lới nhằm hạn chế tình trạng thả rông bò lên các đồi núi nhằm bảo vệ diện tích rừng hiện có, đảm bảo nguồn thức ăn, nước uống cho gia súc, đảm bảo vệ sinh môi trường.

"Thời gian tới, địa phương sẽ vận động những hộ chăn nuôi đưa tất cả bò lên vùng quy hoạch không được thả rông lên đồi núi làm ảnh hưởng đến việc trồng và bảo vệ cây rừng; tận dụng vùng đất không sản xuất hoa màu để trồng cỏ làm thức ăn cho bò, để việc phát triển chăn nuôi bền vững, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao"- ông Nguyễn Trí Thức- Chủ tịch Hội Nông dân xã An Hải cho hay.


Có thể bạn quan tâm

Phá Bỏ Hàng Loạt Vườn Cao Su Phá Bỏ Hàng Loạt Vườn Cao Su

Tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, từ miền Đông đến miền Trung, người dân phá bỏ vườn cao su để chuyển sang các loại cây nông nghiệp ngắn ngày khác do giá mủ cao su giảm mạnh.

13/06/2014
Thanh Long Nóng Giá, Nóng Điện Thanh Long Nóng Giá, Nóng Điện

Chưa có thanh long chính vụ nào lại được giá cao như thế, như năm ngoái được đánh giá là cao nhất mọi năm cũng dừng ở 18 ngàn đồng/kg. Dù vậy, dân trồng thanh long lại đang lo. Có người phân tích, vì thanh long đang bị nấm trắng, vì để dưỡng sức cho dây nên đợt trái này, trước đó mới ra búp nhiều chủ vườn đã lặt bỏ để bảo vệ cây.

05/07/2014
Nông Dân Bị Ép Giá Vì Thiếu... Cầu Nông Dân Bị Ép Giá Vì Thiếu... Cầu

Chỉ cách quốc lộ 20 chưa đầy 20 km, tốn phí qua phà đối với vận chuyển hàng hóa nông sản ra và ngược lại vận chuyển vào vật tư nông nghiệp phân bón thuốc bảo vệ thực vật, lý ra, hàng nông sản của nông dân Thanh Sơn bán giá phải cao hơn để bù đắp chi phí. Thế nhưng, ngược lại, hàng nông sản của họ bị ép giá thấp hơn mức bình thường 10 đến 15%.

05/07/2014
Nhiều Lúc Ta Tự Dìm Hàng Mình Nhiều Lúc Ta Tự Dìm Hàng Mình

Tôi cho rằng đó là vấn đề tư tưởng. Nông dân ta vốn cần cù, chịu khó nhưng tư tưởng nhiều người còn thủ cựu, còn bị kìm hãm. Họ bảo thủ nên khi vận động để làm lợi cho họ mà có khi không làm hoặc làm nhưng ẩu. Làm cho chính mình, có người hướng dẫn ở đó thì đúng nhưng không có là làm sai. Làm cho chính mình nhưng có hỗ trợ mới tích cực còn không thì qua loa, đại khái.

13/06/2014
Khuyến Cáo Không Nên Nhổ Bỏ Hàng Trăm Hécta Ớt Khuyến Cáo Không Nên Nhổ Bỏ Hàng Trăm Hécta Ớt

Ngoài ra, nông dân không nên mở rộng diện tích trồng ớt tràn lan, tránh việc bị ép giá. Trước đó, giá ớt chỉ còn 6.000 - 7.000 đồng/kg thay vì gần 30.000 đồng/kg, khiến nhiều nông dân thua lỗ, phải phá bỏ vườn ớt đang thu hoạch.

05/07/2014