Nuôi bò mô hình thoát nghèo hiệu quả

Chúng tôi theo ông Nguyễn Văn Thế, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam xã Vĩnh Hựu đến thăm hộ ông Nguyễn Văn Sáu ở ấp Hòa Bình mới thấy được hiệu quả của mô hình chăn nuôi bò, nhất là nuôi bò sinh sản, đã mang về cho ông thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Hiện nay, đàn bò 7 con (5 con bò nái, 2 con bò đực phối giống) của ông con nào cũng to, béo. Ông Sáu cho biết: "Để có được bò giống tốt tôi phải chọn kỹ về nguồn gốc, xuất xứ và chủng loại mỗi con ngay từ nhỏ. Lúc đầu, tôi chỉ nuôi 1 con, nếu đẻ ra bò đực thì bán hết, còn bò cái thì để lại nuôi gầy giống. Một con bò con sau khi sinh khoảng 4 tháng bán được 12 - 13 triệu/con bò đực, 14 - 15 triệu/con bò cái".
Trước đây, gia đình ông là hộ nghèo của xã, quanh năm chỉ trồng lúa, nhưng thu nhập không bao nhiêu, nên ông chuyển sang trồng cỏ, nuôi bò. Sau một thời gian gầy giống, đến nay gia đình ông đã có một đàn bò với số lượng lớn.
Ông chia sẻ: "Nuôi bò không mất nhiều công chăm sóc, chỉ tốn thời gian cắt cỏ, tận dụng rơm vào những mùa thu hoạch lúa, chất thành đống, để cho bò ăn mỗi khi thiếu cỏ, nhất là vào mùa khô".
Ngoài ra, ông còn nuôi 2 con bò đực (bò Cọp) dùng để phối giống, trung bình mỗi lần phối giống có giá 300 ngàn đồng/con. Nhờ bò giống đẹp, chất lượng cao nên được bà con chọn phủ giống cho bò nuôi rất nhiều. Hàng tháng, anh thu thêm về vài triệu đồng từ 2 con bò dùng để phối giống này.
Nhờ mô hình chăn nuôi bò mang lại hiệu quả mà nhiều gia đình đã vươn lên thoát nghèo, xây được nhà khang trang, mua sắm đầy đủ tiện nghi như: Anh Nguyễn Văn Cường, Võ Văn Nam... Hiện tại, Vĩnh Hựu có 228 hộ chăn nuôi bò, với gần 900 con, đã giúp cho hàng trăm hộ thoát nghèo. Hàng năm, các cấp Hội luôn phối hợp với nhau để hỗ trợ vốn cho những gia đình khó khăn, nhằm tạo điều kiện cho nông dân chăn nuôi và khuyến khích nuôi bò. Tính đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 4,68%.
Ông Nguyễn Văn Thế khẳng định: "Thời gian tới, Hội phối hợp với các ngành có liên quan tổ chức nhiều lớp tập huấn về chăn nuôi bò, để bà con nắm vững các biện pháp chăn nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời, tiếp tục huy động các nguồn vốn, tìm ra những giống bò mới, có chất lượng cao khuyến khích bà con chăn nuôi, giúp bà con thoát nghèo".
Có thể bạn quan tâm

Mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến - kết hợp ít thay nước và sử dụng vi sinh trong suốt quá trình nuôi được Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN tỉnh Bạc Liêu phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện Đông Hải thực hiện thí điểm tại xã Định Thành. Sau 3 năm thực hiện đã thật sự đem lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi tôm.

Những ngày đầu tháng 8, khách đến tham quan vườn tiêu của ông Trần Văn Chỉnh, thôn Đồng Xuân, Lộc Điền khá đông. Ông Chỉnh là phục viên quân đội sống gần 30 năm ở Đức Cơ, Gia Lai - người đầu tiên mang cây tiêu về quê trồng thử vào cuối năm 2007, với 200 gốc tiêu, chỉ một thời gian ngắn, cây tiêu phát triển tốt. Năm sau, ông tiếp tục trồng thêm, đến nay vườn tiêu hơn 1 ha trồng hơn 1.000 gốc tiêu.

Trạm Bảo vệ thực vật huyện đã cung ứng cho nông dân trong vùng bị nhiễm các loại bệnh gây hại cho cây lúa 500 chai và 200 gói thuốc bảo vệ thực vật, tổng trị giá trên 8 triệu đồng; đồng thời, Trạm phối hợp với cán bộ khuyến nông, khuyến lâm các xã, vận động, tuyên truyền nông dân theo dõi dịch bệnh gây hại và kịp thời xử lý, tránh để các loại bệnh gây hại cây trồng, thiệt hại đến năng suất.

Vài năm trở lại đây, Chi hội phụ nữ thôn An Hiệp (xã Liên Hiệp, huyện Đức Trọng) đã xây dựng nhiều mô hình giúp hội viên phát triển kinh tế gia đình, mang lại nguồn thu nhập chính đáng và góp phần không nhỏ vào việc thúc đẩy phong trào hoạt động của Hội.

Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản là chính sách có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của ngành thủy sản, đặc biệt là với nghề đánh bắt thủy sản xa bờ, sẽ có hiệu lực vào ngày 25/8 tới.