Nuôi Bò - Mô Hình Thoát Nghèo Bền Vững

Thời gian qua, mô hình nuôi bò là một trong những mô hình làm ăn có hiệu quả của nhiều bà con nông dân xã Đăng Hưng Phước (Chợ Gạo - Tiền Giang).
Dẫn chúng tôi đi thăm các hộ chăn nuôi bò, chú Trương Văn Thử, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: “Khoảng vài năm trở lại đây, nhiều nông dân trong xã đã được hội hỗ trợ vốn để đầu tư nuôi bò, có hộ nuôi từ vài con, nay phát triển đàn lên hàng chục con, cuộc sống khá lên…”. Đàn bò sữa 8 con của gia đình chú Lê Văn Bé Ba (ấp Bình An), con nào cũng to béo. Chú Bé Ba đã lên tận Hóc Môn (TP. Hồ Chí Minh) mua một con bò nái về nuôi, nếu đẻ bò cái thì để nuôi. Nay đàn bò của gia đình chú được 8 con.
Chú Bé Ba là thương binh, được công nhận là “Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi” các cấp. “Nuôi bò sữa chủ yếu bỏ công cắt cỏ, vắt sữa. Chú thuê 2 công ruộng để trồng cỏ và chất vựa rơm để có đủ nguồn thức ăn cho bò. Với 8 con bò sữa nái, trong đó có 7 con đang mang bầu, mỗi ngày cho trên 100 kg sữa, trung bình 14 ngàn đồng/kg” - chú vui vẻ cho biết.
Thông qua mô hình này, nhiều hộ nông dân trong xã đã từng bước vượt qua khó khăn, thoát nghèo bền vững như: Hộ chú Huỳnh Văn Tư và hộ chú Nguyễn Văn Thắm (cùng ngụ ấp Bình Thành), thoát nghèo năm 2012…Còn theo chú Phạm Văn Minh ngụ ấp Bình An, là Tổ trưởng vay vốn cho biết: “Trong tổ của chú có 52 người vay để nuôi bò từ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng NN&PTNT”.
Theo chú Trương Văn Thử, hiện toàn xã có 450 hộ nuôi 1.000 con bò thịt và trên 300 con bò sữa. Trong 3 năm gần đây đã giải ngân hơn 700 triệu đồng giúp nông dân thực hiện dự án nuôi bò gia đình. Thông qua mô hình này đã góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã hiện chỉ còn 3,78% và đang làm thủ tục thoát nghèo cho 12 hộ.
Về lâu dài, xã sẽ tìm thêm nguồn vốn vay ưu đãi để tiếp tục phát triển mô hình nuôi bò, từng bước phát triển nhiều giống bò cao sản, nâng quy mô lẫn chất lượng đàn bò, nhằm tạo điều kiện cho người dân mau chóng thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.
Có thể bạn quan tâm

Cục Thống kê Đồng Nai cho biết, xuất khẩu cà phê trong gần 4 tháng đầu năm 2014 đạt trên 100 ngàn tấn, tăng gần gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2013. Thị trường xuất khẩu cà phê lớn của Đồng Nai là Mỹ, Đức và các nước Châu Âu. Giá cà phê xuất khẩu trung bình trên 2.100 USD/tấn.

Các hộ trồng chuối tại huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) cho biết, hiện nay, giá chuối mốc được thương lái thu mua với giá 6.000 đồng/kg, tăng gần 3 lần so với cùng thời điểm này năm trước. Mức giá này đã duy trì khoảng 2 tháng nay. Hiện nay, mỗi ngày, các thương lái thu mua hàng chục tấn chuối trên địa bàn huyện. Số chuối này chủ yếu được xuất khẩu sang Trung Quốc.

Vài năm gần đây, nhiều nông dân xã Cư Êbur (TP.Buôn Ma Thuột - Dak Lak) chuyển đổi diện tích cà phê già cỗi sang trồng thanh long. Bước đầu cho thấy, trồng thanh long cho thu nhập khá cao, lãi thuần từ 250 - 300 triệu đồng/ha/năm, cao hơn nhiều so với sản xuất cà phê của nông dân hiện nay (với mức thu nhập cà phê từ 40 - 50 triệu/ha/năm).

Việc canh tác theo tiêu chuẩn GAP là xu hướng tất yếu của nông nghiệp Việt Nam. Chỉ có như thế nông sản Việt Nam mới có thể tiến xa ra thị trường thế giới, tăng thêm giá trị và lợi nhuận cho nông dân, doanh nghiệp. Từ đó, những năm qua, tỉnh Tiền Giang nỗ lực xây dựng, phát triển hầu hết các nông sản chủ lực theo tiêu chuẩn GAP.

Những ngày này, ở khu vực trung tâm huyện Bắc Hà (tỉnh Lào Cai) chủ yếu ở thị trấn, xã Tả Chải, Na Hối, Bản Phố, bà con nông dân đang tập trung thu hoạch đào Pháp, ai nấy đều rạng ngời niềm vui vì vụ thu hoạch đào Pháp năm nay được mùa, được giá.