Nông Thôn Khởi Sắc, Nông Dân Thoát Nghèo

185 xã đã đạt đủ 19 tiêu chí nông thôn mới (NTM), hàng chục nghìn công trình xây dựng cơ sở hạ tầng được hình thành… Đó là những kết quả nổi bật sau 3 năm cả nước triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM.
Kết quả này sẽ là tiền đề để cả nước bứt phá trong thời gian tới, nhằm đạt được mục tiêu là 20% số xã NTM vào năm 2015.
Những kết quả tiêu biểu trên sẽ được công bố tại Hội nghị Sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM diễn ra vào ngày hôm nay (16.5) tại Hà Nội dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.
Gần 485 nghìn tỷ đồng đầu tư cho chương trình
Theo số liệu tổng hợp, trong 3 năm qua tổng nguồn lực đầu tư vào thực hiện Chương trình xây dựng NTM đã lên tới gần được 485 nghìn tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước các cấp bố trí gần 162 nghìn tỷ đồng chiếm 33,4%; vốn tín dụng 231 nghìn tỷ đồng, chiếm 47,7%. Các doanh nghiệp hỗ trợ hơn 29,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 6,0%; dân đóng góp hơn 62,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 13,0%.
Ngoài việc hỗ trợ trực tiếp bằng tiền, nhiều địa phương cũng có cách làm sáng tạo, đó là hỗ trợ xi măng cho các xã xây dựng giao thông nông thôn, chiếm khoảng 50% kinh phí xây dựng. Bên cạnh đó, cộng đồng dân cư hiến đất, giải phóng mặt bằng, góp tiền, công lao động và vật liệu khác nên đã thúc đẩy tiến độ phát triển giao thông nhanh hơn trước. Sau 3 năm thực hiện chương trình, cả nước đã và đang triển khai xây dựng trên 5.000 công trình với khoảng 70.000km đường giao thông nông thôn. Đã có 11,6% số xã đạt tiêu chí giao thông.
Riêng về chợ nông thôn, trong giai đoạn 2010-2013, các địa phương đã huy động động được 2.783 tỷ đồng, chủ yếu là vốn xã hội hoá (chiếm khoảng 79%) để đầu tư cải tạo, xây mới chợ nông thôn. Đến nay, có 2.693 xã (30%) đạt chuẩn tiêu chí này.
Đã có nhiều mô hình, cách làm hay như hỗ trợ xi măng ở Tuyên Quang, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Bắc Giang… Áp dụng cơ chế PPP tức nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí cho công trình đầu mối, doanh nghiệp tư nhân bỏ tiền đầu tư được thu phí ở Hà Nam, Vĩnh Phúc…
27 tỉnh đã có xã NTM
Thực tế, Chương trình xây dựng NTM đã được triển khai từ năm 2009 khi Ban Bí thư T.Ư đã lựa chọn 11 xã đại diện cho 11 vùng khác nhau cả nước để thí điểm xây dựng mô hình NTM. Đến ngày 14.6.2011, sau khi có Quyết định 491 ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM, các địa phương cả nước đã cùng vào cuộc và chỉ sau thời gian ngắn, đã có 185 xã (chiếm 2.05%) tại 27 tỉnh, thành đạt đủ 19 tiêu chí NTM.
Theo dự kiến, tại Hội nghị Sơ kết 3 năm Chương trình xây dựng NTM, sẽ có 27 xã tiêu biểu thuộc 27 tỉnh được tặng thưởng bằng công trình hạ tầng cho địa phương; 49 cá nhân tiêu biểu cũng được tặng thưởng trong dịp này.
Sau 3 năm, bình quân mỗi xã tăng 3,3 tiêu chí, bộ mặt nông thôn ở nhiều nơi được đổi thay, ngày càng văn minh hơn, cơ sở hạ tầng thiết yếu được nâng cấp. Trên 9.000 mô hình chuyển đổi hình thức sản xuất từ tự cấp, tự túc sang sản xuất hàng hóa theo lợi thế địa phương gắn với thị trường đã được thực hiện.
Các hoạt động nêu trên đã góp phần tăng thu nhập của cư dân nông thôn năm 2013 gấp 1,8 lần so với năm 2010. Tỷ lệ hộ nghèo nông thôn đến hết năm 2013 là 12,6% giảm bình quân 2%/năm so với năm 2008. Đến nay đã có 30,1% số xã đạt tiêu chí thu nhập.
Tuy vậy, theo đánh giá nguồn lực cho xây dựng NTM chưa tương xứng với mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Dự kiến đến 2015 chỉ đạt khoảng 12% xã NTM (thấp hơn so với mục tiêu là 20%), nếu không bổ sung mạnh mẽ thêm nguồn lực. Đặc biệt, có tới 34 địa phương dù đã có cố gắng, song hiện cũng rất khó khăn trong việc xây dựng NTM.
Mặc dù còn những khó khăn, hạn chế đó, song mục tiêu quan trọng được Ban chỉ đạo T.Ư đề ra là tiếp tục nỗ lực phấn đấu thực hiện mục tiêu tới năm 2015 có 20% số xã và tới năm 2020 có 50% xã đạt tiêu chí NTM; các xã chưa đạt chuẩn phải tăng từ 2 -3 tiêu chí/năm. Đến năm 2015 phấn đấu có huyện đạt NTM.
Có thể bạn quan tâm

Cùng với con trâu, con bò và gắn với đồng ruộng, những năm gần đây xã Hòa Mục (Chợ Mới - Bắc Kạn) đã có sự đổi thay rõ rệt trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát huy thế mạnh đồi rừng, cuộc sống của bà con đã có sự chuyển biến rõ rệt.

Hàng chục hộ dân của hai thôn Bàu Giêng và Thắng Hải, xã Thắng Hải (Hàm Tân - Bình Thuận) đang gửi đơn kêu cứu, vì không thể chịu đựng được tình trạng ô nhiễm môi trường do nuôi tôm công nghiệp. Với mức độ xả nước thải dày đặc từ những hồ nuôi tôm thẻ chân trắng có diện tích rộng từ 2.000 - 3.000 m2 nơi đây, nếu không có giải pháp xử lý, khả năng sẽ ngày càng ô nhiễm nặng đến nguồn nước sinh hoạt.

Những ngày qua, ngư dân tại các vùng biển đồng loạt bước vào vụ sản xuất chính trong năm. Ngành chức năng Quảng Nam cũng đã đề ra nhiều giải pháp để đồng hành với các chuyến xa khơi của ngư dân.

Mấy năm nay, những lúc nông nhàn, ông Ngô Quang Thạo, ở xã Minh Tân (huyện Kiến Thụy - Hải Phòng) có thêm nghề quay mật cho những hộ nuôi ong trong vùng. Cứ đến mùa thu hoạch, ông Thạo lại đạp xe rong ruổi khắp làng trên xóm dưới quay mật giúp mọi người. Ông ít khi lấy tiền công quay mật nên mọi người thường cảm ơn bằng cách gửi biếu con gà, đôi vịt, lít mật ong...

Anh Phan Thanh Nhã, ấp 4, xã Trung An, TP. Mỹ Tho (Tiền Giang) bắt đầu việc nuôi cút từ năm 2001, lúc đầu gia đình anh nuôi khoảng 4.000 con cút giống, sau 3 tuần đàn cút bắt đầu đẻ trứng. Thời gian đầu cút thường xuyên bị chết do mắc một số bệnh thông thường. Thế nhưng anh không nản chí mà tiếp tục học hỏi kinh nghiệm từ những hộ nuôi cút khác, từ đó anh có biện pháp phòng ngừa bệnh kịp thời nên về sau đàn cút luôn khỏe mạnh và cho trứng khá đều.