Nóng Nạn Bơm Tạp Chất Vào Tôm

Theo Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD), tình trạng bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu bắt đầu xuất hiện vào năm 1996 ở ĐBSCL.
Tại Hội nghị góp ý cho Đề án “Kiểm soát ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có tạp chất”, do Bộ NN-PTNT tổ chức tại TP.HCM cuối tuần qua, nhiều cơ quan chức năng đã đưa ra những thông tin đáng lo ngại về tình trạng này.
Bơm chích đã thành… nghề
Theo Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD), tình trạng bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu bắt đầu xuất hiện vào năm 1996 ở ĐBSCL. Từ đó đến nay, nạn bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu vẫn thường xuyên xuất hiện và thường diễn ra vào thời điểm giáp vụ, khan hiếm nguyên liệu ở khu vực này.
Chỉ riêng trên địa bàn tỉnh Cà Mau, trong năm 2012 đã phát hiện và xử lý 80 vụ bơm chích tạp chất. Năm 2013 là 50 vụ và 6 tháng đầu năm 2014 là 20 vụ. Đáng lo ngại là không chỉ ở các tỉnh nuôi tôm trọng điểm của ĐBSCL, gần đây một số địa phương ngoài Bắc như Nam Định, Thái Bình, cũng đã xuất hiện nạn bơm chích tạp chất vào tôm.
Mặc dù Bộ NN-PTNT đã nhiều lần có văn bản đề nghị Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản VN (VASEP) tái khởi động Chương trình “DN nói không với tôm có tạp chất”, nhưng đến nay Hội đồng giám sát của VASEP vẫn gần như không hoạt động. Thậm chí trong số những DN vẫn thu mua tôm có tạp chất, có cả những DN là hội viên của VASEP.
Sở dĩ nạn bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu kéo dài dai dẳng, bất chấp pháp luật, là vì lợi nhuận của nó quá lớn. Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Thế, Cục trưởng Cục An ninh Nông nghiệp – Nông thôn (Tổng cục An ninh II, Bộ Công an), cho biết sau khi bị bơm chích tạp chất, tôm nguyên liệu tăng 10-20% trọng lượng, kích cỡ. Chính vì vậy, hoạt động bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu đang phổ biến rộng rãi.
Từ chỗ chỉ có một số đại lý, nậu vựa bơm chích, đến nay công việc này đã được coi như một nghề kiếm tiền của một bộ phận người dân.
Không chỉ bơm chích tôm sú, họ còn bắt đầu bơm chích sang cả tôm thẻ chân trắng. Những người làm nghề này đã có nhiều thủ đoạn tinh vi như pha loãng tạp chất gây khó khăn cho công tác phát hiện, dùng ống tiêm và hơi bình xịt nén sâu vào con tôm, tiến hành các hoạt động này vào ban đêm.
Nỗi lo từ Trung Quốc
Theo Cục An ninh Nông nghiệp - Nông thôn, gần đây, qua công tác nắm tình hình cho thấy nhiều nhà máy đang tiến hành bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu theo yêu cầu của khách hàng Trung Quốc.
Khi đưa tôm có tạp chất về Trung Quốc, họ sẽ chế biến rồi XK sang nước thứ 3. Nếu bị khách hàng ở nước thứ 3 phát hiện có tạp chất, DN Trung Quốc sẽ bảo rằng nguồn nguyên liệu tôm tạp chất là từ Việt Nam. Và khi ấy, uy tín của con tôm Việt Nam trên thị trường thế giới sẽ bị ảnh hưởng.
Đồng thời những nỗ lực của Việt Nam trong việc giảm thiểu tình trạng bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu cũng sẽ coi như bị mất tác dụng.
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Thế khẳng định những thông tin này là có cơ sở. Trên thực tế, nhiều lô hàng thủy sản Việt Nam XK sang Trung Quốc bị ách tắc ở các cửa khẩu Đông Hưng và Móng Cái, đều được xác định là có chứa tạp chất trong sản phẩm.
Có thể bạn quan tâm

Nhờ lượng nước tưới có kiểm soát, những chất dinh dưỡng trên bề mặt đất không bị trôi đi, đất luôn đạt độ pH ổn định.
Thanh long ruột đỏ là loại cây ăn trái giá trị xuất khẩu, hiệu quả kinh tế cao và đang có nhu cầu rất lớn ở thị trường trong và ngoài nước.

Theo ông Cao Văn Sáng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạnh Mỹ, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang giá khóm tại địa phương hiện được thương lái thu mua từ 6.000 - 6.200 đồng/kg, tăng gần gấp đôi cùng kỳ năm trước.

Các nhà vườn trồng bưởi ở Tân Triều (xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) cho biết, bưởi Tân Triều hiện tại đang có giá khá cao, khoảng 600 ngàn đồng/chục bưởi đẹp.

Cây táo Thái Lan đang được người dân của xã Hát Lót (Mai Sơn - Sơn La) lựa chọn trồng thay thế cho một số cây trồng kém hiệu quả. Cây táo không chỉ giúp người dân giảm nghèo, cải thiện đời sống, mà còn trở thành cây mang lại nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ dân nơi đây.