Nóng Nạn Bơm Tạp Chất Vào Tôm

Theo Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD), tình trạng bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu bắt đầu xuất hiện vào năm 1996 ở ĐBSCL.
Tại Hội nghị góp ý cho Đề án “Kiểm soát ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có tạp chất”, do Bộ NN-PTNT tổ chức tại TP.HCM cuối tuần qua, nhiều cơ quan chức năng đã đưa ra những thông tin đáng lo ngại về tình trạng này.
Bơm chích đã thành… nghề
Theo Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD), tình trạng bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu bắt đầu xuất hiện vào năm 1996 ở ĐBSCL. Từ đó đến nay, nạn bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu vẫn thường xuyên xuất hiện và thường diễn ra vào thời điểm giáp vụ, khan hiếm nguyên liệu ở khu vực này.
Chỉ riêng trên địa bàn tỉnh Cà Mau, trong năm 2012 đã phát hiện và xử lý 80 vụ bơm chích tạp chất. Năm 2013 là 50 vụ và 6 tháng đầu năm 2014 là 20 vụ. Đáng lo ngại là không chỉ ở các tỉnh nuôi tôm trọng điểm của ĐBSCL, gần đây một số địa phương ngoài Bắc như Nam Định, Thái Bình, cũng đã xuất hiện nạn bơm chích tạp chất vào tôm.
Mặc dù Bộ NN-PTNT đã nhiều lần có văn bản đề nghị Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản VN (VASEP) tái khởi động Chương trình “DN nói không với tôm có tạp chất”, nhưng đến nay Hội đồng giám sát của VASEP vẫn gần như không hoạt động. Thậm chí trong số những DN vẫn thu mua tôm có tạp chất, có cả những DN là hội viên của VASEP.
Sở dĩ nạn bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu kéo dài dai dẳng, bất chấp pháp luật, là vì lợi nhuận của nó quá lớn. Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Thế, Cục trưởng Cục An ninh Nông nghiệp – Nông thôn (Tổng cục An ninh II, Bộ Công an), cho biết sau khi bị bơm chích tạp chất, tôm nguyên liệu tăng 10-20% trọng lượng, kích cỡ. Chính vì vậy, hoạt động bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu đang phổ biến rộng rãi.
Từ chỗ chỉ có một số đại lý, nậu vựa bơm chích, đến nay công việc này đã được coi như một nghề kiếm tiền của một bộ phận người dân.
Không chỉ bơm chích tôm sú, họ còn bắt đầu bơm chích sang cả tôm thẻ chân trắng. Những người làm nghề này đã có nhiều thủ đoạn tinh vi như pha loãng tạp chất gây khó khăn cho công tác phát hiện, dùng ống tiêm và hơi bình xịt nén sâu vào con tôm, tiến hành các hoạt động này vào ban đêm.
Nỗi lo từ Trung Quốc
Theo Cục An ninh Nông nghiệp - Nông thôn, gần đây, qua công tác nắm tình hình cho thấy nhiều nhà máy đang tiến hành bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu theo yêu cầu của khách hàng Trung Quốc.
Khi đưa tôm có tạp chất về Trung Quốc, họ sẽ chế biến rồi XK sang nước thứ 3. Nếu bị khách hàng ở nước thứ 3 phát hiện có tạp chất, DN Trung Quốc sẽ bảo rằng nguồn nguyên liệu tôm tạp chất là từ Việt Nam. Và khi ấy, uy tín của con tôm Việt Nam trên thị trường thế giới sẽ bị ảnh hưởng.
Đồng thời những nỗ lực của Việt Nam trong việc giảm thiểu tình trạng bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu cũng sẽ coi như bị mất tác dụng.
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Thế khẳng định những thông tin này là có cơ sở. Trên thực tế, nhiều lô hàng thủy sản Việt Nam XK sang Trung Quốc bị ách tắc ở các cửa khẩu Đông Hưng và Móng Cái, đều được xác định là có chứa tạp chất trong sản phẩm.
Có thể bạn quan tâm

Nói đến con trâu người ta thường nghĩ ngay đến việc sử dụng sức kéo để phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, đàn trâu ở Tân Lộc Bắc, huyện Thới Bình còn có một tên gọi khác đó là con xoá đói giảm nghèo bền vững. Nhờ nó mà tỷ lệ hộ nghèo trong hội viên cựu chiến binh (CCB) giảm dần theo từng năm, từ 9 hộ (năm 2013) nay chỉ còn 3 hộ.

Chiều 18.5, Hiệp hội Nghề nuôi và chế biến thủy sản An Giang cho biết, giá cá tra đang giảm liên tục xuống mức khoảng 24.000 đồng/kg, có nơi chỉ còn 23.000 đồng/kg, giảm từ 1.500 - 2.000 đồng/kg so thời điểm tháng 4.2014.

Về lâu dài các doanh nghiệp Việt Nam cần thay đổi cách thức buôn bán nông sản với Trung Quốc để tránh bị động, chạy theo cái lợi trước mắt mà hại về lâu dài...

Dù đã được dự tính trong một thời gian khá dài, thế nhưng do nhiều nguyên nhân khách quan nên đến thời điểm này, Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Ngãi mới thực hiện được ý tưởng đóng tàu vỏ sắt cho ngư dân vươn ra khơi xa, với tổng số tiền đầu tư dự tính khoảng 12 tỉ đồng.

Đó là nhận định của các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội điều Việt Nam (VINACAS) và các nhà quản lý ngành điều tại hội nghị Điều quốc tế Việt Nam 2014 diễn ra tại TP Vũng Tàu (Bà Rịa – Vũng Tàu) từ ngày 15 đến 17-5. Tham dự hội nghị có hơn 200 doanh nghiệp, nhà phân phối đến từ 40 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.