Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nông dân vùng cam Quảng Trị thu nhập cao nhờ được mùa, được giá

Nông dân vùng cam Quảng Trị thu nhập cao nhờ được mùa, được giá
Ngày đăng: 09/10/2015

Vườn cam của gia đình ông Trần ngọc Nhơn, ở vùng gò đồi K4, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng, Quảng Trị.

Hiện nay vùng gò đồi K4 đang bước vào thu hoạch cam chính vụ, theo đánh giá của người trồng cam thì vụ cam năm nay vừa được mùa, vừa được giá hơn so với các vụ trước.

Ông Trần Ngọc Nhơn là người tiên phong lên vùng đồi K4 lập trang trại cách đây gần 20 năm.

Vào thời điểm đó, quyết định mang cây cam về trồng ở vùng đất đồi hoang còn nhiều bom đạn sót lại sau chiến tranh này là vô cùng táo bạo và khó khăn. Sau bao nhiêu mồ hôi, công sức, lần hồi khai phá, cải tạo ròng rã gần chục năm trời ông Nhơn mới khuất phục được vùng đất này, bắt nó phải cho quả ngọt.

Đến nay, ông và em trai của mình có hơn 3ha trồng cam. Giống cam ở đây chủ yếu là giống Vân Du và Xã Đoài, được du nhập từ vùng chuyên canh cam nổi tiếng ở thành phố Vinh (Nghệ An).

Năm nay, vườn cam của ông Nhơn và những hộ dân ở đây cho năng suất cao hơn 10 tấn/ha, sau khi trừ chi phí, ông Nhơn lãi gần 150 triệu đồng từ cây cam.

Ông Trần Ngọc Nhơn cho biết: “Vườn của tôi ở đây trồng rất nhiều loại cây nhưng mang lại hiệu quả cao nhất chỉ có cây cam, tăng cả về năng suất lẫn giá trị kinh tế. Sản lượng cam năm nay ổn định từ 12 - 13 tấn/ha nhưng giá cao hơn so với các năm trước.

Năm ngoái mua tại vườn cam giá chỉ 17.000 đồng/kg thôi nhưng năm lên đến 19.000 đồng/kg”.

Theo ông Nhơn, đây là loại cây giúp nhiều hộ gia đình xóa nghèo vươn lên khá giả.

Ngoài trồng cam, bưởi, ông Nhơn còn thử nghiệm trồng nhiều loại cây trái khác như: măng cụt, thanh long, nhãn, vãi, mít, chè... và xen canh các loại sả, ớt... thu được vài chục triệu đồng.

Xung quanh trang trại của mình, ông Nhơn còn đào hồ nuôi cá nước ngọt, tận dụng cung cấp nguồn nước tưới cho cây trồng. Tính từ đầu tháng 8 đến nay, người trồng cam nơi đây đã thu hoạch được khoảng 30% diện tích. T

hời điểm này, mỗi ngày có hàng chục tiểu thương trong tỉnh đến tận vườn thu mua cam.

Nhờ thời tiết thuận lợi, mưa sớm cộng với kỹ thuật chăm sóc kỹ lưỡng, đúng cách, phòng trừ sâu bệnh hiệu quả nên tỷ lệ cam rụng quả vụ này giảm nhiều so với các vụ trước.

Cam vùng đồi K4 dần chiếm được niềm tin và chỗ đứng trên thị trường.

Vào mùa thu hoạch, hầu như trên mỗi quầy hàng hoa quả trong tỉnh đều đã có mặt cam vùng gò đồi K4.

Theo chị Nguyễn Thị Việt, buôn bán cam, ở phường Đông Lương, TP Đông Hà, Cam Hải Phú không có thuốc bảo vệ thực vật nên rất sạch, được người mua ưa chuộng.

Chị bán mỗi ngày từ 5 - 6 tạ, đưa hàng về khắp các chợ ở Đông Hà.

Lãnh đạo huyện Hải Lăng và người trồng cam ở vùng gò đồi K4 đang trăn trở và mong muốn xây dựng thương hiệu cho cây cam để loại quả thơm ngọt trên vùng đất khó này đứng vững trên thị trường. Trong những năm qua, địa phương đã có nhiều chính sách khuyến khích người dân phát triển mạnh cây cam, đồng thời hỗ trợ 60% giá giống cây, ưu tiên cấp đất.

Chủ trương của xã Hải Phú là mỗi năm phát triển thêm được từ 3 - 5 ha cam vì đất phù hợp với phát triển cây cam trên vùng gò đồi K4 vẫn còn nhiều.

Ông Trương Công Văn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hải Phú (Hải Lăng) cho biết:

“Hiện nay, người dân lên vùng đồi K4 trồng cam ngày càng nhiều. Từ chỗ chỉ có 6 ha, đến nay đã có hơn 10 ha trồng cam, với thu nhập hơn 300 triệu/ha.

Cây cam mang lại thu nhập cao như vậy đã góp phần ổn định kinh tế gia đình. Địa phương cũng đã có phương án quy hoạch những vùng đất mới để bà con có thể lên mở rộng diện tích trồng cam”.

Khó khăn lớn nhất hiện nay đối với các chủ trang trại tại vùng gò đồi K4 chính là thiếu nguồn điện và điều kiện giao thông ở đây vẫn còn gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình trồng và giới thiệu cam K4 đến với thị trường.

Hy vọng, khi các yếu tố trên được đáp ứng, vùng trồng cam lớn nhất của tỉnh Quảng Trị sẽ có nhiều bước phát triển mạnh mẽ.


Có thể bạn quan tâm

Phát Triển Cây Chè Hàng Hóa Hướng Tới Sản Xuất Bền Vững Phát Triển Cây Chè Hàng Hóa Hướng Tới Sản Xuất Bền Vững

Với gần 5.000 ha, hiện Lào Cai đứng thứ 6 trong số 18 tỉnh trung du miền núi phía Bắc về diện tích chè. Sản lượng chè của toàn tỉnh năm 2014 đạt 16.200 tấn búp tươi, doanh thu đạt trên 100 tỷ đồng. Điểm đáng chú ý là ngành nông nghiệp đã có những định hướng quan trọng trong mục tiêu phát triển bền vững cây chè hàng hóa.

16/01/2015
Lợi Nhuận Khá Nhờ Giống Lúa Chịu Mặn Phục Tráng Lợi Nhuận Khá Nhờ Giống Lúa Chịu Mặn Phục Tráng

Niềm vui đến với người dân ấp 10, xã Khánh An, huyện U Minh (Cà mau) khi được Trung tâm Giống nông nghiệp kết hợp với Phòng NN&PTNT huyện U Minh triển khai sản xuất lúa mùa chịu mặn Một bụi đỏ CM phục tráng cho thu nhập đạt 15 triệu đồng/ha.

16/01/2015
Hơn Nửa Diện Tích Lúa Đông Xuân Nông Dân Sạ Lúa IR 50404 Hơn Nửa Diện Tích Lúa Đông Xuân Nông Dân Sạ Lúa IR 50404

Vụ Đông xuân này, nông dân Châu Thành A (Hậu Giang) gieo sạ gần 8.800ha lúa. Qua điều tra cơ cấu giống lúa thì có gần 55% diện tích nông dân sử dụng giống IR 50404 để gieo sạ, tăng khoảng 5% so với vụ Đông xuân trước. Sở dĩ nông dân sạ nhiều giống này vì năng suất cao trong vụ Đông xuân, ngắn ngày, giúp bà con rút ngắn thời gian để xuống giống 3 vụ lúa.

16/01/2015
Dưa Hấu, Thanh Long Vào Mùa, Lại Lo Ùn Tắc Cửa Khẩu Dưa Hấu, Thanh Long Vào Mùa, Lại Lo Ùn Tắc Cửa Khẩu

Do đó, nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu một số trái cây có đặc tính mùa vụ, góp phần giảm thiểu tình trạng ùn tắc tại các cửa khẩu biên giới vào thời điểm hiện nay, Cục Xuất nhập khẩu có công văn đề nghị các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu mặt hàng trái cây qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn triển khai thực hiện một số biện pháp để tránh xảy ra ùn tắc tại cửa khẩu.

16/01/2015
Kim An (Hà Nội) Giàu Lên Nhờ Trồng Cam Canh Kim An (Hà Nội) Giàu Lên Nhờ Trồng Cam Canh

Những ngày cuối năm, trên tuyến đê dẫn xuống xã Kim An, không khí mua bán cam Canh diễn ra tấp nập. Anh Nguyễn Văn Hoa, ở thôn Tràng Cát, chủ vườn cam Canh có diện tích trên 1ha vui mừng cho biết, năm nay, vườn cam 200 gốc của gia đình anh ước tính sẽ cho thu hoạch khoảng 16 tấn quả.

16/01/2015