Nông Dân Vũ Trung Học Làm Giàu Trên Mảnh Đất Quê Hương

Vừa qua, Ban Tuyên giáo T.Ư phối hợp với T.Ư Hội Nông dân Việt Nam tổ chức lễ tôn vinh và trao danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2013" cho 62 nông dân tiên tiến trong cả nước. Trong số 62 nông dân được bình chọn và tôn vinh, người cao tuổi nhất là nông dân Trần Xuân Vịnh (70 tuổi) ở xã Đăk Hrinh, huyện Đắk Hà, Lâm Đồng; người trẻ tuổi nhất, đại diện cho tỉnh Vĩnh Phúc - anh Vũ Trung Học, nông dân xã Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường - nhận danh hiệu khi tròn 34 tuổi.
Sinh năm 1979 tại khu Bắc Cường, thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, sau khi tốt nghiệp Trung học phổ thông, tham gia nghĩa vụ quân đội,người thanh niên trẻ Vũ Trung Học quyết chí làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Năm 2007, cơ sở sản xuất kinh doanh tổng hợp với tên giao dịch Hợp tác xã chăn nuôi dịch vụ Ánh Dương do anh làm chủ đã ra đời.
Anh cùng với gia đình tiến hành cải tạo 4,5 ha đất canh tác một vụ lúa vùng chiêm trũng của thị trấn để đào ao thả cá, chăn nuôi gia súc gia cầm. Với cách thức vừa làm vừa học hỏi, Vũ Trung Học đã dần dần tích lũy kinh nghiệm, lấy ngắn nuôi dài, rồi anh tiếp tục mở rộng mô hình theo công thức dưới ao thả cá, trên bờ kè xung quanh trồng chuối tiêu, phía trên 2,5 ha làm trang trại nuôi lợn nái sinh sản, lợn thịt, gà công nghiệp, chim cút đẻ trứng.
Hiện tại, hợp tác xã chăn nuôi dịch vụ Ánh Dương của anh nuôi 5000 con chim cút đẻ trứng, 2000 con gà mái đẻ siêu trứng, 40 đầu lợn nái, 150 con lợn siêu nạc. Với quy trình chăn nuôi nghiêm ngặt, trong 5 năm qua trang trại của anh không có dịch bệnh xảy ra, cho thu nhập khá.
Với sự đầu tư tích cực của anh, đến nay, trang trại có môi trường sinh thái tốt, hệ thống cây xanh phát triển, giữa khu vực trang trại là ngôi nhà sàn truyền thống được anh mua về từ Hòa Bình. Khung cảnh phong thủy hữu tình đó là điều kiện thuận lợi để anh mở rộng kinh doanh ẩm thực phục vụ cho khách địa phương và thập phương, với các đầu bếp lành nghề chế biến các món ăn đặc sản và truyền thống từ chính sản phẩm của trang trại.
Một vài năm gần đây, do ảnh hưởng từ khó khăn chung của nền kinh tế song kết quả sản xuất kinh doanh tại trang trại của anh vẫn cho thu nhập ổn định; công nhân có việc làm thường xuyên với mức lương bình quân khoảng 6 – 7 triệu đồng/người/tháng. Riêng năm 2012, gia đình anh thu lãi gần 500 triệu đồng từ chăn nuôi gà đẻ, cá, chim cút, lợn thịt, sản xuất và làm dịch vụ.
Với những thành công và kinh nghiệm tích luỹ được, trong những buổi sinh hoạt chi hội nông dân của khu, anh Học luôn chủ động phổ biến và chuyển giao các ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cung cấp con giống với giá cả hợp lý cho bà con và các thanh niên trẻ đến học tập. Anh đã giúp đỡ chuyển giao cho 3 hộ nông dân trong thị trấn áp dụng mô hình phát triển kinh tế trang trại tổng hợp, đến nay các hộ gia đình này bước đầu đã có tích luỹ.
Với các phong trào từ thiện do địa phương phát động, anh và gia đình luôn tích cực tham gia, đặc biệt, trong hoạt động đền ơn đáp nghĩa, hằng năm anh Học đều thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, thương bệnh binh, gia đình có công với cách mạng tại địa phương với số tiền khoảng 5 đến 7 triệu đồng. Anh cùng gia đình gương mẫu thực hiện đồng thời vận động bà con làm đường giao thông, xây lắp đèn chiếu sáng công cộng cho các gia đình sản xuất rau màu ở khu vực trang trại...
Chăm chỉ lao động, dám nghĩ dám làm, xứng đáng với danh hiệu là người nông dân trẻ tuổi xuất sắc; tỉnh nhà cần nhiều hơn nữa những người nông dân như anh Vũ Trung Học.
Có thể bạn quan tâm

Dịch cúm gia cầm xảy ra ở VN vào thời điểm cuối năm 2003, đến nay đã hơn 10 năm. Thế nhưng đến nay dịch cúm vẫn hoành hành và gây thiệt hại rất nặng.

Cùng với tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra và cá ba sa, cá rô phi là một trong những loài thuỷ sản có giá trị kinh tế cao, không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa mà còn để xuất khẩu.

Mấy năm trở lại đây, cá lóc trở thành vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân Đức Phổ (Quảng Ngãi) từng bước thoát nghèo. Tuy nhiên, trong khi người nuôi cá vui vì có thu nhập khá thì những hộ dân xung quanh lại phải “gánh” nỗi lo vì môi trường bị ô nhiễm.

"Nếu tôi là họ sẽ không tham gia dự án này vì chưa nhìn thấy hiệu quả. Thêm nữa, sẽ bấu víu vào đâu khi kịch bản xấu nhất xảy ra?"

Là địa phượng nằm trong vùng Dự án Hỗ trợ Tam nông, xã Bắc Sơn (Thuận Bắc - Ninh Thuận) có 4 thôn với dân số gần 8.550 người, sinh sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Với đặc thù vùng cuối kênh Bắc thường thiếu nước sản xuất nên nhiều nông hộ đã đào ao tích nước phục vụ trồng trọt và nước uống cho đàn gia súc, gia cầm.