Nông Dân U Minh Trúng Mùa Khoai Môn

Thời gian qua, nhiều hộ dân trên tuyến bờ bao thuộc ấp 12, xã Khánh Tiến, huyện U Minh (Cà Mau) tận dụng diện tích bờ bao lâm phần để trồng khoai môn. Năm nay, nhờ thời tiết thuận lợi nên hầu hết diện tích khoai môn của người dân đều phát triển tốt. Hiện bà con đang bước vào vụ thu hoạch, trúng mùa nên ai nấy đều phấn khởi.
Gia đình bà Nguyễn Thị Út là một trong những hộ trồng khoai môn đầu tiên ở ấp 12, xã Khánh Tiến. Bà hiểu rất rõ từng đặc tính của cây khoai môn, nhờ vậy mà diện tích môn của gia đình bà năm nào cũng cho năng suất khá cao.
Bà Út vui mừng chia sẻ: “Môn là một trong những loại cây trồng rất phù hợp với vùng đất nơi đây. Chỉ cần chọn giống tốt, bón phân, vô đất chân phù hợp là môn cho củ tốt. Tuy nhiên, hơn 7 năm trồng, chưa năm nào gia đình tôi trúng khoai môn như năm nay.
Mấy bữa rày thu hoạch cũng được hơn 1 tấn. Ước thu hết diện tích bờ bao ngang 5 m, dài 1.000 m chắc cũng được từ 5-7 tấn khoai môn, thu về khoảng 50 - 70 triệu đồng”.
Hiện có hơn 20 hộ dân nơi đây tham gia trồng khoai môn. Với gia đình bà Phạm Thuý Hằng thì việc trồng môn có phần năng động hơn. Thay vì chỉ trồng duy nhất 1 loại môn tàu, gia đình bà Hằng còn trồng môn sáp. Theo bà, môn sáp ít bệnh và cho năng suất cao, đồng thời cũng được người tiêu dùng chọn lựa nhiều hơn nên giá bán cũng cao hơn môn tàu.
Bà Hằng vui mừng cho biết: “Những ngày qua, gia đình tôi đang bắt đầu thu hoạch khoai mẫu cho các thương lái ở huyện và một vài thương lái ở Cà Mau. Sau khi lấy mẫu bán thử, các thương lái đã đồng ý mua liếp khoai của gia đình. Từ đây tới cuối tháng 9 âm lịch gia đình tôi sẽ thu hoạch toàn bộ diện tích, ước đạt từ 6 tấn trở lên”.
Tuy nhiên, hiện giá khoai môn còn ở mức thấp, thương lái đến tận nơi thu mua chỉ từ 10.000-12.000 đồng/kg thay vì 12.000 - 15.000 đồng/kg như năm trước. Bà con đang chờ đợi giá khoai tăng lên chút ít mới thu hoạch rộ.
Mô hình trồng môn là một trong những mô hình được người dân ấp 12, xã Khánh Tiến duy trì trong nhiều năm qua, giúp người dân khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên đất, tăng thu nhập gia đình, từng bước vươn lên ổn định cuộc sống. Ðã có không ít hộ nhờ trồng khoai môn mà điều kiện kinh tế gia đình được cải thiện, gia đình bà Út, bà Hằng hay ông Toàn là những điển hình như thế.
Chị Lê Ngọc Ngân, Bí thư Chi bộ ấp 12, xã Khánh Tiến, cho biết: “Mô hình trồng môn là một trong những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho người dân. Ban đầu chỉ có một vài hộ thực hiện, nhưng với hiệu quả mà nó mang lại đến nay trong ấp đã có nhiều người tham gia thực hiện.
Ðây cũng là một trong những mô hình được ấp chọn thực hiện mô hình “Dân vận khéo”. Thời gian tới, chúng tôi sẽ chỉ đạo cho các ban, ngành, đoàn thể ấp tiếp tục vận động bà con mở rộng mô hình, giúp người dân tăng thu nhập, vươn lên ổn định cuộc sống".
Có thể bạn quan tâm

Hà Nội có tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản (NTTS) lớn, song có một thực tế là hiện nay, nhiều người nông dân vẫn băn khoăn, lo lắng vì nguồn giống chưa đảm bảo cả về chất lượng và số lượng. Không ít hộ nuôi trồng thủy sản ngậm ngùi nếm "trái đắng" bởi mua phải giống kém chất lượng trên thị trường.

“Đây là mô hình đáp ứng được nhu cầu cải thiện cuộc sống của nhiều nông dân nghèo, thiếu đất sản xuất và góp phần giải quyết việc làm. Đây cũng được xem là mô hình lý tưởng giúp nông dân vươn lên khá giả, ổn định cuộc sống” – anh Trương Văn Ước (ngụ ấp Hòa Bình 3, xã Hòa Lạc, Phú Tân, An Giang) tâm đắc khi nói về nghề nuôi ếch đã giúp gia đình anh đổi đời.

Nhiều đối tượng nuôi cho hiệu quả kinh tế cao như: cá rô phi, ba ba, tôm càng xanh… đặc biệt con cá lóc bông được thị trường ưa chuộng đem lại thu nhập cao, ổn định, được xác định là một trong những đối tượng nuôi chủ lực của nông dân Nghĩa Hưng.

Hiện giá gà ta bán ra thị trường khoảng 66 ngàn đồng/kg với gà trống, 76 ngàn đồng/kg gà mái, tăng 6 ngàn đồng/kg. Với giá này, người chăn nuôi đạt lợi nhuận thấp. Riêng giá con giống gà ta lại tăng đột biến, dao động từ 16 - 18,5 ngàn đồng/con, tăng gần 10 ngàn đồng/con so với thời điểm đầu năm. Gà giống “sốt” giá do nhu cầu nuôi gà ta phục vụ thị trường cuối năm tăng cao.

Để tận dụng mặt nước các hồ chứa nhỏ phát triển kinh tế, đa dạng hóa các đối tượng nuôi thủy sản nước ngọt, phát triển nuôi cá nước ngọt theo hướng bền vững, năm 2014, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Quảng Nam phối hợp với Trạm Khuyến nông – Khuyến lâm huyện Đại Lộc triển khai mô hình nuôi cá lăng nha bằng lồng trên hồ Trà Cân, xã Đại Hiệp.